Vài nét về CHLB Đức

Nước Đức có dân số khoảng 82,1 triệu người (trong đó có khoảng 7,3 triệu người nước ngoài); với mật độ dân cư 230 người/km2 là một trong những quốc gia có mật độ dân cư lớn nhất châu Âu. Chỉ các nước Bỉ, Hà Lan và Anh là có mật độ dân cư cao hơn nước Đức.


Mật độ dân cư ở Đức được phân chia rất khác nhau theo khu vực . Tại khu vực Berlin, vùng phát triển rất nhanh từ khi nước Đức thống nhất, hiện có tới hơn 4,3 triệu người sinh sống. Dân số của vùng công nghiệp Rhein và Ruhr, nơi các thành phố nối nhau không có ranh giới rõ ràng, lên tới hơn 11 triệu người - mật độ khoảng 1.100người/km2.

Những vùng tập trung dân cư khác là các khu Rhein-Main với các thành phố Frankfurt, Wiesbaden, và Mainz, khu công nghiệp ở Rhein – Neckar với các thành phố Mannheim và Ludwigshafen, khu công nghiệp xung quanh Stuttgart, cũng như các khu vực xung quanh các thành phố Bremen, Dresden, Hamburg, Köln, Leipzig, München và Nürnberg/Fürth.

Bên cạnh những vùng dân cư tập trung này là những vùng dân cư thưa thớt, ví dụ như vùng đồng cỏ và đầm lầy nằm trên đồng bằng Bắc Đức, vùng Eifel, vùng rừng Bayern, vùng thượng Pfalz, vùng Brandenburg và một số vùng ở Mecklenburg-Vorpommern.

Miền Tây nước Đức có mật độ dân cư cao hơn hẳn vùng phía Đông. Diện tích miền Đông chiếm khoảng 30% diện tích cả nước, nhưng có dân số chỉ bằng gần một phần trăm dân số cả nước (15,3 triệu người). Trong tổng số 20 thành phố có dân số trên 300.000 người, chỉ có ba thành phố nằm ở miền Đông nước Đức.

Cứ ba người dân Đức có một người sinh sống tại một trong số 82 thành phố lớn (có dân số trên 100.000 người ), tổng số là khoảng 25 triệu người. Đa số còn lại sống ở nông thôn và các thị trấn nhỏ, gồm 6,4 triệu người sống trong các thị trấn, làng mạc với dân số tối đa 2.000 người; 50,5 triệu người sống trong các thị trấn, làng mạc với dân số từ 2.000-100.000 người .

Trong thập niên 70, dân số các bang miền Tây và miền Đông giảm do tỷ lệ sinh đẻ giảm đi. Với tỷ lệ 10,2 lần sinh trên 1.000 người trong năm 1998 (vùng các bang cũ ở phía Tây), Đức thuộc nhóm những nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tình trạng dân số tăng sau Chiến tranh thế giới thứ hai chủ yếu là do những người nhập cư tạo nên. Khoảng 13 triệu người Đức bị truy đuổi hoặc phải tị nạn đã từ những tỉnh cũ của Đức ở miền Đông và từ Đông Âu trở về lãnh thổ nước Đức ngày nay.

Cho đến thời điểm bức tường Berlin được xây dựng năm 1961 và Cộng hoà Dân chủ Đức trước kia khoá chặt biên giới đã xảy ra một phong trào dicư to lớn từ miền Đông sang miền Tây nước Đức. Từ đầu thập niên 60, một số lượng đáng kể người lao động nước ngoài đã đến Tây Đức, vì nền kinh tế Tây Đức đang phát triển lúc đó cần thêm lao động.

Những khác biệt của từng vùng:

Dân tộc Đức về cơ bản là một mối liên kết từ những nhóm dân tộc Đức của các vùng khác nhau như vùng Franken, Sachsen, Schwaben và Bayern. Ngày nay, những nhóm dân tộc cổ xưa đó không còn tồn tại trong hình thức ban đầu nữa. Tuy nhiên, truyền thống và ngôn ngữ địa phương của họ vẫn được duy trì theo nhóm trong quá trình phát triển của lịch sử.

