Để có thêm thu nhập, để rèn luyện và tự thử thách bản thân, để học hỏi kinh nghiệm thực tế..., nhiều du học sinh Việt Nam đã không quản khó khăn, bươn trải làm thêm với đủ thứ nghề nơi đất khách.
1001 nghề tay trái
Đang học năm thứ 3 chuyên ngành International Business - Đại học Nottingham Trent (Anh quốc), Nguyễn Thùy Dung là một trong những du học sinh tích cực đi làm thêm.
Ngay từ năm thứ nhất, cô sinh viên gốc Hà Nội năng động này đã thử rất nhiều nghề... tay trái. Từ bưng bê, bồi bàn, trông trẻ thuê, làm và bán bánh mỳ…, Dung đã đều thử cả.
Dung cho biết, du học sinh nước ngoài học tập tại Anh được phép làm thêm 20 giờ/tuần. Cũng như sinh viên đến từ các nước khác, không ít du học sinh Việt Nam có nhu cầu đi làm thêm để cải thiện cuộc sống.
Công việc được nhiều bạn trẻ lựa chọn nhất là bồi bàn (4,3 bảng Anh/giờ), bán hàng, quét dọn vệ sinh (9 bảng/giờ nếu làm trong các công ty lớn). Các bạn nữ thì trông trẻ thuê theo giờ ở các khu vui chơi giải trí với tiền thù lao 4,7 bảng/giờ...
Với những nghề này, du học sinh thường làm part - time. Riêng những ngày cuối tuần, có thể làm cả ngày và thường được trả lương cao hơn.
Vào kỳ nghỉ hè, sinh viên Việt Nam có thể đi làm bánh, bán bánh mỳ subway - một loại bánh mỳ của Mỹ. Công việc này gồm nhiều công đoạn: nhào bột, làm bánh, đóng bánh vào hộp, bán bánh... Và để được nhận tiền công khoảng 5 bảng Anh/ngày (ngày lễ: 9 - 10 bảng/ngày), những “công nhân” không chuyên sẽ phải nhúng tay vào tất cả các công đoạn theo yêu cầu của chủ.
Giống như ở Anh, đứng thu tiền ở quầy, lau nhà, dọn dẹp vệ sinh tại cửa hàng fastfood... cũng là những nghề thu hút các du học sinh Việt Nam tại Pháp.
Ở Paris, tiền lương trả cho các công việc trên khoảng 7 euro/ngày. Nếu làm việc trong các cửa hàng cao cấp, mức thu nhập sẽ cao hơn.
Bên cạnh những công việc thiên về chân tay, nhiều du học sinh còn tranh thủ dạy thêm khi không phải đến lớp. Nguyễn Sơn Nam, ĐH Marie et Pierre Curie (Paris - Pháp), tâm sự: Em dạy Toán cho con của một số người Việt sống tại Paris, còn đa số các du học sinh khác thường dạy kèm tiếng Việt cho người Pháp, hoặc con nuôi Việt kiều.
Sau 1 giờ 15 phút “bán” giọng và tri thức, “thầy” sẽ được trả 16 euro. Mức lương này có thể dao động tùy theo thời gian lên lớp của “thầy” và số lượng trò đến học.
Trong số 1001 nghề làm thêm của du học sinh ở nước ngoài, có những nghề khá đặc biệt. Ở Paris, các nữ sinh còn hành nghề bảo mẫu - trông trẻ. Du học sinh được ăn, ở, sinh hoạt cùng với chủ mà không phải trả tiền, đổi lại họ phải trông con cho họ.
Ngoài ra, các bạn trẻ năng động còn “vây bè kéo nhóm”, rủ nhau đi chở hàng thuê đến các hội chợ triển lãm ở thành phố nhỏ và các tỉnh lẻ của Pháp...
Nỗi niềm ai tỏ
Hầu hết các du hoc sinh làm thêm ở nước ngoài đều tâm sự, họ làm thêm là để nâng cao thu nhập.
