Đất nước của những cỗ máy
Düsseldorf được đánh giá là một thành phố đáng sống bởi cơ sở hạ tầng tốt cùng phong cảnh nên thơ
Kết thúc chuyến bay dài hơn 12 tiếng từ Hà Nội đến sân bay Düsseldorf, điều đầu tiên khiến tôi bất ngờ là mọi thứ ở đây đều vận hành bằng máy móc. Từ xe đẩy hành lý, trạm bán vé tàu đến nhà vệ sinh công cộng đều sử dụng máy tự động. Chẳng trách thành phố này nằm trong top 30 thành phố thông minh nhất thế giới. Nếu không được một người bạn tới đón và hướng dẫn cụ thể, chắc tôi phải mất một ngày mới có thể thoát ra khỏi sân bay.
Cú sốc văn hóa tiếp theo xuất hiện khi tôi cố gắng đi tìm một nhà vệ sinh công cộng miễn phí. Việc này khó ngang với tìm nhà vệ sinh mất phí ở Việt Nam. Trong trung tâm thương mại và các quán ăn, bạn phải mất từ 0.5-1 euro cho mỗi lần sử dụng toilet. Ngoài ra, chính phủ Đức còn yêu cầu tất cả các công dân sinh sống và làm việc trên đất nước này phải đóng bảo hiểm sức khỏe cùng một khoản phí khoảng 17 euro mỗi tháng để nhận báo giấy và xem truyền hình cáp, kể cả khi họ không có nhu cầu.
Düsseldorf, một thành phố đắt đỏ
Không sôi động như Frankfurt, Düsseldorf cũ kỹ, lặng yên và bình dị. Trong khu phố trung tâm Altstadt, phương tiện chủ yếu của người dân là xe đạp và tàu điện ngầm. Mọi tòa nhà đều không cao quá 10 tầng. Dù vậy, vì là thủ phủ của bang Nordrhein-Westfalen với hơn 600.000 người sinh sống, nơi đây vẫn nằm trong top 5 thành phố đắt đỏ nhất nước Đức. Giá thuê căn hộ một phòng ngủ tại trung tâm thành phố khoảng 712 euro (tương đương 8 triệu đồng), còn chi phí sinh hoạt trung bình mỗi tháng khoảng 775 euro/người (tương đương 20 triệu đồng). Trong nền kinh tế phát triển với thu nhập trung bình 3.700 euro/người/tháng, mức sống cao cũng không phải điều đáng ngạc nhiên. Nhưng con số này lại khá “chát” so với những du học sinh Việt. Nhiều người bạn Việt Nam của tôi thường nói đùa rằng chỉ có nhà giàu ở Đức mới được ăn rau muống, vì một mớ rau muống ở đây có giá 8 euro, đắt gấp 4 lần các loại rau khác.
Đừng ra đường sau 8 giờ tối!
Ở Düsseldorf, tất cả các nhà hàng, trung tâm thương mại, địa điểm vui chơi đều đóng cửa sau 8 giờ tối, cả ngày thường và Chủ nhật. Tối cuối tuần ra đường, có lẽ chỉ có mình bạn rong chơi. Khung cảnh đường phố lúc này lộng lẫy mà tĩnh lặng đến khó chịu, trái ngược hoàn toàn với sự nhộn nhịp về đêm ở các thành phố du lịch khác.
Đường phố Düsseldorfvắng tanh sau 8 giờ tối
Các cửa hàng ở Đức không làm việc vào Chủ nhật. Điều này xuất phát từ một câu trong Kinh Thánh: Chúa sẽ ban phước lành cho những ai biết nghỉ ngơi vào ngày Chủ nhật. Vai trò của tôn giáo trong cuộc sống được người Đức đề cao và coi trọng. Để ý một chút, bạn sẽ thấy nhà thờ luôn nằm cạnh ga tàu trung tâm để thuận tiện cho việc đi lại và các hoạt động tôn giáo; trẻ con thường được giảng dạy về tôn giáo ngay khi tới tuổi đến trường, và khi đủ lớn, chúng sẽ tự quyết định bản thân có tiếp tục theo tôn giáo đó hay không.
