Bà Ursula Patz, một cư dân của thị trấn Schwedt thuộc miền Đông Bắc nước Đức, phản đối cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine, nhưng bà cũng phản đối cả các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga liên quan tới cuộc chiến tranh này. Bà nói với tờ báo Financial Times rằng sự trừng phạt đối với Nga có thể khiến thị trấn của bà bị “vạ lây”.
“Lệnh trừng phạt sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi rốt cục lại khiến chính chúng ta thiệt hại”, bà Patz – 76 tuổi và từng làm việc 16 năm tại một nhà máy lọc dầu trong vùng – phát biểu. Bà cho rằng lệnh cấm vận dầu Nga “sẽ chẳng khiến Nga làm sao cả, vì họ sẽ bán dầu cho nước khác”.
Thị trấn Schwedt đang đứng trước nguy cơ hứng chịu thiệt hại ngoài dự kiến trong chiến dịch trừng phạt của châu Âu nhằm vào Nga. Vấn đề ở đây nằm ở lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với việc nhập khẩu dầu thô từ Nga. Lệnh cấm dự kiến có hiệu lực từ đầu tháng 12 này nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Đức, nhưng đặt ra câu hỏi về tương lai của nhà máy lọc dầu ở Schwedt.
“Mọi người ở đây cảm thấy họ là ‘con thí tốt’ bị hy sinh trong cuộc chơi”, nghị sỹ Jens Koeppen của Đảng Liên đoàn Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) – người đại diện cho thị trấn – phát biểu.
THỊ TRẤN TRƯỚC NGUY CƠ MẤT HÀNG NGHÌN VIỆC LÀM
Schwedt có sự phụ thuộc lớn vào nguồn dầu thô nhập khẩu từ Nga. Thị trấn này là đoạn cuối của đường ống dẫn dầu Druzhba. Đây là đường ống dài khoảng 4.000 km, chạy từ vùng Almetyevsk ở miền Trung nước Nga thẳng tới Schwedt. Nhà máy lọc dầu của thị trấn được xây dựng với cấu hình kỹ thuật để xử lý dầu thô Urals với hàm lượng lưu huỳnh cao của Nga.
Phần phức tạp nhất của câu chuyện nằm ở việc nhà máy trên thuộc sở hữu của Nga. Hãng dầu lửa quốc doanh Nga Rosneft nắm cổ phần 54% của nhà máy này và không có ý định dùng nhà máy vào việc tinh luyện dầu thô từ các nguồn khác.
Nhiều người ở Schwedt lo ngại rằng nhà máy lọc dầu có tên PCK này sẽ buộc phải đóng cửa nếu không được tiếp cận với nguồn dầu Nga. “Đó sẽ là một kịch bản thảm hoạ. Mọi người ở đây đang lo về khả năng tồn tại của nhà máy” – thị trưởng của Schwedt, bà Annekathrin Hoppe, phát biểu.
Mối lo này là dễ hiểu, xét tới việc PCK là nhà sử dụng lao động lớn nhất ở Schwedt, với khoảng 1.200 công nhân viên. Hàng trăm người khác trong thị trấn làm những công việc hỗ trợ cho nhà máy, như sản xuất ống dẫn, thiết bị trao đổi nhiệt, máy bơm, thiết bị làm mát…
“Tất cả những công việc này sẽ bị ảnh hưởng, và tất cả những người làm các công việc đó cũng như gia đình của họ cũng vậy”, bà Hoppe nói. Ngoài ra, khoảng 80% dân số của thị trấn được cung cấp nhiệt sưởi từ nhà máy điện của PCK. Theo vị thị trưởng, hiện chưa rõ các ngôi nhà trong thị trấn có tiếp tục được sưởi ấm hay không nếu PCK đóng cửa.
Nhà máy lọc dầu PCK đã trở thành một biểu tượng của mối quan hệ gắn kết giữa Nga và Cộng hoà Dân chủ Đức (GDR), thường được gọi là Đông Đức cũ. Hồi thập niên 1960, báo chí địa phương đã phấn khởi đưa tin khi PCK kết nối với đường ống Druzhba khi đường ống này vừa xây dựng xong vào năm 1963.
Đến nay, Druzhba vẫn là nguồn cung cấp đáp ứng 1/4 nhu cầu dầu thô của Đức. Đối với bà Patz, đường ống này mang một ý nghĩa tích cực. “Cái tên của đường ống trong tiếng Nga có nghĩa là hữu nghị. Một ý nghĩa tốt đẹp”, bà nói.
