Đến hẹn lại lên, cứ vào “mùa” du học, tháng 7, tháng 8 hàng năm là các hội thảo du học lại “mọc” lên nhiều vô kể. Tuy nhiên, không phải hội thảo du học nào “miếng” cũng tương xứng với “tiếng”.
Gặp cò nơi đất khách
Là người nhiều năm học tập, nghiên cứu tại Pháp, Lê Thị Cảnh Chi đã giúp đỡ rất nhiều du học sinh Việt Nam sang đây du học.
Cảnh Chi cho biết có những Cty du học đảm bảo khi sang Pháp sẽ có người ra tận sân bay đón rồi dẫn đi thuê nhà trọ, hướng dẫn đăng ký học… Nhưng, người ra đón du học sinh lại là “cò” của một công ty tư vấn bị cấm ở nước sở tại.
Sau khi nhận được 200 euro cho công đưa đón (lòng vòng), “cò” liền đưa “con mồi” béo bở về ở tạm trong những ngôi nhà tồi tàn với giá thuê ngày cắt cổ.
Lạ nước lại cái, nhiều khi ngôn ngữ lại chưa thạo, tâm lý nhanh chóng ổn định chỗ ở khiến du học sinh phải chấp nhận thuê những căn phòng bất hợp pháp, chỉ rộng 5 - 7m2 (theo quy định của Pháp tối thiểu nhà phải rộng 9m2), lại ở tầng 6, tầng 7 không thang máy, không có nước sinh hoạt. Du học sinh phải xách nước từ tầng 1 lên để sử dụng.
Vì bất hợp pháp nên hầu như chủ nhà không có hợp đồng (nếu có cũng rất mờ ám). Một khi xảy ra tranh chấp, phần thiệt thòi chắc chắn thuộc về du học sinh.
Ỡm ờ chiêu bài học bổng
Đánh vào tâm lý của HS - SV mong muốn xin được học bổng, nhiều cuộc hội thảo du học hay có thêm nội dung phỏng vấn học bổng, cơ hội nhận học bổng… Các chiêu thức cấp học bổng cũng rất đa dạng: từ học bổng toàn phần, học bổng từng phần, học bổng giai đoạn, đến học bổng chương trình học…
Vì thế tại các cuộc hội thảo, người ta thường bắt gặp những thông báo chung chung kiểu: “SV được hưởng học bổng trị giá 8 tuần tiếng Anh miễn phí và có cơ hội nhận học bổng 25% học phí cho các khóa học A - level, dự bị đại học và thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường”.
Theo kinh nghiệm của Bích Ngọc - SV trường Đại học London Metropolitan (Anh), nhiều trường đại học, cao đẳng tư thục sẵn sàng hợp tác với các Cty tư vấn du học Việt Nam cấp học bổng không cần điều kiện hoặc chỉ qua một bài kiểm tra tiếng Anh… lấy lệ.
Nhưng trên thực tế, số tiền học bổng đã được cộng vào trăm nghìn khoản phải đóng góp của HS - SV. Vì vậy về thực chất, học bổng được thông báo chỉ là ảo và không ai khác, chính người học tự trả học bổng cho mình!
Nếu không chú ý và có kinh nghiệm, các bạn trẻ sẽ rất dễ mắc vào chiêu bài học bổng “ỡm ờ” trên.
Để khắc phục thực tế này, theo Trần Việt Phương - Học viên đang học thạc sĩ chuyên ngành Truyền thông tại Webster University Thailand, SV Việt Nam đầu tiên vừa được trao giải thưởng quốc tế về truyền thông do Hiệp hội Các nhà thông tin kinh tế trao tặng, tốt nhất là nên liên lạc với lãnh sự quán của các nước tại Việt Nam để kiểm tra thông tin về trường, cũng như học bổng.
HS - SV cũng có thể vào các trang web của trường, liên hệ trực tiếp với trường qua thư điện tử hoặc tìm hiểu qua các trang web của du học sinh các nước. Nếu có điều kiện, kiểm chứng được thông tin qua bạn bè, người thân tại nước đó là tốt nhất…
Trước khi quyết định sẽ đi đâu, học ngành gì và học như thế nào, các bạn trẻ nên tìm hiểu kỹ thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để tránh tình trạng bị “ăn quả đắng”.
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000