Nhà báo Trương Anh Ngọc từng có 7 năm sống ở Italy và thường xuyên qua lại các nước châu Âu. Khi còn ở đó, anh thường phải tư vấn cho người Việt Nam sang du lịch cách báo cảnh sát và liên lạc với lãnh sự để lấy giấy thông hành về nước sau khi mất hộ chiếu.
Ở nhiều nơi, bạn có thể đi dạo ban đêm một mình, gặp nhiều người lịch sự nhưng vẫn có thể bị móc trộm túi trong chớp mắt.
Nhà báo Trương Anh Ngọc từng có 7 năm sống ở Italy và thường xuyên qua lại các nước châu Âu. Khi còn ở đó, anh thường phải tư vấn cho người Việt Nam sang du lịch cách báo cảnh sát và liên lạc với lãnh sự để lấy giấy thông hành về nước sau khi mất hộ chiếu. Dưới đây là chia sẻ của anh để giúp các du khách tránh được các sự cố đáng tiếc:
Khi tới các thành phố đông đúc như Paris (Pháp), Rome (Italy), Barcelona (Tây Ban Nha), bạn cần phải có kỹ năng để tự vệ chống mất cắp. Tôi từng sống ở châu Âu nhiều năm, đã đi khắp nơi nhưng chưa từng gặp rắc rối gì với chuyện móc túi hay lừa đảo.
Theo tôi, có một số ngộ nhận khiến chúng ta mất cảnh giác khi đi du lịch ở nước ngoài, ở đây cụ thể là châu Âu.
- Đây là Tây mà, an toàn lắm. Châu Âu đúng là an toàn thật. Nhiều chỗ tôi đi dạo ban đêm một mình cũng không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng có rất nhiều kẻ trộm cắp vặt ở những nơi đông khách du lịch, trên các phương tiện giao thông công cộng. Bạn chỉ sơ hở một giây cũng có nguy cơ bị mất cắp.
- Tức giận vì bị mất cắp và đổ lỗi cho nước sở tại về chuyện an ninh. Thật ra, trộm cắp và lừa đảo ở đâu cũng có, nhiều hay ít và theo dạng nào mà thôi. Thế nên, bạn hãy tự trách mình trước. Vì bạn thiếu cảnh giác nên để bị mất, chứ không phải vì trộm cắp quá nhiều.
- Người dân ở châu Âu rất tốt, có thể tin họ được. Đúng, họ tốt, tử tế, lịch sự, nhưng chỉ nên dừng ở khía cạnh đó thôi. Đã là người đến xứ lạ, bạn vẫn phải giữ khoảng cách với họ, không nên quá tin người lần đầu gặp mặt và điều quan trọng là phải đọc thật kỹ các thông tin liên quan đến điểm đến.
Cách tránh bị mất đồ và không để các thông tin tiêu cực khiến bạn căng thẳng.
- Đi ra đường càng gọn nhẹ càng tốt, tránh mang đồ lỉnh kỉnh. Hộ chiếu và tiền mặt nên để trong két an toàn. Bạn hãy photocopy một bản hộ chiếu để trong ví. Ví và tiền nên để trong túi đeo ngang người chứ không đeo phía sau, không để thứ gì ở túi quần.
- Khi đi trên các phương tiện công cộng, bạn tránh để điện thoại và ví trong các túi quần, túi áo. Bạn có thể cho chúng vào một cái balo đeo trước ngực, để khi lên bus hoặc tàu điện ngầm thì tài sản giá trị ở trước mặt mình. Cố gắng kiếm được chỗ ngồi trên xe còn nếu phải đứng thì tìm một góc nào đó để không bị người bao vây xung quanh. Nếu đi nhiều người, các bạn nhớ nhìn hộ cho nhau.
- Đi ăn uống ở ngoài trời, tại các nơi đông người, bạn chú ý không để balo ở gầm bàn. Nếu để dưới đó, bạn nên mắc vào chân bàn; không treo túi vào sau ghế. Bạn đừng để đồ theo kiểu bày ra cho thiên hạ thấy.
- Nếu bạn đi ôtô biển nước ngoài tới một nước khác mà trong xe có nhiều đồ thì tốt nhất là gửi xe trong khu có mái che và có camera theo dõi, không để ngoài trời. Đừng tiếc vài hoặc vài chục euro gửi xe, bởi nếu bị đập kính, bạn sẽ mất hết số đồ với giá trị có thể gấp hàng chục, hàng trăm lần vé gửi. Nếu đỗ ôtô ở khu công cộng, bạn không để bất cứ đồ gì trên ghế, sàn xe.
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000