Theo Luật cơ bản, các đảng phái chính trị có nhiệm vụ tham gia tạo lập ý nguyện chính trị của nhân dân. Qua đó việc các đảng cử ứng cử viên của mình vào các chức vụ chính trị và tổ chức tranh cử, vận động cử tri trở thành một nhiệm vụ lập pháp.
Vì lý do này các đảng nhận được từ nhà nước một khoản tài chính để cân đối những chi phí nảy sinh khi ra tranh cử. Phương thức bồi hoàn chi phí tranh cử được thực hiện đầu tiên ở Đức và nay đã được áp dụng tại đa số các nền dân chủ. Theo quy định của Luật cơ bản, việc xây dựng các đảng chính trị phải tuân theo những nguyên tắc dân chủ cơ bản (dân chủ đối với đảng viên). Các đảng chính trị cần phải công nhận nhà nước dân chủ.
Những đảng phái bị nghi ngờ là không có tư tưởng dân chủ có thể bị cấm theo đề nghị của chính phủ liên bang. Tuy nhiên những đảng đó không bắt buộc bị cấm. Nếu chính phủ liên bang cho rằng, việc cấm đảng là phù hợp, vì những đảng như vậy tạo nên một nguy cơ đe dọa hệ thống dân chủ, thì chính phủ liên bang chỉ có thể đệ đơn đề nghị cấm mà thôi.
Lệnh cấm chỉ có thể được Tòa án hiến pháp liên bang ban hành mà thôi. Bằng cách đó ngăn chặn được tình trạng các đảng cầm quyền cấm một đảng khác có thể sẽ gây khó dễ cho họ trong cuộc đua tranh chính trị.
Trong lịch sử Cộng hòa liên bang Đức chỉ xảy ra khá ít các vụ xét xử cấm đoán đảng và càng ít hơn các vụ dẫn đến tuyên xử cấm đảng phái. Tuy Luật cơ bản giành đặc quyền cho các đảng chính trị, nhưng trong cốt lõi thì các đảng chính trị vẫn là các hình thức thể hiện của xã hội. Các đảng phải gánh chịu mọi nguy cơ khi thất bại trong bầu cử, khi đảng viên từ bỏ đảng và khi bản thân đảng bị phân hóa vì các vấn đề nhân sự và nội dung hành động.
Hệ thống đảng phái của Đức là một hệ thống bao quát, dễ hiểu. Các đảng liên minh của Đức thuộc đại gia đình các đảng dân chủ thiên chúa giáo ở châu Âu và ra ứng cử trên khắp nước Đức với tư cách là đảng Liên minh dân chủ thiên chúa giáo (CDU) – trừ vùng Bayern. Tại bang Bayern CDU không tự ra ứng cử và nhường bang này cho đảng Liên minh xã hội thiên chúa giáo (CSU) là đảng có quan hệ khăng khít với CDU ra ứng cử. Trong quốc hội Cộng hòa liên bang Đức, các nghị sĩ của hai đảng này sát nhập lâu dài với nhau trong một đoàn nghị sĩ chung.
Đảng xã hội dân chủ Đức (SPD)
là đảng mạnh thứ hai trong hệ thống đảng phái ở Đức. Đảng này thuộc đại gia đình các đảng dân chủ xã hội và đảng xã hội dân chủ ở châu Âu. Liên minh hai đảng CDU/CSU và đảng SPD về nguyên tắc đều hành động vì một nhà nước xã hội. Liên minh CDU/CSU chủ yếu tập hợp các tầng lớp hành nghề độc lập, thương nhân và doanh nghiệp; SPD gần gũi các nghiệp đoàn hơn.
Đảng dân chủ tự do (FDP)
thuộc đại gia đình các đảng tự do ở châu Âu. Quan điểm chính trị chủ đạo của đảng này là nhà nước can thiệp ít nhất vào thị trường. FDP nhận được sự ủng hộ chủ yếu từ những tầng lớp có thu nhập và học thức cao hơn trong xã hội.
Đảng Xanh
thuộc đại gia đình các đảng Xanh và đảng Sinh thái ở châu Âu. Đặc điểm chương trình hành động của đảng này là sự phối hợp giữa nền kinh tế thị trường và các quy định nhà nước đưa ra để bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Đảng này cũng đại diện chủ yếu cho một khối cử tri có thu nhập và học thức trên mức trung bình. Đảng cánh tả là lực lượng chính trị trẻ nhất và đã trở nên quan trọng hơn của nước Đức.
Đảng này đặc biệt mạnh tại năm bang mới gia nhập Cộng hòa Liên bang Đức sau khi nước Đức tái thống nhất. Tuy nhiên đến nay đảng này cũng đã có mặt trong quốc hội các bang khác. Là một đảng tuyên truyền cho công bằng xã hội thì đảng này chủ yếu cạnh tranh với đảng SPD.
Thanh Hương
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000