Bạn có thể nói Heidemarie Schwermer, cô giáo về hưu 67 tuổi người Đức, sống không cần tiền trong 13 năm qua. Nhưng kiểu sống của người phụ nữ này đang trở thành một hiện tượng mà người Đức quan tâm.
Cô Schwermer tin rằng vẫn có thể sống một kiểu khác không cần quá nhiều vật chất - Ảnh: http://www.welt.de |
22 năm trước, cô giáo trung học Schwermer chấm dứt cuộc hôn nhân với nhiều nước mắt, đưa hai con từ ngôi làng Leuneburg tới thành phố Dortmund ở khu vực Ruhr, phía tây nước Đức. Ngay lập tức, cô choáng váng nhận thấy tỉ lệ người vô gia cư ở đây quá lớn và một không khí u ám vô vọng. Sau một thời gian, cô lập cửa hàng trao đổi - nơi mọi người có thể trao đổi kỹ năng hay tài sản cho nhau mà không cần tiền mặt. Ví dụ, một thợ cắt tóc đến cắt tóc cho một người, đổi lại được khách hàng bảo trì xe cho; một chiếc máy nướng bánh mì vẫn còn tốt nhưng chưa bao giờ được dùng đổi lấy vài chiếc áo cũ. Cô gọi đó là “cho và nhận”.
Cô tin rằng những người vô gia cư không cần tiền để tái hòa nhập xã hội. Thay vào đó, họ nên tự trao quyền cho mình bằng việc làm cho mình có ích, cho dù nợ nần, nghèo túng hay không có việc làm. “Tôi vẫn luôn tin rằng ngay cả khi không có gì, mỗi con người vẫn có giá trị rất nhiều. Ai cũng có nơi chốn, vị trí trong thế giới này”.
“Cửa hàng trao đổi” trở thành một hiện tượng của Dortmund. Mô hình này thành công đến nỗi cô Schwermer phải tự hỏi nghiêm túc về cách sống của cuộc đời mình. “Tôi bắt đầu nhận thấy rằng tôi sống mà có quá nhiều thứ tôi không cần”.
Năm 1996, cô Schwermer đi đến một quyết định cực đoan nhất trong đời: sống mà không cần tiền. Cô trả lại căn hộ, bỏ công việc, sống “du mục” ở thành phố. Nhưng cô thích kiểu sống này hơn bao giờ hết. 13 năm trôi qua, cô tiếp tục sống theo nguyên tắc “cho và nhận”. “Tôi có mọi thứ mà tôi cần và tôi biết rằng không thể trở lại cuộc sống như trước đây. Tôi không phải làm điều mà tôi không thích”.
Cô sống tạm trong căn phòng bỏ trống của một thành viên “cửa hàng trao đổi”, làm việc hay lau dọn cho họ để đổi lại những gì mình cần. Cô có khoản tiền phòng thân lúc khẩn cấp là 200 euro. Còn bất kỳ khi nào có tiền cô đều cho hết, trừ phi phải trả tiền vé tàu. Thế giới vật chất của cô gói gọn trong một cái vali đen và túi đồ đựng những thứ lặt vặt. Cô vẫn khỏe mạnh, đầy sức sống, hấp dẫn, mắt còn tinh, răng còn chắc. Hai người con của cô, hiện là giáo viên dạy nhạc và chuyên gia vật lý trị liệu, ủng hộ cách sống của cô.
Cô dành phần lớn thời gian trò chuyện với những người quan tâm, đặc biệt là những thanh niên Đức. Họ được truyền cảm hứng và sống thử một tuần không cần tiền. Schwermer muốn là một tấm gương và khuyến khích người khác thay đổi quan điểm sống của mình về tiền bạc, cách họ sống và đóng góp vào xã hội.
Schwermer đã viết hai cuốn sách về cuộc phiêu lưu của mình (và dĩ nhiên là tặng hết nhuận bút). Cuốn đầu tiên My life without money (Cuộc đời không tiền của tôi) đã biến cô trở thành “tiểu anh hùng” tại một số vùng của nước Đức. Một bộ phim về cô, Sống không cần tiền, đang được thực hiện, dự kiến công chiếu vào năm sau.
Theo The Times Online.
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000