Không lâu sau khi đi vào hoạt động năm 1964, nhà máy PCK trở thành nguồn cung cấp chính các sản phẩm xăng, dầu diesel, dầu hoả và dầu FO cho cả vùng. Những khách hàng lớn của nhà máy này như sân bay quốc tế Berlin vẫn đang phụ thuộc vào sản phẩm của nhà máy.
SỰ BẤT BÌNH VÀ NHỮNG LỜI HỨA
Phản đối đã lan rộng ở Schwedt khi Đức phê chuẩn kế hoạch của EU về cấm vận dầu Nga. Nhiều người ở Schwedt đặt câu hỏi tại sao Đức không hành động như Hungary, Cộng hoà Séc và Slovakia – những nước cũng có kết nối với đường ống Druzhba nhưng đã đàm phán để được miễn trừ tạm thời khỏi lệnh cấm với lý do khó tìm được nguồn cung thay thế dầu Nga.
“Mọi người không thể hiểu vì sao Đức lại tình nguyện ủng hộ lệnh cấm vận này. Mọi người phản đối chiến tranh, nhưng họ cũng phải bảo vệ công ăn việc làm của họ”, thị trưởng Hoppe nói.
Các chính trị gia dân tuý từ cánh tả tới cánh hữu đã nhanh chóng nắm bắt sự bất bình của người dân Schwedt. Đảng cực hữu Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức đã dán áp phích với nội dung “Nếu PCK chết, Schwedt cũng vậy” trong thị trấn.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định rằng Chính phủ đang nỗ lực để bảo vệ tương lai của PCK. Giới chức hứa hẹn rằng nhà máy này sẽ tiếp tục lọc dầu trong năm 2023 và 2024 và toàn bộ công ăn việc làm trong nhà máy sẽ được bảo vệ.
Để đạt mục tiêu đó, họ đang tìm các giải pháp thay thế nhằm cung cấp dầu cho nhà máy, chủ yếu là qua một đường ống dẫn dầu từ cảng Rostock ở phía Đông Bắc. Tuy nhiên, nghị sỹ Koeppen của Schwedt nói rằng cách này sẽ không giải quyết được vấn đề. Đường ống đó chỉ có thể cung cấp được 19.000 trong số 32.000 tấn dầu mà PCK cần mỗi ngày – ông Koeppen nhấn mạnh.
“Cảng Rostock cũng không đủ sâu để đón tàu chở dầu”, ông nói và cho biết thêm dầu sẽ phải nhập vào cảng Wilhelmshaven trên Biển Bắc rồi đưa lên những con tàu nhỏ hơn, “mà chúng tôi lại chẳng có tàu”.
PCK cũng hy vọng mua được dầu từ Kazakhstan và cũng xem xét nguồn cung dầu qua cảng Gdansk ở Ba Lan. “Nhưng người Ba Lan nói họ không muốn cung cấp dầu cho chúng tôi vì nhà máy PCK vẫn thuộc sở hữu Rosneft”, một công nhân của PCK cho biết.
Trong dài hạn, Berlin muốn bảo đảm tương lai của PCK bằng cách biến nhà máy này thành một “nhà máy lọc dầu xanh”. Hai công ty gồm Enertrag- một doanh nghiệp điện gió, và Verbio – một nhà sản xuất nhiên liệu sinh học đang quan tâm đến việc mua lại cổ phần trong PCK.
Bà Hoppe nói rằng một khi Enertrag và Verbio tham gia vào hoạt động của PCK, nhà máy lọc dầu này có thể sản xuất “hydrogen xanh” – nhiên liệu có thể kết hợp với khi CO2 thu được từ không khí để tạo ra nhiên liệu tổng hợp bền vững, bao gồm “e-kerosene” dùng cho máy bay.
Nhưng sẽ mất nhiều năm để PCK có thể thực hiện một cuộc chuyển đổi như vậy. Trong khi đó, lệnh cấm vận dầu lửa Nga đang sắp có hiệu lực, đặt ra những rủi ro nghiêm trọng đối với nhà máy.
“Đã ba tháng kể từ khi lệnh cấm vận được thông qua, và chúng tôi vẫn chỉ nghe những lời hứa như vậy. Thời gian sắp hết rồi”, bà thị trưởng Hoppe lo lắng.
Nguồn: Vneconomy
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000