Shutterstock
Đó chính là Neuschwanstein của nước Đức.
Tòa lâu đài của vị vua “điên”
Lịch sử tòa lâu đài gắn liền với cuộc đời của vua Ludwig II xứ Bavaria. Neuschwanstein trong tiếng Đức nghĩa là “Thiên nga đá mới”, tuy nhiên cái tên nguyên thủy do Ludwig II đặt chỉ là Hohenschwangau Mới – được đặt theo tên ngôi làng gần đó và một tòa lâu đài có trước. Ludwig II chưa bao giờ kết hôn, ông được cho là say mê các nam nhân và nhất là mê kịch, mê các vị hiệp sĩ.
Chính vì đắm chìm trong các vở diễn, nhất là kịch của nhà soạn nhạc Richard Wagner, Ludwig II tự coi mình là hiệp sĩ của Schwangau. Sau khi lên ngôi, ông quyết định xây cho mình một lâu đài riêng, mang màu sắc thần thoại về các vị hiệp sĩ thời Trung cổ, với ý tưởng dựng lại tòa lâu đài của hiệp sĩ Thiên nga Lohengrin hư cấu trong kịch.
Cùng với 2 nhà kiến trúc sư Christian Jank và Eduard Riedel, Ludwig II cũng tham gia vào quá trình thiết kế bản vẽ, và khởi công xây dựng năm 1869. Khá khôn ngoan, vị vua xây dựng tòa lâu đài từ nguồn tiền cá nhân và các khoản vay thay vì sử dụng ngân quỹ nhà nước.
Tuy nhiên các khoản nợ cứ lớn dần, mặc cho các cố vấn khuyên răn. Đến một ngày, chính phủ ra thông cáo vị vua bị bệnh tâm thần, bị điên, rồi phế truất. Tòa lâu đài vẫn còn dang dở cho đến ngày vị vua chết – một cái chết bất thường chỉ 1 ngày sau khi bị phế truất vào năm 1886 khi vừa mới 40 tuổi và ông chỉ được ngủ trong tòa lâu đài vọn vẹn 11 đêm.
Tòa lâu đài cổ tích
Neuschwanstein được lấy cảm hứng như tòa lâu đài của các hiệp sĩ thời Trung cổ. Chính vì thế, mọi điều liên quan đến nó cũng phải mang phong cách hiệp sĩ. Điều đầu tiên là địa điểm xây dựng. Neuschwanstein nằm trên đỉnh chóp núi, bao quanh bởi rừng cây, núi non hùng vĩ, cạnh đó là con sông Pöllat đầy thác ghềnh.
Từ đỉnh chóp núi có thể nhìn thấy ngôi làng bên cạnh bờ hồ, xa xa là cánh đồng xanh ngát. Tòa lâu đài được xây dựng trên nền 2 tòa lâu đài thời Trung cổ nhưng đã bị phá hủy; cách đó không xa là lâu đài Hohenschwangau gắn liền với tuổi thơ của Ludwig II do vua cha xây dựng.
Tuy nhiên, điểm khác biệt với Hohenschwangau, Neuschwanstein được Ludwig II vẽ ra trong đầu phải là một tòa lâu đài thật sự huyền ảo, hơn là một cung điện dùng để cư ngụ và nhất thiết phải nằm ở địa điểm cao hơn. Chính vì thế tòa lâu đài hòa quyện nhiều lối kiến trúc từ Romanesque đến Gothic và cả Byzantine.
Neuschwanstein là phức hợp với điểm nhấn là các tòa tháp nhọn và cao vút. Để đi vào trong, du khách phải qua khu nhà cổng. Đây cũng là phần tường duy nhất có màu, với bức tường được xây bằng gạch đỏ nổi trội so với màu trắng chủ đạo của cả công trình. Hai bên hông là hai tòa tháp có bậc thang bên trong. Qua khỏi khu nhà cổng là sân trong, được chia làm 2 cấp độ: sân dưới và sân trên, chênh nhau khoảng 5 m.
Thật ra theo bản vẽ ban đầu, phần sân trên sẽ là nhà nguyện, tuy nhiên nó lại chưa được xây bao giờ. Khu vực này có tháp Vuông cao 45 m, gọi thế cũng bởi hình dạng vuông vức của tháp. Cũng như nhiều tòa lâu đài khác, tòa tháp này được dùng trang trí là chính, ngoài ra còn để ngắm cảnh từ trên cao. Bên cạnh sân trên là Nhà hiệp sĩ làm nơi ở cho cánh mày râu. Đối diện Nhà hiệp sĩ là nhà phụ Bower có chức năng tương tự như Nhà quý bà.