Dân cư sống trong từng bang ngày nay không còn hoàn toàn đồng nhất với nhóm dân tộc xưa sống trong bang đó nữa, Phần lớn các bang ngày nay ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ hai dưới tác động của nước thắng trận, và nhiều khi, đường ranh giới giữa các bang được vạch ra mà không lưu ý đến truyền thống của các bang. Thêm vào đó, những dòng người di tản và những đợt di dân lớn xảy ra trong thời kỳ sau chiến tranh và sự phát triển giao thông, đi lại trong xã hội công nghiệp đã ít nhiều xoá nhoà đi ranh giới giữa các nhóm dân tộc khác nhau.

Những khác biệt về đặc tính giữa các nhóm dân tộc đã có từ thời cổ xưa. Theo đó thì người Mecklenburg được coi là ít cởi mở, người Schwaben thường tằn tiện, người vùng sông Rhein lại cởi mở và người Sachsen được coi là cần cù và sắc sảo. Đó là những tính cách truyền thống mà cho đến nay vẫn được các nhóm dân tộc coi trọng trong một sự so sánh, ganh đua mang tính chất dân gian và hài hước giữa các nhóm dân tộc với nhau.

Tiếng Đức:

Tiếng Đức là ngôn ngữ lớn trong số các ngôn ngữ gốc Indogerman. Trong số các ngôn ngữ cùng gốc ngôn ngữ này thì tiếng Đức thuộc nhóm ngôn ngữ German và có họ hàng với tiếng Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển, Flamăng và cả với tiếng Anh. Quá trình tạo dựng nên một ngôn ngữ Đức chuẩn được dựa trên ngôn ngữ tiếng Đức và Martin Luther đã dùng để dịch Kinh Thánh.

Đức là một nước có nhiều khẩu ngữ. Dựa trên khẩu ngữ và tiếng địa phương, người ta có thể nhận ra được người nói đến từ vùng nào. Khẩu ngữ giữa các vùng có những sự khác biệt đáng kể. Ví dụ như, nếu một người Mecklenburg và một người Bayern trò chuyện với nhau bằng thứ khẩu ngữ thuần tuý của từng người, thì họ sẽ rất khó hiểu được nhau.

Ngoài lãnh thổ Đức ra, tiếng Đức còn là tiếng mẹ đẻ của các nước áo, Lichtensein, của vùng rộng lớn nhất Thuỵ Sĩ, vùng nam Tirol (Bắc Italia), vùng Bắc Schleswing (Đan Mạch) và một số vùng nhỏ ven biên giới Đức thuộc Bỉ, Pháp và Lúcxămbua. Những nhóm dân tộc thiểu số người Đức sinh sống ở Ba Lan, Rumani và một số nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ cũng phần nào gìn giữ được ngôn ngữ tiếng Đức của họ. Tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ của hơn 100 triệu người. Cứ mười quyển sách được in ra trên thế giới thì có khoảng một quyển được viết bằng tiếng Đức. Trong số những ngôn ngữ được dịch ra ngôn ngữ khác thì tiếng Đức đứng thứ ba sau tiếng Anh và tiếng Pháp. Tỷ lệ ngôn ngữ khác được dịch sang tiếng Đức là cao nhất.

Những dân tộc thiểu số:

Đối với bốn dân tộc thiểu số đã sống từ lâu đời ở nước Đức là người Sorben, người Friesen, người Đan Mạch, người Digan, nước Đức đã tham gia ký Công ước khung của Uỷ ban Châu Âu bảo vệ các dân tộc thiểu số và Tuyên ngôn châu Âu về ngôn ngữ khu vực hoặc ngôn ngữ thiểu số.

Những người Sorben vùng Laustiz là hậu duệ của những nhóm dân tộc Xlavơ. Trong quá trình di chuyển của các nhóm dân tộc trong thế kỷ VI, những nhóm dân tộc này đã đến sinh sống tại các khu vực phía Đông sông Elbe và sông Saale. Những tài liệu đầu tiên viết về họ có từ năm 631. Dưới ảnh hưởng của phong trào cải cách, ngôn ngữ, chữ viết của người Sorben đã ra đời vào thế kỷ XVI. Bên cạnh Viện ngôn ngữ Sorben của trường Đại học Tổng hợp Leizig còn có các trường học, tổ chức và cơ sở khác tham gia duy trì ngôn ngữ và văn hoá Sorben.

Người Friesen là hậu duệ của một dòng Giécmanh từng sinh sống ven biển Bắc (vùng nằm giữa Niederrhein và Ems).

