Ít ai biết, 2 năm sau khi thống nhất, từ 1992, nước Đức là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, dù dân số chỉ khoảng 80 triệu so với khoảng 300 triệu của Mỹ và 1.3 tỷ của Trung Quốc. Trị vị ngôi vô địch thế giới về xuất khẩu trong suốt 17 năm, đến năm 2009, Trung Quốc mới qua mặt nước Đức trở thành nước xuất khẩu số một. Trung Quốc sở dĩ qua mặt Đức vì rất nhiều sản phẩm là tài nguyên thiên nhiên, nhiều sản phẩm thâm dụng lao động, trong khi nước Đức phần lớn xuất khẩu là xe hơi, máy móc công nghệ và chất xám.
Vào nhà một người Đức, khó có thể phát hiện một sản phẩm nào mà không phải Made in Germany. Thậm chí bông ráy tai nước Đức cũng sản xuất, dù giá thành sản xuất là 10 USD so với 1 USD của người Trung Quốc. Khi Trung Quốc mở cửa và thành công xưởng của thế giới, các nước khác thấy không hiệu quả nếu tự họ sản xuất, nên qua Trung Quốc đặt hàng hết. Nhưng nước Đức thì không. Họ vẫn tự sản xuất cái cục gôm, cây bút chì, chiếc xe đạp…dù giá thành rất cao, và vì họ có một phân khúc thị trường riêng. Đó là dành cho những người quen dùng đồ Đức trên khắp thế giới.
Vì sao? Vì dân tộc Đức là dân tộc theo chủ nghĩa hoàn hảo trong sản xuất. Giữa sự chao đảo của suy thoái kinh tế, nước Đức vẫn không hề hấn gì, và là chỗ dựa cho bao nhiêu quốc gia khác trong cộng đồng chung châu Âu.
Nền giáo dục Đức là nền giáo dục mà Tony thích nhất. Người Nhật cũng từng hâm mộ và học theo người Đức, và gần đây là người Hàn Quốc. Tony sẽ dành thời gian viết ra cái TUYỆT VỜI của nền giáo dục Đức và tính cách Đức cho các bạn tham khảo ( rảnh sẽ viết từ từ vì đang trong vụ hè thu).
Nếu bạn biết lái xe hơi, cầm vô lăng xe Đức sản xuất sẽ thấy cảm giác yên tâm hơn nhiều so với xe đến từ các nước khác. Và tỷ lệ thu hồi xe lỗi của các dòng xe do nước Đức sản cũng thấp hơn nhiều so với các nước khác.
Anh bạn của Tony, một kỹ sư làm việc cho một hãng xe Đức ở Sài Gòn, hay kể Tony nghe về câu chuyện ông sếp người Đức đã dạy anh như thế nào. Anh nói, ở Việt Nam, mình hay nói đại khái sản phẩm này là tất cả tâm huyết của tao. Tâm-huyết là tim và máu, tức cũng ghê gớm lắm rồi, nhưng với người Đức, tâm-huyết chưa có ý nghĩa gì đâu, họ còn đem cả tính mạng ra bảo lãnh. Kỹ sư trưởng thiết kế một mẫu xe hơi mới, sẽ phải chịu trách nhiệm bằng tính mạng của mình cho độ an toàn của xe. Anh ấy sẽ phải sẵn sàng chết đi để cả triệu người lái mẫu xe đó được an toàn trên đường thiên lý.
Ở nhà Tony có một cái thau giặt đồ bằng nhựa, người thân mang về từ Đông Đức cũ năm 1988, để ngoài nắng mưa gió sương nhưng bây giờ vẫn còn xài tốt, màu đỏ vẫn rực rỡ. Chỉ là một cái thau nhựa thôi, nhưng vì Made in Germany nên đó là một đẳng cấp khác, một sản phẩm do người Đức tạo ra. Còn nếu bạn học kiến trúc, một bộ bút vẽ Made In Germany là cái phải có của mọi kiến trúc sư chuyên nghiệp trên thế giới.
