Đi du học, không nên ở với người Việt!

Đi du học, không nên ở với người Việt!Đó là lời khuyên chân thành của ông Paul McLoughlin - Hiệu trưởng trường Taylors College, một trong những trường đào tạo THPT và dự bị ĐH tốt nhất tại Úc.

Theo ông, việc thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt khi đi du học sẽ là cản trở lớn trong việc hòa nhập và tiếp thu kiến thức.


Ông đánh giá thế nào về chất lượng học tập của học sinh Việt Nam khi học tập tại trường?

Các em học sinh Việt Nam ở trường tôi học rất giỏi, cả chương trình trung học lẫn dự bị đại học. Các em rất chăm chỉ và chú tâm đến việc học của mình.

Giữa hai chương trình THPT và dự bị đại học thì số lượng học sinh học ở chương trình nào nhiều hơn?

Điểm giống nhau trong chương trình giáo dục Australia và Việt Nam là đều có 12 năm học phổ thông. Do vậy, khi học hết chương trình lớp 9 ở Việt Nam, học sinh có thể sang Australia học tiếp lớp 10 tại các trường phổ thông.

Hiện tại, ở trường Taylors College, số học sinh Việt Nam tham gia chương trình THPT đông hơn chương trình dự bị đại học. Tuy nhiên, tôi nghĩ trong tương lai, học sinh Việt Nam có xu hướng đăng ký dự bị đại học nhiều hơn THPT để giảm bớt chi phí học tập do đồng đôla Australia đang trở nên khá đắt so với đồng Việt Nam.

Học dự bị đại học chỉ mất có 1 năm trong khi học THPT là 3 năm. Học sinh cũng có thể lựa chọn chương trình lớp 12 thay vì học dự bị đại học. Song điều này không có lợi cho học sinh nước ngoài do phải cạnh tranh với các học sinh trong nước.

Chương trình đào tạo dự bị đại học có gì đáng chú ý?

Chương trình dự bị đại học rất quan trọng. Nó tạo một nền tảng tốt cho các em học tập ở bậc đại học. Bởi vì khi học chương trình dự bị đại học, học sinh được tư vấn để lựa chọn các môn học liên quan đến ngành mà mình theo học tại đại học, giúp học sinh có cơ hội học tốt khi vào học đại học.

Hơn nữa, có 3 kỹ năng chủ yếu mà các em sẽ được học ở chương trình dự bị đại học đó là độc lập, làm việc theo nhóm và kỹ năng thuyết trình.

Theo ông, học sinh Việt Nam khi bắt đầu học tập ở nước ngoài thường gặp những trở ngại gì?

Tôi nhận thấy, học sinh Việt Nam rất có khả năng học tốt. Tuy nhiên, trong những tuần đầu sang đây học, các em đều gặp phải trở ngại là rất e dè trong việc đặt câu hỏi và tham gia vào bài thảo luận ở trong lớp. Điều này có lẽ là do có sự khác biệt quá lớn về số lượng học sinh trong lớp và phương pháp dạy học giữa hai môi trường giáo dục.

Như ở trường của tôi, sĩ số học sinh trong lớp chỉ có khoảng 20 em (trong khi ở Việt Nam con số này lên tới 50 em). Học sinh ở trong lớp sẽ được đối thoại với giáo viên thay vì chỉ có một mình giáo viên nói. Khi đã quen và bắt nhịp đựơc với cách học này, học sinh Việt Nam sẽ học rất tốt.

Ông có điều gì muốn nhắn gửi tới học sinh, sinh viên Việt Nam, những người quan tâm đến du học?

Tôi hiểu rất rõ văn hoá của Việt Nam, mọi người có xu hướng thiên về cuộc sống gia đình. Do đó, khi phụ huynh gửi con đi du học, họ thường quan tâm tới việc cho con cái ở với họ hàng hay người thân quen.

Nhưng điều mà tôi lo ngại là, khi sống với người Việt, thì ngôn ngữ mà các em sử dụng là tiếng Việt. Vì thế tôi cho rằng phụ huynh nên để các em ở ký túc xá hoặc gia đình người bản xứ, để các em có thể nói tiếng Anh thường xuyên hơn ngoài giờ học chính thức.

Việc chọn chỗ ở cũng có thể ảnh hưởng tới kết quả học tập của các em. Tôi nghĩ, các vị phụ huynh nên nhắm đến sự thành công của con em mình.

Xin cảm ơn ông!

Theo Lan Hương
Dantri.


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong CAM NANG DU HOC