Bên cạnh ngôn ngữ riêng của mình, họ còn giữ gìn được nhiều truyền thống. Một nhóm dân tộc thiểu số người Đan Mạch sinh sống tại Schleswig-Holstein và đặc biệt là ở quanh Flensburg.

Số người dân tộc Digan mang quốc tịch Đức được ước tỉnh khoảng 70.000 người. Hội đồng Trung ương dân tộc Digan được Chính phủ Liên bang hỗ trợ từ năm 1982 đã tích cực hoạt động nhằm đòi bồi thường cho những nạn nhân sóng sót sau những vụ thảm sát trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bảo vệ quyền lợi và ngôn ngữ của người Digan và chống lại sự phân biệt đối xử và những định kiến.

Người nước ngoài:

Trong số 82,1 triệu người sinh sống ở nước Đức năm 1998 có khoảng 7,3 triệu người nước ngoài. Đó là người Italia- những người xuất khẩu lao động đầu tiên – người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, người Nam tư và người Thổ Nhĩ Kỳ. Những căng thẳng đôi lúc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày phần lớn được giải quyết trong tình đồng nghiệp, tình láng giềng và tình hữu nghị.

Quá trình liên kết chặt chẽ với nhau trong EU và phương Tây, sự tan rã của khối Đông Âu, cũng như dòng người nhập cư đến từ các nước châu á và châu Phi làm cho nước Đức phải tiếp nhận nhiều người nước ngoài hơn từ nhiều nguồn gốc khác nhau.

Nước Đức đã chứng minh chính sách cởi mở với người nước ngoài không chỉ bằng việc tiếp nhận những người xin tị nạn và người tị nạn chiến tranh, mà còn bằng việc luôn luôn là một trong những quốc gia đi đầu ủng hộ chính sách tự do đi lại, cũng như tự do làm việc và cư trú trong liên minh châu Âu.

Từ năm 1987 đến nay, khoảng 27 triệu người Đức từng di cư khỏi nước Đức đã quay về nước Đức từ các nước Đông Âu cũ, chủ yếu là từ Liên Xô cũ. Riêng trong năm 1999 đã có tới hơn 104.900 người .

Đối với những người bị truy bức chính trị thì nước Đức thực hiện một chính sách mở cửa với mức độ rộng rãi hiếm thấy trên thế giới. Điều 16 cũ cũng như Điều 16a mới của Hiến pháp bảo vệ con người trước sự truy bức về chính trị bằng cách bảo đảm những quyền cơ bản của từng người. Năm 1989 có 121.318 người xin tị nạn tại Đức, năm 1991 là 256.112 người và năm 1992 lên đến 438.191 người. ĐỒng thời, tỷ lệ số người được chính thức công nhận là bị truy bức chính trị cũng giảm xuống dưới 5%. Năm 1993 có khoảng 322.600 người tị nạn đến Đức. Số người đến xin tị nạn đã giảm xuống đáng kể sau khi Luật Ngoại kiều mới có hiệu lực từ ngày 1-7-1993. Năm 1994 có 127.210 người xin tị nạn, năm 1995 là 127.937 người, năm 1996 là 116.367 người, năm 1997 là 104.353 người, năm 1998 là 98.644 người và năm 1999 là 95.113 người.

Với một sự thay đổi trong Hiến pháp (còn gọi là Thoả thuận về tị nạn) được hai phần ba nghị sĩ Quốc hội Liên bang thông qua thì Luật Ngoại kiều có hiệu lực từ ngày 1-7-1993 và đã được Toà án Hiến pháp Liên bang phê chuẩn tháng 5-1996 là hợp hiến. Từ đó, cũng như ở các nước khác, luật tị nạn mới được thực thi chức năng đích thực của nó là bảo vệ những người hiện đang bị truy bức chính trị và thực sự có nhu cầu cần được bảo vệ.

Vì thế, người nước ngoài đến Đức từ một nước thứ ba có tình hình ổn định, thì không còn được hưởng quyền cơ bản nói trên nữa. Nước Đức cũng giữ quyền, mà không vi phạm Công ước tị nạn Giơnevơ, lập danh sách những nước mà theo nhìn nhận chính thức của các cơ quan nhà nước là không có nguyên nhân dẫn đến việc xin tị nạn. Tuy nhiên,tại Đức mỗi một người xin tị nạn đều có thể hiện ra trước toà, thậm chí đến cả Toà án Hiến pháp Liên bang.