Ở Đức, giáo dục được miễn phí kể cả đại học, kể cả sinh viên nước ngoài nhưng với điều kiện là phải biết tiếng Đức và có bằng Abitur tức tú tài. Những tưởng với sự tiên tiến của nền giáo dục ấy, sinh viên quốc tế sẽ đổ xô sang học? Nhưng không, số lượng sinh viên vẫn không nhiều so với các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Úc…một phần tiếng Đức khá khó, nhiều người ngại. Vì sợ học xong rồi ra trường, nếu không làm cho công ty Đức thì cũng không có lợi thế, dù tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ phổ biến ở nước Đức. Thứ 2 là họ nghiêm khắc, học khó vì chất lượng thật sự chứ không chạy theo thành tích.
Giáo dục Đức phân cấp học sinh theo trí tuệ của các bạn từ lúc tốt nghiệp tiểu học, tức ai giỏi thì bắt đầu lớp 5 sẽ đi theo hướng đào tạo hàn lâm, còn lại thì các trường khác theo hướng thực hành. Cả 2 hệ đều được xã hội tôn trọng như nhau, vì khả năng 1 đứa trẻ khác nhau nên cho nó học cái gì phát huy tối đa khả năng của nó. Ví dụ bạn Anne không tưởng tượng ra được cái hình cầu nội tiếp trong hình nón, mở 2 vòi nước và không tính được sau bao nhiêu phút thì đầy cái bồn, thì thôi định hướng cho nó học văn sử địa âm nhạc nghệ thuật cho rồi, chứ bắt nó sin cos làm gì cho nó nóng não.
Cái cuối cùng quan trọng hơn chính là kỷ luật của người Đức, nhiều bạn trẻ ngại và sợ nếu phải học hay làm với họ. Nói 8hAM bắt đầu học là đúng khi kim giây vừa chỉ số 12 của 8 AM là cửa trường đóng lại, vô xin năn nỉ cỡ nào cũng không cho vô. Trong lớp đúng 8AM là thầy trò bắt đầu mở sách vở ra và học.
Khi gửi con vô trường công lập ở Đức, hay hệ thống trường quốc tế Đức trên thế giới, phụ huynh học sinh sẽ ký vào một cam kết, đại loại là con của họ sẽ không được ăn cắp (tức quay bài, đạo văn), nói dối (tức cha mẹ làm giùm bài cho con, nói dối thầy cô)…Nếu học sinh vi phạm, thì sẽ bị làm tư tưởng, học sinh sẽ phải ngồi suy nghĩ về hành vi của mình 1 ngày. Nếu tái phạm, học sinh đó sẽ bị đuổi học ngay và ghi vào sổ bìa đen (black list) trên khắp nơi và các trường công lập khác sẽ không muốn nhận, nếu muốn học tiếp thì vô trường tư sẽ rất đắt đỏ và cũng không tốt bằng.
Tony hỏi hiệu trưởng một trường quốc tế Đức ở Thượng Hải vì sao có quy định đó, ông nói nếu bạn chọn cho con cái của bạn giáo dục Đức từ đầu, sản phẩm của bạn sẽ hoàn hảo. Vì giáo dục nước Đức không tạo ra sản phẩm con người của ăn cắp và nói dối. Đứa ăn cắp và nói dối thì không kiêu hãnh được, không ngẩng đầu được.
Để sang và chảnh, người ta phải tự mình giỏi giang, tự mình đạo đức, tự mình tử tế, tự mình văn minh. Nước Đức nằm ở Trung Âu, và mỗi nước châu Âu xung quanh, hầu như người Đức phân công lao động hết. Người Đan Mạch thì làm giao nhận vận tải mã hiệu mã vạch kiểm soát chất lượng cho họ, người Hà Lan thì như là một công viên giải trí với cảnh sắc tươi đẹp hoa nở khắp nơi để họ sang dạo chơi, có cả phố đèn đỏ ở Amsterdam cũng để họ giải trí, các nước phía Đông như Ba Lan, Séc,…thì cung cấp nhân công cho họ, Thụy Sĩ thì nơi giữ tiền giùm, Áo thì là nơi họ đến nghe nhạc và xem triễn lãm tranh, Ý là nơi cung cấp họ các dịch vụ liên quan ăn uống vì ẩm thực Ý với Pizza, Spaghetti, Cappuccino… Người Pháp thì suốt ngày ganh tị với người Đức, bên Đức có cái gì thì bên Pháp sản xuất cái đó, nhưng chất lượng thì còn lâu mới bằng, vì họ không có tinh thần Perfectionism (chủ nghĩa hoàn hảo) trong sản xuất.
Nguồn: TonyBuoiSang
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000