Phần cuối của sân là Palas. Đây là phần chính của tòa lâu đài Newschwanstein. Palas là công trình gồm 5 tầng gồm toàn bộ các phòng quan trọng trong đó có cả phòng khánh tiết, phòng ở của vua và gia nhân. Palas được chống đỡ bởi 2 trụ khổng lồ cho phần mái, cũng là 2 tòa tháp có lối bên trong để lên các tầng. Tòa tháp cao nhất, cũng là phần cao nhất của cả tòa lâu đài có chiều cao đến 65 m. Ngoài ra, Palas còn có vô số công trình phụ như ban công 2 tầng để ngắm nhìn hồ Alpsee, các tòa tháp nhỏ và ống khói trang trí.
Nội thất của tòa lâu đài dù chưa hoàn chỉnh, chỉ có 14 trên tổng số hơn 200 phòng và sảnh theo bản vẽ được hoàn tất, Newschwanstein chứa đựng vô số các họa tiết, vật dụng, tranh vẽ vô cùng tỉ mỉ, giá trị và mới nhất đương thời bao gồm cả đèn điện.
Điểm nhấn quan trọng nhất trong cung điện chính là sảnh Vương quyền (Throne Hall) chiếm ngự cả tầng 3 và tầng 4 phần phía tây, có diện tích 20 x 12 m, cao 13 m. Sảnh Vương quyền được lấy cảm hứng từ các nhà thờ mang phong cách Byzantine. Chính giữa mái vòm là hàng ngàn ngôi sao, đi từ đỉnh mái là bộ đèn chùm khổng lồ dài đến 4 m.
Sảnh Ginger là sảnh lớn nhất cung điện, chiếm ngự cả tầng 4. Sảnh Ginger được trang trí với chủ đề tập trung về hiệp sĩ Parzival và con trai là hiệp sĩ Thiên nga Lohengrin trong công cuộc truy tìm Chén thánh.
Bên cạnh các sảnh lớn, Palas còn có một số phòng đã hoàn thành với các vật dụng quý giá như phòng ăn có vách được làm từ gỗ sồi với các bức phù điêu chạm nổi, bàn ăn được mạ bạc và chạm đá cẩm thạch, các tấm màng được dệt từ tơ đỏ và thêu bằng chỉ vàng. Phòng ngủ có giường làm bằng gỗ sồi mang phong cách tân Gothic với các đỉnh nhọn vươn cao do 14 nhà điêu khắc chạm trổ trong hơn 4 năm.
Tòa lâu đài của công chúng
Ludwig II luôn tìm cách ngăn cản người dân đến với tòa lâu đài của ông. Tuy nhiên, chỉ 7 tuần sau khi ông qua đời, Neuschwanstein đã được mở cửa cho công chúng. Nhưng để tham quan tòa lâu đài không phải đơn giản bởi Neuschwanstein nằm ở vùng quê hẻo lánh biên giới Đức – Áo. Du khách phải bắt tàu từ TP.Munich – thủ phủ bang Bavaria – đến thị trấn Füssen mất 2 tiếng rưỡi, rồi từ Füssen đón xe buýt đến chân núi.
Tại trạm xe buýt dưới chân núi, du khách phải đi bộ khoảng 15 phút để đến được phòng vé. Từ phòng vé sẽ phải đi bộ khoảng 40 phút, để đến cổng thành. Tuy nhiên du khách không được tự do tham quan, mà chỉ gói gọn trong 35 phút theo hướng dẫn viên của tòa lâu đài tại tầng 3 và 4 của Palas, không được chụp hình bên trong cung điện. Điều lưu ý là vào mùa hè cao điểm, du khách cần đặt vé tham quan online trước 2 ngày và phải lấy vé trước 3 giờ chiều vì số lượng tour tham quan giới hạn trong một ngày.
Dù xa xôi hẻo lánh, dù có nhiều quy định khắt khe, Neuschwanstein vẫn là một trong những điểm đông khách du lịch nhất nước Đức với hơn 1,4 triệu du khách mỗi năm, chỉ vì muốn tận mắt thấy được vẻ đẹp cổ tích của nó. Cũng chính vẻ đẹp ấy, Neuschwanstein không chỉ là cảm hứng cho phim hoạt hình mà còn trở thành hình mẫu cho tòa lâu đài biểu tượng trong các công viên Disneyland ở Mỹ và cả Hồng Kông.
Không chỉ Neuschwanstein, Ludwig II còn xây dựng nhiều công trình khác như cung điện Residenz, lâu đài Linderhof, lâu đài Herrenchiemsee, hay Winter Garden… tất cả đều vĩ đại. Rõ ràng Ludwig II không điên chút nào vì chính nhờ những công trình đồ sộ ấy mà ngày nay nước Đức thu hút hàng triệu khách tham quan, thu về hàng tỉ euro mỗi năm.
Nguồn: Thanh niên
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000