Chiếc máy bay chở trên 200 hành khách, trong đó có tôi, an toàn đáp xuống sân bay Frankfurt (Đức). Cảm giác choáng ngợp bởi sự khổng lồ và náo nhiệt ở đây đã mở đầu chuyến du ngoạn vòng quanh nước Đức của tôi.
Trong một tháng, tôi may mắn được đi khá nhiều bang, từ Tây sang Đông, từ Nam lên Bắc bằng tất cả các phương tiện giao thông: tàu lửa, tàu điện, xe buýt, xe hơi, xe điện. Thời điểm đó nước Đức và các nước thuộc châu Âu đang vào hè - mùa du lịch. Thời tiết thật dễ chịu. Tôi thỏa thuê quan sát, ngắm nhìn và suy ngẫm...
Trên những chặng đường dài hàng trăm km từ bang này sang bang khác, qua cửa sổ toa tàu, tôi nhìn thấy những cánh đồng, những cánh rừng bạt ngàn. Không có nhà dân ở hai bên đường. Tàu vút qua những cánh đồng, trải dài những loại cây khác nhau. Có những nơi đã qua mùa gặt hái, rơm rạ được đóng thành những khối hình trụ lớn, gọn gàng chờ chở về chế biến thành thức ăn gia súc.
Đến bất cứ nơi đâu, từ đô thị lớn đến những vùng quê nhỏ bé, xa xôi tôi cũng luôn bắt gặp những mảng xanh của cỏ cây và muôn màu hoa lá. Hoa nở trên bụi cây trong vườn nhà, hoa trong chậu kiểng đặt trước cửa ra vào, trên bệ cửa sổ... rực rỡ khoe sắc đua hương như mời chào khách ghé thăm.
Những ấn tượng từ Bismarck, Hitler, từ "cỗ xe tăng"... khiến tôi có cảm giác người Đức lạnh lùng, khô khan. Nhưng khác hẳn với những gì tôi nghĩ, buổi sáng sớm chúng tôi đi dạo trên đường phố, bắt gặp những người dân Đức không quen biết, họ mỉm cười chào chúng tôi. Và, khi chúng tôi đang loay hoay tìm đường nơi nhà ga, luôn có người tới hỏi chúng tôi cần gì và họ nhiệt tình chỉ dẫn. Tới những cửa tiệm nhỏ, bao giờ cũng bắt gặp nụ cười và lời chào thân thiện của những người trong cửa hàng.
Một lần chúng tôi đi chơi về, thấy một tờ giấy nhỏ dán bên ngoài thùng thư, người nhà của tôi giải thích: người hàng xóm thông báo bữa ăn chung. Mấy nhà sống gần nhau có lệ tổ chứng chung một bữa ăn ngoài trời, mỗi nhà mang món ăn của mình tới cho vui.
Người Đức ở rất sạch. Thùng rác gia đình cũng như nơi công cộng được thiết kế theo nhiều kiểu dáng nhưng chia đều làm 2 - 3 ngăn. Ở gia đình thì từng loại rác được phân biệt bởi màu sắc bao đựng, còn nơi công cộng thì bởi màu sơn của thùng hoặc hình vẽ bên ngoài.
Chính phủ Đức khuyến khích người dân học tập. Tất cả trẻ em có nghĩa vụ phải học từ 9 đến 12 hoặc 13 năm tùy từng tiểu bang (ở một số bang chương trình phổ thông là 12 năm, trong khi ở một số bang khác kéo dài tới 13 năm). Từ lớp 1 đến lớp 4, tất cả học sinh cùng học một chương trình. Đến lớp 5, tùy theo học lực của từng em và nguyện vọng của gia đình mà học sinh có thể theo học 3 loại trường khác nhau: một, sau khi tốt nghiệp bậc trung học (lớp 9) sẽ học nghề; hai, sau khi học hết trung học sẽ vào trường dạy nghề và hướng nghiệp nâng cao; ba, nếu kết quả học tập cao sẽ tiếp tục lên cao đẳng, đại học. Toàn bộ hệ thống giáo dục từ tiểu học đến đại học và sau đại học (trường công) đều miễn phí. Tuy nhiên gần đây, có thu một số học phí để hạn chế việc sinh viên kéo dài thời gian học tập đến 6-7 năm. Những công chức, kỹ sư, trong giai đoạn mất việc làm tạm thời, có thể tham gia những lớp học mở rộng theo ngành nghề của mình. Có những người hưởng lương mất việc mấy năm, tha hồ học thêm đủ mọi thứ. Học nghề không những miễn phí còn được hưởng lương.
Ngay trên hè phố, sát bên nhà thờ Martin Luther (ở Hannover) tôi bắt gặp một tủ sách lớn không khóa, trên thành tủ được dán mảnh giấy chứa nội dung: "Bạn có thể mượn về nhà đọc. Nếu bạn thích thì chắc chắn sẽ có người thích như bạn. Hãy biết chia sẻ", "Bạn có thể đặt vào đây những cuốn sách tạm thời bạn chưa sử dụng hoặc không sử dụng nữa"...
Mặc dù nước Đức không nhiều giờ nắng nhưng ở những ngôi nhà biệt lập, người ta vẫn sử dụng hệ thống thu năng lượng mặt trời để làm nóng nước tắm, nước rửa và được chính phủ khuyến khích bằng cách tặng một phần tiền cho những gia đình sử dụng thiết bị đó. Nếu không đủ nhiệt mới dùng đến điện. Những ngọn đèn dùng năng lượng mặt trời khoảng 7-8w đủ soi sáng lối đi trong vườn nhà khi màn đêm buông xuống.
Hàng tuần, các gia đình đều được nhận hàng xấp bản tin của các siêu thị quảng cáo mặt hàng mới và hàng giảm giá. Người dân theo dõi kỹ: siêu thị nào, mặt hàng nào giảm, giảm bao nhiêu phần trăm, thời gian giảm, so sánh giá ở các siêu thị với nhau để quyết định mua.
Chúng tôi vào một quán bia nổi tiếng của Đức. Bia được nấu ngay tại quán. Mỗi ngày có 2 tiếng (từ 15-17 giờ) giảm giá 50%. Tiếng là nơi uống bia nhưng không ồn ào. Mỗi bàn có khoảng 2 - 3 người ngồi chung, họ vừa uống vừa nói chuyện thầm thì. Có lẽ từ tốn mới có thể thưởng thức được hết vị ngon của bia chăng?
Sau một tháng rong ruổi trên nước Đức - quê hương của các đại thi hào Goethe, Schiller, nhạc sĩ bất tử Beethoven, Bach, triết gia lừng lẫy Kant, Hegel, Marx, Engels, nhà khoa học lừng danh Einstein... tôi thấy mình như đang mang một tâm hồn mới.
Lan Hương.
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000