Theo nhu cầu du học ngày càng tăng, các trung tâm môi giới, tư vấn du học mọc lên như nấm. Ẩn sau những lời quảng cáo hoa mỹ là những chiêu lừa đảo cũng ngày càng nhiều, tinh vi hơn.
Làm sao để không sa vào “mê hồn trận" của những dịch vụ loại này để tìm được một trường đại học phù hợp cho con em mình? Không có thời gian tìm hiểu thông tin chọn trường cho con em đi du học, nhiều phụ huynh phó thác chuyện này cho các dịch vụ, nhưng chất lượng và giá cả thì vẫn là một câu hỏi lớn.
Cũ vẫn ngon ăn
Tuy là chiêu "xưa lắm rồi" nhưng vẫn có người bị lừa là phí dịch vụ. Có công ty cứ quảng cáo miễn phí dịch vụ nhưng thực ra đã đôn học phí lên gấp 2-3 lần. Phụ huynh ham rẻ, đến chừng cho con qua tới trường rồi mới biết học
phí khá thấp, mình bị lừa mất cả chục ngàn USD vào phí dịch vụ. Chị Tố Tâm, quận l, cho biết: "Cháu tôi đi du học Singapore, công ty tư vấn S. nói không lấy phí dịch vụ, chỉ lấy 10.000 USD học phí. Qua tới trường mới biết học phí chỉ có 5.000 USD. Hóa ra mình mất 5.000 USD cho phí dịch vụ, trong khi những nơi làm ăn đàng hoàng lấy có 300 USD". Rút ra bài học xương máu từ vụ trên, vị phụ huynh này đã có thể kể vanh vách giá phí dịch vụ ở những công ty mà chị đánh giá là đàng hoàng. "Đi Singapore, phí dịch vụ có 300 USD thôi, có chỗ còn 150 USD. Du học Pháp 200 USD, Mỹ 500 USD, Úc và Anh: 400 USD...".
Nhiều "cò" dịch vụ tha hồ vẽ ra đủ thứ dịch vụ rồi cứ “để em lo hết” mà rút dần tiền các vị phụ huynh một cách êm thấm. Cô Huỳnh Vĩnh Hưng, ở quận 6, kể: "Vợ chồng tui bận làm ăn ở dưới trang trại tuốt Bình Phước, không có thời gian lo các thủ tục. Cò chỉ sao làm vậy, kêu đưa bao nhiêu là tui đưa. Một ngày kia tay cò biến mất, tới hỏi thì công ty nói anh ta nghỉ làm ở đó lâu rồi. Thế là mất toi 15 triệu đồng" .
Càng nóng càng ma
Singapore và Mỹ hiện là hai thị trường du học có đông sự quan tâm của phụ huynh, nên đây cũng là hai mảnh đất “mần ăn" xôm tụ nhất của dân lừa đảo du học. Nhiều phụ huynh kinh nghiệm có thừa vẫn không thoát. Anh Thế Khang, quận Tân Bình, chia sẻ: "Khi định cho con đi du học Singapore, tôi đến dịch vụ tư vấn, đòi đưa catalogue gốc của trường cho coi giá cả, rồi cũng vô Internet kiếm tên trường để kiểm tra. Sau đó trường đó có qua đây tổ chức hội thảo. Tất cả đều thấy rất bài bản và chuyên nghiệp. Cho con qua rồi mới té ngửa là trường "bèo" quá, chỉ thuê vài căn phòng ở tòa cao ốc đó mà chụp hình luôn cả tòa nhà in vô catalogue. Lớp học thì nay đổi mai dời. Lấy tiền 2 năm mà dạy có 1,5 năm..., còn thua ở Việt Nam".
Thực trạng quảng cáo dịch vụ du học ở Việt Nam thì rầm rộ nhưng qua tới nơi lại không đúng đang khá phổ biến. Anh Phan Chánh (quận Phú Nhuận) cũng gặp tình trạng tương tự. Đóng phí dịch vụ, đóng cả học phí luôn rồi, nhưng khi anh qua Singapore kiểm tra lại, thấy trường chỉ có mấy cái phòng nhỏ thuê trong một siêu thị, lại là trường chỉ chuyên dạy ngoại ngữ chứ không phải đại học gì cả. "Thế là tôi chạy dài. May mà làm dữ lấy tiền lại được. Thời buổi bây giờ, nếu không qua tận nơi coi thì thật không yên tâm chút nào. Nếu cho con mình vô học rồi lỡ dở cả mấy năm thì tội cho nó lắm", anh Chánh nói.
Còn chị T. Nga (Q.3) thì lại bị lừa ở thị trường Mỹ. Dịch vụ thu tiền của chị nói là lo hết từ A đến Z. Ấy thế mà khi đi phỏng vấn xin visa đến lần thứ 5 vẫn không đậu. Chị bức xúc: "Nơi nào mà bảo đảm 100% đậu visa đi Mỹ chắc chắn nơi đó có vấn đề. Nhiều học sinh có hồ sơ mạnh (học giỏi, tài chính dồi dào, tiếng Anh giỏi, động cơ đi chính đáng...) mà vô đó trả lời tơ lơ mơ cũng rớt lên rớt xuống. Con tôi phỏng vấn 5 lần, lần nào dịch vụ cũng đòi tiền thêm, nói là để chạy đường này đường kia. Sau tôi mới biết là con tôi không đủ sức đi Mỹ mà họ cứ một hai nói có tiền là đậu. Đậu cành mềm thì có. Vừa mất hơn 12.000 USD vừa mất hết 2 năm chờ đợi ngao ngán".
Thẩm định trường qua những kênh nào?
Kênh thẩm định uy tín nhất, theo bà Trần Thị Xuân, Q.1, người có 3 con đều đi du học ở Mỹ, Canada, là chính mình đi qua tận nơi kiểm tra.
Một kênh khác là từ các lãnh sự quán. Lãnh sự quán Pháp có văn phòng du học Pháp trong khuôn viên IDECAF (đường Thái Văn Lung, Q.1), Úc có văn phòng ở tòa nhà Landmark (đường Tôn Đức Thắng, Q.1); Mỹ ở tòa nhà Saigon Center (đường Lê Lợi, Q.1); Anh có Hội đồng Anh (đường Lê Duẩn, Q.1); Singapore có trung tâm thông tin của Tổng cục Du lịch Singapore trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1... Tại đây, phụ huynh có thể kiểm chứng mọi thông tin về trường lớp, ngành học, học phí và các thông tin về visa, luật pháp, văn hóa cũng như quy định của nước đó về du học sinh.
Ngoài ra, phụ huynh có thể tham khảo thông tin tại một số cuộc bình chọn, xếp loại các trường của một số tờ báo, tổ chức phi chính phủ ở một số nước như Anh, Úc, Mỹ. Thông tin này có thể tham khảo tại các văn phòng du học của các lãnh sự quán hoặc xem ở các website. Tại thị trường Úc có thể tham khảo qua website: www.thegoodguides.com.au; Mỹ: www.usnews.com (mục news và edu/grand/rankings), Anh: www.thes.co.uk. Riêng ở Singapore, ngoài website của Bộ Giáo dục: www singaporeedu.gov.sg, có thể tham khảo thêm: www.contactsingapore.org.sg. (click vào phần For employers). Còn các trường ở châu Á nói chung, có thể vào www.asiaweek.com tìm hiểu thêm.
Theo SGTT.
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000