Bia và bánh mì
Một lần ngồi ăn trưa với những người bạn mới quen, tôi tò mò hỏi họ về những món chính trong thực đơn buổi tối của người Đức. Câu trả lời nhận được nhiều nhất là “nur Brot” (tạm dịch: chỉ có bánh mì thôi). Do tính chất địa lý và ảnh hưởng từ thời kỷ băng hà, đất nông nghiệp ở Đức không màu mỡ, người dân chỉ trồng được một số loại thực vật nhất định như táo, lúa mì, lúa mạch, cho ra sản phẩm chính là hàng nghìn loại bánh mì và bia khác nhau. Cũng vì đất nông nghiệp nghèo nàn mà giá của các loại rau củ quả ở đây rất đắt. Người Đức uống bia, ăn bánh mì cùng nhiều đặc sản chế biến từ thịt lợn như wurst (tên gọi chung cho xúc xích), schnitzel (thịt lợn phủ bột, trứng và vụn bánh mì chiên giòn, ăn kèm khoai tây đút lò) hoặc đùi lợn hầm – món ăn thường xuất hiện vào các dịp lễ hội.
Muộn bao lâu rồi?
Người Đức thường hỏi giờ bằng câu: “Wie spät ist es?”, nghĩa đen là “Muộn bao lâu rồi?”. Câu hỏi này xuất phát từ thái độ tôn trọng thời gian đến từng phút giây. Đúng giờ ở đây có nghĩa là phải bắt đầu sớm hơn so với thời gian quy định. Sự nghiêm ngặt về thời gian giúp người Đức vận hành được hệ thống tàu điện ngầm hiện đại và phức tạp nhất châu Âu. Tôi từng chứng kiến một cụ già chỉ còn cách cửa toa tàu vài bước chân nhưng cũng bị đoàn tàu bỏ lại không nhân nhượng. Ở các thành phố khác của nước Đức, việc chậm trễ dễ được du di hơn, nhưng cũng chỉ 1-2 phút là nhiều.
Có một mẩu chuyện vui như thế này: “Hãy tưởng tượng một hòn đảo xinh đẹp và đơn độc nằm đâu đó xa xôi, trên đảo có lần lượt các trường hợp: Hai người đàn ông Ý và một người phụ nữ Ý, Hai người đàn ông Pháp và một người phụ nữ Pháp, Hai người đàn ông Đức và một người phụ nữ Đức, Hai người đàn ông Hy Lạp và một người phụ nữ Hy Lạp, Hai người đàn ông Anh và một người phụ nữ Anh, Hai người đàn ông Nhật và một người phụ nữ Nhật. Một tháng sau, người ta thấy: Một người đàn ông Ý đã giết người đàn ông kia để chiếm người phụ nữ. Hai người đàn ông Pháp và người phụ nữ Pháp cùng chung sống hạnh phúc. Hai người đàn ông Hy Lạp yêu nhau còn người phụ nữ thì nấu ăn và dọn dẹp cho họ. Hai người đàn ông Anh vẫn đang đợi ai đó giới thiệu họ với người phụ nữ. Hai người đàn ông Nhật gửi fax về Tokyo đợi hồi âm hướng dẫn, còn người phụ nữ đang ghi hình mọi thứ bằng máy quay phim cầm tay. Còn những người Đức? Hai người đàn ông đã lập ra một thời gian biểu hết sức chặt chẽ phân chia lúc nào được ở cạnh người phụ nữ”.
Tính kỷ luật vốn là điều khiến cả thế giới ngưỡng mộ dân tộc Đức. Bằng sự kỷ luật (dù có phần bảo thủ, lạnh lùng), họ làm nên hình ảnh một đất nước quy củ trong tổ chức và vận hành, thành công từ những sản phẩm làm đẹp (như Nivea) đến đồ bếp, máy móc và xe cộ (5 hãng ô tô nổi tiếng nhất thế giới đều bắt nguồn từ Đức: Mercedes-Benz, Audi, Volkswagen, BMW, Porsche). Nếu bạn có một cuộc hẹn ở nơi đây, nhất định đừng tới trễ giờ!
Bài & ảnh TRUNG ĐỨC Thiết kế UYỂN QUÂN
Nguồn: http://emagazine.dep.com.vn/
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000