“Thôi, em đừng cầm cuốn sách tiếng Đức mà... tụng như thế, học chậm lắm! Cứ ra đứng bán hàng vài buổi, tự khắc em sẽ khá hơn”.
Đó là lời khuyên của chị Thu, người Hà Tĩnh, nhân viên cửa hàng quần áo đã sống ở Đức gần 20 năm dành cho tôi.
Nghe lời khuyên, ban đầu tôi khá lưỡng lự, hơi ngại vì lỡ mang tiếng tốt nghiệp cử nhân báo chí mà lại đi... buôn. Nhưng sau gần 4 năm định cư ở xứ người, tiếng Đức của tôi còn bập bẹ, lềnh đềnh lắm. Thế là tôi quyết định “khăn gói quả mướp” theo một người Đức ra chợ để tìm... chữ!
Bán buôn không cần vốn Carmen là một phụ nữ tuổi tứ tuần với gần 20 năm lăn lộn khắp các xó TrÔdel markt (tên gọi loại chợ trời khá nổi tiếng ở đây), nơi nào có mở chợ là nơi đó có chị. Carmen khá nhiệt tình, cởi mở. Chị chẳng giấu giếm gì tôi về những bí quyết “móc túi” khách hàng, căn bản Carmen cũng là người bạn thời thơ ấu của chồng tôi, nên khi tôi ngỏ ý muốn đi bán thì chị rất nhiệt tình giúp đỡ. Tâm sự với Carmen là tôi chưa biết bán gì, chỉ muốn tìm hiểu khu chợ trời ra sao và chủ yếu muốn trau dồi ngôn ngữ; sống giữa đất Đức mà tôi cứ suốt ngày ê a tiếng Anh là không ổn, đồng nghĩa với việc bếp núc, vùi đầu nội trợ và không có chút “vốn liếng” sống nào. Carmen nhìn tôi hồi lâu, rồi nói: “Ở nhà có gì hay hay không? Quần áo cũ, đồ chơi trẻ con... đều được, thứ gì chật nhà thì thu gom lại rồi thứ bảy theo chị ra TrÔdel markt nhé!”. Thấy tôi trợn tròn mắt, Carmen biết tôi chưa hiểu vấn đề, liền giải thích: “TrÔdel markt là khu chợ buôn bán hàng đã qua sử dụng, ở đấy mọi người có thứ gì trong nhà cảm thấy còn tốt mà không xài nữa thì đều mang ra bán hết, nên em cứ yên tâm”.
Sáng thứ bảy, tôi đã hẹn với ông xã, tranh thủ lái xe mang quần áo cũ của tôi từ thời con gái, có thai đến khi sinh, rồi quần áo cũ, đồ chơi của đứa con gái hai tuổi, tất tần tật đều gom đem ra chợ. Tôi thuê lại hai bàn trống 2m2 từ Carmen (giá mùa hè cho 2m2 này khoảng 14 euro/ngày, mùa đông thì gấp đôi), và bắt đầu sắp xếp mớ “tài sản” nhỏ bé của mình sao cho bắt mắt nhất. Thế nhưng, ngày đầu tiên bán hàng của tôi khá tẻ nhạt, vì tôi còn khá gượng gạo, không biết cách chào hỏi... nên kết thúc một ngày vẫn chưa bán được bất kỳ sản phẩm nào!
Chợ trời = lớp học
Sau ngày đầu tiên đi bán, tôi thấy vốn tiếng Đức của mình vẫn thế, không chút tiến triển nào. Nhiều người quen rỉ tai động viên, đừng nản, từ từ rồi mới khá. Rút kinh nghiệm, sang ngày thứ bảy của tuần thứ hai, tôi trở nên hoạt bát hơn khi khách đến coi hàng. Tôi chào hỏi nhiệt tình và cho biết tất cả mặt hàng của mình đều làm bằng tay. Sản phẩm làm bằng tay được dân châu Âu rất ưa chuộng dù giá có cao hơn một chút. Ở đây, vì quần áo đã qua sử dụng nên tôi bán lại cho khách với giá cả hợp lý. Do dáng người của tôi khá nhỏ bé, nên các sản phẩm cũng giới hạn khách hàng, họ chủ yếu là mua cho... trẻ con! Có lần, tôi cố gắng nhịn cười khi một cặp vợ chồng đến hỏi giá áo sơ mi bầu của tôi mặc trong 4 tháng đầu, để mua cho bé gái có 10 tuổi!
