Trước khi đi học ở nước ngoài, bạn cần lường trước là sẽ gặp phải những "cú sốc" về văn hoá và phải trải qua quá trình thích ứng với nền văn hoá mới, kể cả khi bạn là người thích ứng tốt.
Hãy dành thời gian để nghiên cứu về nền văn hoá của đất nước mà mình sẽ đến học tập, từ những điều tưởng chừng rất đơn giản.
Chẳng hạn, ở nhiều nước, những người bạn gái thân thiết có thể chào nhau bằng cách ôm hoặc hôn vào má.
Đôi khi, họ cũng chào một người bạn trai thân như vậy. Thế nhưng, giữa hai người bạn trai thì những hành động như vậy không phổ biến lắm, còn bước đi tay trong tay hoặc khoác vai nhau thì rất hiếm (có khi họ còn tưởng lầm là gay…).
Ngay cả việc biết giữ một "khoảng cách an toàn" với người lạ và các bạn đồng học cũng rất quan trọng.
Thông thường, với những người không thân thiết, bạn hãy giữ khoảng cách 3 bước, nếu bạn thu hẹp khoảng cách đó thì có thể người kia sẽ cảm thấy không thoải mái.
Sự "khác rơ" về văn hoá khiến bạn cảm thấy ngỡ ngàng, lạ lẫm với những hành vi của các bạn đồng học dù bạn đã hiểu rõ về họ và cũng đã quen với phong cách đó. Trước những tình huống gây "sốc", bạn đừng tỏ ra "hoảng hốt" mà trước tiên hãy cười và thư giãn, sau đó quan sát và nghe ngóng.
Hãy biết cảm nhận những khác biệt văn hoá mà bạn khám phá ra theo một cách hài hước.
Tốt nhất là bạn hãy quan sát những bạn học người địa phương và làm theo họ.
Theo các chuyên gia, hầu hết SV trong thời gian đầu trải qua sự thích ứng về văn hoá sẽ cảm thấy đôi chút chán nản, thất vọng, nhưng nếu kiên trì học hỏi và khéo léo, bạn sẽ sớm hiểu nền văn hoá mới và thích ứng dần với nó.
Sự hoà hợp của bạn với một nền văn hoá khác sẽ giúp bạn rất nhiều trong cuộc sống và học tập ở đất nước mới.
Và đây là một vài lời khuyên
nếu bạn muốn nhanh chóng hoà nhập vào môi trường mới:
- Hãy đem theo một số thứ như ảnh, đĩa nhạc hay sách báo từ nhà để đỡ cảm thấy nhớ nhà;
- Tìm một số bạn bè đồng hương để cùng chia sẻ cảm xúc trong những ngày đầu xa nhà;
- Tham gia vào các hoạt động của trường như: thể thao, câu lạc bộ SV…
- Nếu có ai đó mời bạn dùng bữa, hãy nói "có", nếu không bạn sẽ mất cơ hội đấy. Nếu không ai mời thì bạn hãy chủ động mời một ai đó
- Trong những ngày đầu xa nhà, hãy chú ý đến sức khoẻ của mình, nếu phát hiện thấy những dấu hiệu suy yếu về sức khỏe như mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi… hãy hỏi những anh chị đồng hương có kinh nghiệm hoặc đến trung tâm tư vấn sức khỏe của trường
- Hãy chuẩn bị một số câu chuyện làm quen với các bạn SV bản địa và trong chuyện làm quen, bạn hãy luôn chủ động và thể hiện mình là một người cởi mở
- Nếu một SV nước khác không biết Việt Nam là nước nào hoặc tưởng lầm đó là một nước ở… gần sa mạc Sahara, bạn cũng không nên tỏ ra ngạc nhiên hay thất vọng. Phản ứng duy nhất của bạn là hãy cười và sẵn lòng chia sẻ những thông tin về nước mình.
Hãy luôn đúng giờ
Ở nước ngoài, người ta rất coi trọng sự nhanh nhẹn, vì vậy, cách tốt nhất để bạn thể hiện sự tôn trọng người khác cũng như để họ tôn trọng mình là đến đúng giờ.
Nếu ở Việt Nam, bạn có thói quen "giờ cao su" thì cần nhanh chóng loại bỏ thói quen đó nếu không muốn bị thất bại trong chuyến du học của mình vì chỉ cần bạn đến muộn dù chỉ 5 phút trong một cuộc phỏng vấn, bạn có thể đánh mất quyền tham dự của mình.