Chính sách người nước ngoài và việc nhập quốc tịch Đức: Hơn nửa số người nước ngoài hiện nay đã sinh sống ít nhất 10 năm tại Đức. Gần một phần ba sống ở Đức từ 20 năm trở lên. Trong số những người nước ngoài đã sống từ ít nhất 10 năm tại đây có khoảng 870.000 người dưới 25 tuổi. Hơn hai phần ba trẻ em và thiếu niên được sinh ra tại đây.

Ngày 1-1-2000 một số quy định quan trọng của đạo luật mới sửa đổi Luật Quốc tịch bắt đầu có hiệu lực. Những chi tiết cơ bản là:

- Trẻ em xinh ra tại nước Đức có cha, mẹ là người nước ngoài thì theo Luật được mang quốc tịch Đức. Điều kiện đặt ra là cha hoặc mẹ cư trú hợp pháp từ tám năm ở Đức và có giấy phép lưu trú vô thời hạn. Nếu bên cạnh đó, đứa trẻ mang thêm một quốc tịch khác theo nguồn gốc thì đến khi đủ tuổi thành niên, đứa trẻ phải quyết định chọn quốc tịch Đức hoặc quốc tịch khác.

- Trẻ em đến ngày 1-1-2000 chưa tròn 10 tuổi cũng được Luật trên cho quyền được đặc cách xin nhập quốc tịch Đức trong một thời hạn định trước, với những điều kiện như trên.

- Người nước ngoài có thể xin nhập quốc tịch sau 8 năm (trước đây là 15 năm). Việc xét cho nhập quốc tịch phụ thuộc vào khả năng tiếng Đức và sự công nhận đối với Hiến pháp của người xin nhập. Một điều khoản đặc biệt trong Luật Quốc tịch đã loại trừ cho những người nước ngoài có tư tưởng chính trị cực đoan nhập quôc tịch. Về nguyên tắc thì khi cho nhập quốc tịch Đức, đương sự phải từ bỏ quốc tịch đang có. Hiến pháp cũng có những quy định điều chỉnh những trường hợp ngoại lệ.

- Khi một người xin và được cho nhập quốc tịch một nước khác thì người đó tự động mất quốc tịch Đức, bất kể là người đó vẫn tiếp tục có nhà ở tại Đức nữa hay không .

- Đồng thời cũng tăng khả năng ngăn ngừa việc cho phép vẫn giữ quốc tịch Đức.

- Những người gốc Đức di cư nay trở về Đức được mặc nhiên nhập quốc tịch Đức khi được cấp giấy chứng nhận di cư. Những thủ tục nhập tịch đặc biệt được áp dụng cho đến nay đối với những người này bị bãi bỏ.

Chính phủ Liên bang có một quan chức đặc trách về quyền lợi của người nước ngoài. Quan chức này xem xét các kế hoạch và các vấn đề cụ thể của chính sách đối với người nước ngoài và tiến hành trao đổi với các chính khách Đức và nước ngoài, với đại diện của các đối tác trong xã hội và các tổ chức xã hội khác. Đặc biệt, quan chức này là địa chỉ để các tổ chức họat động tích cực về vấn đề người nước ngoài để đạt yêu cầu, nguyện vọng. Quan chức đặc trách vấn đề người nước ngoài ủng hộ trước hết những sáng kiến nhằm khuyến khích những người nước ngoài đang sinh sống tại các khu dân cư. Để đạt được mục đích đó, quan chức này thiết lập mối quan hệ thường xuyên với các đại sứ quán các nước mà người nước ngoài từng mang quốc tịch, đi thăm các nước đó và trao đổi với đại diện chính phủ các nước đó.

Một nhiệm vụ quan trọng của quan chức đặc trách và người nước ngoài là phổ biến, truyền đạt những thông tin đầy đủ và cụ thể về lịch sử của tình trạng người nước ngoài đến Đức làm việc, cũng như tầm quan trọng về kinh tế của họ, sự ra đời và phát triển của chính sách đối với người nước ngoài của Đức, những khía cạnh mang tính nhân đạo của tình cảnh nhập cư thực tế đối với người nước ngoài, cũng như đối với người Đức và giải thích về sự ràng buộc về chính trị và pháp lý của Đức dựa trên cơ sở những hiệp định và tuyên bố quốc tế.


Theo sach THCNTTG.


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000