Tuy nhiên theo phân tích của Nguyễn Thùy Dung, so với bữa ăn trưa 3 bảng Anh/suất (một tháng là 90 bảng), tiền nhà 73 bảng/tuần và rẻ cũng phải 150 bảng/tháng thì tiền làm thêm không thể đảm bảo được cuộc sống.
Chính vì vậy, quan trọng hơn, du học sinh làm thêm là để được va vấp với thực tế, tự rèn luyện, học hỏi và chiến thắng chính bản thân mình…
Dung bảo, ở nhà quen làm nũng mẹ, nhiều khi cơm ngại không nấu, bát lười chẳng rửa, nhưng khi đi làm thêm bị chủ mắng vẫn phải cắn răng chịu đựng. Rồi sau mỗi giờ làm về khuya mệt nhoài người, một mình nằm trên giường nghĩ cứ thấy tủi tủi.
Nỗi niễm làm thêm còn “mùi mẫn” hơn khi bị chủ quỵt tiền lương: “Chính em đã bị chủ cửa hàng bánh mỳ “cuỗm” gần 100 bảng. Đến đòi, họ bảo đã gửi vào tài khoản riêng nhưng thực tế đâu có nhận được. Thân cô thế cô nơi đất khách nên cũng đành chịu chứ chẳng biết kêu ai…”.
Nhắc đến nỗi niềm… uất ức khi đi làm thêm, đến giờ Nguyễn Bích Vân (Đại học Marie et Pierre Curie - Pháp) vẫn cảm thấy bức xúc khi nhớ lại chuyện cũ. Vân trông con thuê cho một gia đình người Pháp. Do bị ốm đột ngột, Vân xin phép chủ nhà hoãn chuyến đi chơi đã hẹn trước cùng gia đình họ.
Thấy bạn bè đến thăm Vân ốm, chủ nhà nghi cô học sinh người Việt này giả vờ ốm, rủ bạn đến đàn đúm trong khi họ vắng nhà. Vậy là, họ liền viết thư về cho bố mẹ Vân giãi bày: “Tôi lấy làm buồn vì con gái của ông bà…”. Đúng là tai bay vạ gió.
Lần khác, Vân cùng Nam rủ nhau “buôn chuyến” - chở thuê cao Con hổ và chè khô cho một Việt kiều ở Pháp. Không hề biết những mặt hàng của chủ mà mình đang tay xách nách mang là trốn thuế nên Vân và Nam đã… “chết đứng” khi bị cảnh sát kiểm tra, lập biên bản.
“Lần đó chúng em cũng bị bà chủ quỵt mất mấy ngày lương vì “không hoàn thành nhiệm vụ”. Những lúc như vậy mới thấy thấm nỗi niềm làm thêm nơi đất khách dù phải thú thực rằng, nhờ những va vấp đó mà chúng em lớn lên”, Vân tâm sự.
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong CAM NANG DU HOC
-
Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ xin visa du học nghề Đức 2024
Để có thể nhanh chóng đặt chân đến vùng đất Đức mơ ước, bạn cần phải có visa là tấm vé thông hành. Vậy đối với những bạn du học nghề Đức,...
-
Những thủ tục đầu tiên của du học sinh tại Đức
Du học tại Đức là một cuộc phiêu lưu thú vị, nhưng những ngày đầu tiên là một thách thức đối với tất cả sinh viên nước ngoài. Có một số...
-
Làm thêm ở Đức: Những điều du học sinh cần lưu ý 2022
Một trong những lợi thế của sinh viên khi du học Đức là được phép đi làm thêm với nhiều loại hình công việc. Tuy nhiên do Đức là một đất...
-
Các chứng chỉ tiếng Đức hợp lệ để đi du học mà bạn cần biết: GOETHE, ÖSD, TELC và ECL
Nếu bạn đang tìm hiểu về việc du học Đức, hay bạn đang trong quá trình ôn thi tiếng Đức cho việc du học mà bạn chưa biết những chứng chỉ...