Nhờ nghe lời chỉ dẫn của các ông bà “bạn già” ngoài chợ trời, tôi nói hết năng suất, nên kết thúc “phiên giao dịch” ngày thứ hai khá thành công: tôi bán được tất cả 55 euro (áo bầu, áo đầm của tôi và vài thứ linh tinh của con gái). Nhưng điều quan trọng nhất, tôi nhận thấy mình tự tin hơn, hoạt bát hẳn lên (không ngại khi phát âm sai) và cơ hàm bắt đầu uyển chuyển hơn (vì phải nói nhiều!). Nhiều lúc tôi biết mình nói sai, còn khách thì cố gắng hiểu, thậm chí họ còn sửa lỗi phát âm cho tôi, ví như phát âm và cách viết của dây thắt lưng Gürtel và dưa leo là Gurke. Có một khách hàng nữ trạc 20 tuổi rất thích chiếc áo đầm, tôi mới hướng dẫn cô ấy mặc áo kết hợp với dây thắt lưng bản to sẽ đẹp hơn, nhưng tôi phát âm chữ dây thắt lưng thành... quả dưa chuột. Cô gái lấy làm lạ và cố gắng hiểu, song cô không cười mà còn viết ra giấy chỉ tôi cách đọc, sửa sai, nhờ thế tôi tiếp thu khá hiệu quả.
Một không gian của người già
Sau 8 tuần (thực chất là 8 ngày thứ bảy) làm “con buôn”, tôi gặp nhiều gương mặt quen thuộc hơn, bởi trong lúc vắng khách, tôi thường bắt chuyện, trao đổi với họ để luyện cách phát âm chuẩn. Để ý tôi mới thấy hầu hết dân bán hàng ở đây ngoài những người kiếm sống bằng nghề bán buôn, thì đa phần là người ngoài 50. Họ đến đây không chú trọng việc bán hàng mà là để... trò chuyện, làm những việc không tên cho hết thời gian, đóng cửa hàng rồi ra về.
Đối diện quầy hàng của tôi là một phụ nữ lớn tuổi tên Ingrid, gương mặt phúc hậu, trên tay bà lúc nào cũng sẵn dụng cụ đan và cuộn len nhiều màu sắc. Hằng tuần tôi đều thấy bà chăm chỉ đan đan móc móc những đôi găng tay, vớ len, áo khoác rồi treo trên móc, trưng bày ở đó. Số lượng đồ len ngày càng tăng theo ngày tháng, chứ ít khi nào tôi thấy nó vơi đi. Do sản phẩm làm bằng tay nên giá cả cũng không rẻ: vớ cho trẻ con 12 euro/đôi, vớ người lớn 18 euro/đôi.
Có lần rảnh rỗi, tôi sang quầy hàng của Ingrid, ngồi xuống trò chuyện: “Ở đây có vẻ buồn tẻ quá bà nhỉ? Ít có người lạ nào ngoài những người bán hàng chúng ta”. Ingrid cười: “Ừ, nhưng vẫn vui hơn ở nhà cháu à!”. “Bà sống một mình?”. “Không, với một con mèo tên là Carlos nữa”. “Nó đâu? Sao bà không đem nó theo cho vui?”. “Thỉnh thoảng ra đường nó quấy lắm, nên tôi cho nó ở nhà”. “Một ngày bà đan được mấy đôi vớ?”. “Vui thì được 5 đôi, làm cho hết ngày, chứ tiền bán không đủ để trả tiền thuê quầy hàng này”. “Tuần nào cũng lỗ vốn như thế, sao bà lại mất công ra đây để trả tiền vậy?”. “Quen rồi, tiền bạc tuổi này không quan trọng, cốt yếu có bạn bè thôi”...
Trong những người bán hàng ở đây, mỗi người một suy nghĩ, nhu cầu, hoàn cảnh khác nhau. Người thì bán buôn kiếm kế sinh nhai, người thì chỉ tìm bạn tâm giao, để quên nỗi cô đơn không gia đình... Riêng tôi thì ngay từ đầu đã có mục đích rõ ràng: rèn tiếng Đức cho nhuần nhuyễn.
Lê Nguyên Châu
(Moers, Đức)
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000