Khi nói tới các món ăn tươi sống, nhiều người hẳn sẽ nghĩ ngay về sushi Nhật Bản. Song thực tế, kiểu “ăn tươi nuốt sống” thực phẩm không cần qua đun nấu xuất hiện ở khá nhiều quốc gia. Trong đó, Đức góp mặt với món bánh humburger thịt lợn sống mang tên Hackepeter, hay còn gọi là Mett.
Trong tiếng Đức, Mett có nghĩa là “thịt lợn băm nhỏ”. Chính vì thế, thành phần chính của món ăn này sẽ là thịt lợn sống xay nhuyễn.
Ở miền bắc nước Đức, người ta gọi nó là Hackpeter. Nếu cho thêm hành tây thái nhỏ, món ăn gọi là Zwiebelmett; cho thêm loại thảo mộc có tên marjoram, thì món ăn lại gọi là Thüringer Mett. Tuy nhiên, cho dù có thể gọi với nhiều tên khác nhau, nhưng món ăn có chung đặc điểm đó là không qua chế biến làm chín, mà thực khách sẽ thưởng thức hương vị tươi sống nguyên bản nhất.
Để làm Mett, người ta sẽ dùng thịt lợn tươi nhất để băm nhỏ. Theo pháp luật tại Đức, tỉ lệ mỡ bên trong mỗi phần Mett không được vượt quá 35% để đảm bảo an toàn sức khỏe cho thực khách. Vì thế mà món ăn cũng được cân bằng giữa cái béo và cái ngọt một cách hài hòa. Sau khi có thịt, gia vị được thêm thắt vào sẽ là chút muối, tiêu, tỏi và có thể là trứng để tăng độ béo thơm và kết dính cho món.
Mett lần đầu xuất hiện ở quốc gia này vào những năm 1970 của thế kỷ trước. Khi đó, thực khách sẽ thưởng thức trực tiếp, mà không ăn kèm với bánh mỳ.
Ngày nay, cách thưởng thức Mett phổ biến nhất là dùng cùng brötchen (bánh mỳ hoặc lát bánh mỳ) với hành tây thái vòng tròn đặt phía trên, rắc thêm hạt tiêu. Đôi khi, người ta ăn kèm phô mai hoặc bơ để giảm bớt mùi tanh từ thịt sống.
Chính vì cách chế biến khá đơn giản này nên món hamburger thịt sống của người Đức khiến nhiều thực khách ngoại quốc e dè khi lần đầu thưởng thức.
Tuy nhiên, nếu muốn bạn vẫn có thể ăn món Mett được nấu chín. Lúc đó, món ăn được đun nấu như xúc xích, trộn thêm các gia vị khác, nướng thành thịt viên rồi ăn kèm với bánh mỳ.
Quỳnh Chi (T/h)
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000