9 lời khuyên giúp bạn tự tin hơn trước khi đi du học

canh-giac-cuop-giat-tai-berlinDu học là niềm mơ ước của nhiều bạn trẻ. Nhiều bạn sau khi nhận được học bổng đi du học lại tỏ ra vô cùng lo lắng khi phải bắt đầu một cuộc sống tự lập ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Hãy cũng tham khảo những bí kíp sau đây để khiến bản thân vững vàng hơn trước khi mở cánh của bước vào một chân trời mới.

1. Kiểm tra trường trước khi nhập học

Phần lớn những trường mà bạn chuẩn bị nhập học không đúng 100% so với những gì bạn đọc được hoặc tìm hiểu trên sách báo hay trên internet. Chính vì vậy điều bạn cần làm là tìm hiểu thông tin một cách chi tiết hơn về chi phí học tập, ăn ở, môi trường sống cũng như những khó khăn gặp phải khi sinh sống tại đất nước này. Bạn nên học hỏi kinh nghiệm từ những bạn du học sinh khác hoặc từ những chuyên gia tư vấn du học mà bạn quen biết.

2. Mua sắm dụng cụ nhà bếp

Những dụng cụ nấu ăn hay dụng cụ nhà bếp nói chung khi mua tại Việt Nam thường rẻ hơn khi bạn mua tại nước ngoài. Nếu bạn muốn tiếp kiệm một khoản kha khá thì hãy sắm một số dụng cụ cơ bản tại nhà. Nếu bạn muốn gọn nhẹ và đơn giản thì hãy sắm một chiếc nồi đa năng. Nó sẽ giúp bạn nấu được hầu hết các món hàng ngày như nấu cơm, luộc rau, rán trứng…

3. Học nấu ăn

Ngày nay, việc tham gia các lớp học nấu ăn đã không còn xa lạ với các bạn trẻ. Điều này rất hữu hiệu với những bạn chuẩn bị đi du học, không chỉ giúp bạn tiết kiệm chi phí ăn uống khi sang nước ngoài, mà nó còn giúp bạn có những bữa ăn ngon, bổ dưỡng và an toàn để đáp ứng cho việc học hiệu quả.

4. Tìm một công việc làm thêm

Chi phí sinh hoạt tại nước ngoài thường cao hơn ở Việt Nam khá nhiều. Vì vậy vấn đề tài chính luôn là điều khiến du học sinh đầu đầu nhất mỗi khi chuẩn bị đi du học. Để giải quyết vấn đề này cũng như giảm gánh nặng cho bố mẹ ở nhà, bạn nên tìm một công việc làm thêm phù hợp với khả năng của mình. Làm thêm không chỉ giúp bạn về khoản tài chính mà còn giúp bạn nâng cao khả năng ngôn ngữ của mình. Nếu may mắn, bạn có thể nhận được sự giúp đỡ từ những người dân địa phương nơi đây.

5. Mang theo quần áo và thực phẩm từ nhà

Cũng giống như dụng cụ nấu ăn thì quần áo là điều vô cùng cần thiết mỗi khi bạn bắt đầu một chuyến đi xa. Bạn nên dành thời gian sắm sửa một số quần áo cần thiết, nhất là quần áo mùa đông vì mùa đông tại một số nước, đặc biệt là châu Âu thường rất khắc nghiệt. Bạn cũng nên mang theo một số thực phẩm khô như: ruốc, muối vừng, mì tôm… bởi lẽ khi mới chân ướt chân ráo bước vào một đất nước mới, bạn thường chưa quen ngay với ẩm thực của nước đó.

6. Làm quen với những người bạn mới

Kết bạn với những người ở cùng bạn ở kí túc xá hoặc nhà trọ sẽ giúp bạn đỡ bị choáng ngợp cũng như buồn tẻ trong những ngày đầu ở một đất nước xa lạ. Nếu như bạn có thể kết bạn được với người dân địa phương tại đó thì bạn càng nhanh chóng thích nghi với môi trường sống tại đất nước mà bạn du học.

7. Tập trung vào việc học

Bên cạnh việc tìm kiếm một công việc để tiết kiệm chi phí hay kết bạn để thích nghi tốt hơn với cuộc sống xa nhà thì bạn không được quên nhiệm vụ chính của mình là việc học. Rất nhiều bạn sau khi sang nước ngoài du học, lãng phí nhiều tiền của bố mẹ nhưng không thu nhận được điều gì. Họ sống buông thả, đốt tiền vào những quán bar hoặc mua sắm và chẳng quan tâm đến việc học.

8. Tải phần mềm đàm thoại qua Internet

Khi mới sang nước ngoài, các bạn du học sinh thường rất nhớ nhà và thường có nhu cầu nói chuyện với người thân và bạn bè tại Việt Nam. Tuy nhiên chi phí gọi điện thoại quốc tế khá đắt. Chính vì vậy, việc tải các phần mềm đàm thoại miễn phí như: Skype, Yahoo Messenger sẽ giúp bạn thoải mái trò chuyện cũng như nhìn được mặt của người thân mà không mất bất kì khoản phí nào.

9. Thuê chỗ ở gần nơi bạn học

Trong trường hợp bạn không được ở tại kí túc xá của trường thì việc thuê nhà trọ gần nơi bạn học sẽ giúp tiết kiệm thời gian cũng như chi phí đi lại. Đối với những bạn du học tại nước có mùa đông khắc nghiệt thì việc đi lại quá lâu ngoài trời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bạn.

Theo GDVN


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong CAM NANG DU HOC