Đến Berlin (Đức) những ngày này, hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nhận thấy trên các đường phố, người đi xe đạp... nhiều hơn ô tô.
Ô tô, xe buýt, tàu điện ngầm giờ không còn là “sự lựa chọn tốt nhất” của nhân viên công sở tại Đức. Riêng ở Berlin có khoảng 500.000 người hàng ngày sử dụng loại xe thô sơ và thân thiện với môi trường để đi làm. Xe đạp hiện chiếm trên 13% lưu lượng giao thông tại Đức.
Trào lưu mới
Báo chí Đức cho biết xu hướng đi làm bằng xe đạp ở Berlin chậm hơn so với một số thành phố châu Âu khác như Amsterdam hay Copenhagen, song lại có tốc độ gia tăng nhanh chóng. Theo Sarah Stark, Giám đốc Hiệp hội xe đạp ADFC của Berlin, số nhân viên công sở dùng xe đạp ở Berlin đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua.
Stark cho biết: “Các sự cố và tình trạng bãi công trong ngành đường sắt khiến nhân viên công sở thử chuyển sang đi xe đạp và từ đó rất nhiều người phát hiện rằng đây là một việc hữu ích. Đạp xe đi làm giờ đây thực sự là một trào lưu ở Berlin”.
Ngoài ra, việc giá nhiên liệu tăng vọt cũng có những ảnh hưởng nhất định tới xu hướng này. Rồi khi giá xăng giảm mạnh hồi đầu năm nay thì một số người không thể rời chiếc xe đạp được nữa. Bản thân Stark hàng ngày vẫn đạp xe 11km đến văn phòng.
Ước tính trên toàn nước Đức có khoảng 4 triệu người đi làm bằng xe đạp và con số này có thể sẽ tăng lên thành 11 triệu trong thập kỷ tới. ADFC nhận thấy số người đi xe đạp tăng lên từng tháng, đặc biệt sau mỗi lần giá nhiên liệu tăng hoặc có những cuộc đình công trong ngành đường sắt... Ngoài ra, xe đạp còn có rất nhiều lợi thế khác. Stark nói: “Những người phải chịu cảnh kẹt xe hàng ngày nhìn những người đi xe đạp ung dung vượt qua hẳn sẽ phải nghĩ lại việc ngồi trong ô tô của họ”.
Tại Đức, xe đạp là một ngành công nghiệp lớn với doanh thu hàng năm vào khoảng 1,7 tỷ euro đối với xe nguyên chiếc và 3,5 tỷ euro nhờ bán phụ tùng. Ngành này đang nuôi sống hơn 9.000 người.
Tại Berlin, từ tháng 4 tới tháng 10, người ta vẫn thường thấy nhiều quan chức chính phủ, hàng trăm nhà báo, nghị sĩ, chính trị gia hay doanh nhân “bon bon” trên xe đạp. Còn vào những tháng mùa Đông lạnh giá, số người đạp xe đi làm có giảm, song cũng không phải là ít. Một số chính trị gia nổi tiếng như Bộ trưởng Giao thông Wolfgang Tiefensee, Thứ trưởng Bộ Tài chính Joerg Asmussen hay Martin Wansleben, Giám đốc quản lý Phòng công nghiệp và thương mại, cũng là những người trung thành với xe đạp. Thành phố đã chi mỗi năm 3 triệu euro để nâng cấp 600km đường dành cho xe đạp.
Xe đạp mang lại… hạnh phúc
Sáng nào cũng vậy, cứ vào khoảng 8h, luật sư Peter Kupisz lại nhảy lên “con ngựa sắt” của mình và đạp đến văn phòng, hòa cùng dòng người đạp xe trên các đường phố đang ngày một đông ở thủ đô Berlin. Sống ở một đất nước có ngành chế tạo ô tô hàng đầu thế giới, song Kupisz cũng như phần đông lớp công chức trước đây từng quen với ô tô hay các phương tiện giao thông công cộng, đã lại tìm thấy rất nhiều lợi ích và niềm hạnh phúc từ việc đạp xe.
Kupicz, 37 tuổi, cho rằng ít nhất đây cũng là một cách tập thể dục. Mỗi ngày anh mất khoảng 15 phút đạp xe từ nhà đến văn phòng của mình cách đó 5km. “Chủ yếu để tập thể dục, chứ tất nhiên là nó không thể nhanh bằng tàu điện ngầm”, Kupisz nói, trán lấm tấm những giọt mồ hôi nhưng cười rất tươi trong một buổi sáng đến văn phòng gần đây. Anh cho biết: “Tôi bắt đầu đạp xe đi làm từ hai năm trước và có lúc đã bỏ một vài tháng, song lại thấy rất nhớ. Vì vậy tôi bắt đầu lại và giờ thì ngày nào cũng đạp xe đi làm. Xe đạp là một phần trong cuộc sống hàng ngày của tôi”.
Rolf Dieter Peschel cũng là một người thích đạp xe đi làm. Hai năm trước, anh đã bán ô tô và mua một chiếc xe đạp. Người đàn ông 48 tuổi này mỗi năm đạp xe gần 6.000km và như vậy đã tiết kiệm được khoảng 3.000 euro. Peschel làm trợ lý tại một phòng cấp cứu cách nhà mình 17km.
“Tôi cảm thấy khỏe hơn trước đây”, Peschel nói, “Tôi luôn hào hứng khi được đạp xe về nhà mỗi ngày. Sẽ thật là ngạc nhiên khi bạn nhận thấy mình khỏe ra và biết được số tiền có thể tiết kiệm nhờ không đi ô tô”.
Bettina Krause, 40 tuổi, dừng lại trước đèn tín hiệu giao thông sau 30 phút đạp xe trên quãng đường 10km từ nhà tới trường Đại học Kỹ thuật. Trên làn đường dành cho xe đạp, cùng với cô còn có hơn 50 người khác cũng đang chờ đèn xanh. Cô tâm sự: “Tôi thà đi xe đạp còn hơn phải xếp hàng chen chân lên những chuyến tàu điện ngầm đông đúc. Điều khiến tôi thích thú khi đạp xe là tinh thần sảng khoái để bước vào một ngày làm việc mới”.
Thomas Geithner, một công nhân 32 tuổi, cho biết từ lâu nay anh đã phải bỏ ô tô ở nhà vì đi xe đạp nhanh hơn. Anh nói: “Tôi ở chỉ cách chỗ làm khoảng 4km và rất khó tìm một chỗ đỗ ô tô, trong khi xe đạp “vứt” đâu cũng được. Lái ô tô nhiều khi cũng rất căng thẳng, còn với chiếc xe đạp, chỉ vài phút là tới cơ quan và đầu óc tôi thư thái suốt cả ngày”.
Thành Lộc - Tintucvietduc.de
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000