Bất kể bạn bị hỏng xe, ngủ quên hay gặp sự cố gì đi chăng nữa, họ cũng sẽ cho rằng bạn coi thời gian của bạn có giá trị hơn thời gian của người phỏng vấn.
Trong trường học, quan niệm này vẫn được tôn trọng.
Do đó, lời khuyên cho những người chuẩn bị đi du học là:
Nếu bạn chỉ nhớ một điều, thì đó là: khi bạn có một cuộc hẹn, hãy đến đúng giờ, thậm chí đến sớm.
Những nguyên tắc an toàn
- Nếu thấy người lạ mặt lảng vảng trong khu vực mình ở có những hành vi đáng nghi ngờ, thấy những món đồ lạ bị bỏ rơi… hãy báo ngay với bảo vệ hoặc cảnh sát.
- Không bao giờ đọc số điện thoại cho một người gọi nhầm số mà hãy hỏi họ vừa gọi số nào. Không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ vừa gọi đến và tuyệt đối không nói bạn đang ở nhà một mình bởi rất có thể người đó sẽ lợi dụng điều này để làm hại bạn.
- Khi ở trong phòng một mình, hãy luôn khoá cửa. Nếu có người lạ gõ cửa thì bạn phải hỏi trước khi mở cửa.
- Không bao giờ đi cùng thang máy với người lạ mặt có dấu hiệu khả nghi.
- Ghi nhớ những số điện thoại khẩn cấp để có thể gọi bất cứ lúc nào.
- Nếu phải đi đâu xa một mình, hãy nói rõ với bạn cùng phòng, bạn thân hay người có trách nhiệm của kí túc xá biết bạn đi đâu và khi nào về. Không đi ra ngoài với người lạ hay người say.
- Tuyệt đối tránh những con đường vắng người, không có đèn đường; không đi đường tắt mà hãy chọn đường đi gần đường giao thông.
- Không vừa đi vừa nghe walkman vì điều đó sẽ cản trở bạn nghe ngóng, quan sát xung quanh.
- Hãy bắt buộc phải đi vào những đoạn đường vắng người, hãy quan sát xem có ai đi theo bạn không, nếu có, hãy tìm cách "cắt đuôi" nhưng đừng tỏ ra mình đang hốt hoảng mà hãy nhanh chóng đi ra nơi có đông người. Vừa đi bạn hãy vừa nhìn lại phía sau để người đó biết rằng bạn đã nhận ra có người đang theo dõi mình.
- Hãy luôn ghi nhớ những nguyên tắc an toàn tối thiểu: khoá cửa phòng cẩn thận dù bạn chỉ đi ra ngoài một lát; những đồ quý, tiền bạc phải cất nơi an toàn chứ không nên vứt lung tung trong phòng dù bạn chỉ ở một mình; đề cao cảnh giác với những người xung quanh, nhất là khi bạn đang ở nơi "đất khách quê người"…
- Nên giữ số seri, model của những thiết bị mà bạn mua
- Với những đồ đạc, thiết bị cá nhân, hãy đánh dấu đó là đồ của mình
- Khi ở trong thư viện, trong lớp, nhà ăn…, không nên để cặp sách, ví tiền lung tung…
- Không bao giờ mang nhiều tiền mặt trong người mà hãy giữ thẻ tín dụng
- Không để những giấy tờ quan trọng như bằng lái xe, thẻ tín dụng, tiền… trong xe ôtô
- Nếu đi xe đạp, bạn cũng hãy bảo quản cẩn thận, đừng nghĩ rằng "thứ đồ này ai thèm lấy". Hãy dựng xe ở những chỗ đông người qua lại, khoá cẩn thận bằng loại khoá chuyên dụng.
- Khi cần rút tiền, hãy chọn những máy rút tiền đặt ở nơi đông người, có đèn sáng. Tốt nhất hãy rủ một người bạn thân thiết đi cùng. Không bao giờ đứng đếm tiền ở ngay máy rút tiền…
Trên đây chỉ là những lời khuyên cần thiết nhất để giúp cho những HS, SV lần đầu tiên đi du học nước ngoài có thể dựa vào đó mà thích ứng với cuộc sống mới cũng như có thể lường trước những khó khăn, bất trắc khi phải "đơn thương độc mã" ở trời Tây.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những lời khuyên chứ không thể thay thế được thái độ thích ứng, sự khéo léo và cách ứng xử của mỗi người…
Và một cách tốt nhất để bạn tự thu lượm kinh nghiệm cho mình là hãy chịu khó quan sát, lắng nghe và học hỏi những anh chị, bè bạn đồng hương đi trước đang học tập ở môi trường đó.
Vũ Thu Hương
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000