Tháng 2/2012 của 7 năm về trước, có lẽ là ngày chị Bế Thị Băng không thể nào quên được khi đi trên đường từ phòng khám nha khoa ở Hoàn Kiếm về bị một chiếc container đâm vào.
Tai nạn ấy khiến 4 ngày sau chị tỉnh dậy trong sự đau đớn, ngỡ ngàng nhìn chân phải cụt đến háng, chân trái đang hoại tử dần, khả năng sống được tiên lượng chỉ… 5%.
Nhiều người và ngay cả bác sĩ cũng không thể tin chị có thể qua khỏi tai nạn này nhưng rồi với niềm tin của bố: “Nó không chết được đâu” và sức sống mãnh liệt, chị đã sống sót thần kỳ với một bên chân còn lại của mình.
7 năm trôi qua với bao nhiêu giọt nước mắt, tủi cực và bao nhiêu bầm tím trên cơ thể, chị Băng đã vươn lên, vượt qua số phận bằng bên chân còn lại của mình.
Và giờ đây, từ con số âm, chị đã có một phòng khám nha khoa, một cơ sở homestay riêng, trở thành Hoa hậu Vầng trăng khuyết 2019 và có cuộc sống hạnh phúc bên chồng Tây.
Chị Băng và ông xã người Đức.
Chị Băng kể, cuộc đời chị thay đổi vào năm 2014, trong một lần lên sân thượng ngắm bình minh rực rỡ cùng mẹ. Khi nhìn thấy bình minh mới ló sáng rực sau những tán cây um tùm, chị đã rất muốn nhảy múa và từ đó chị tìm ra niềm vui của mình, kiên trì luyện tập với bao nhiêu lần ngã đến bầm tím cả mông để học giữ thăng bằng, nhảy xoay người chỉ với một chân.
Từ khi tìm đến những điệu múa, chị vui vẻ, lạc quan hơn. Chị thấy sự nghiệp mình thay đổi tốt hơn và đặc biệt chị tìm thấy một nửa của mình khi gặp anh Oturak Be.
Sau bao nỗi buồn chị tìm thấy niềm vui từ nhảy múa. Chính nó đã giúp chị đứng được thăng bằng lâu dù chỉ còn một chân.
Nhớ lại ngày định mệnh ấy, chị Băng cười cho biết, đó là buổi chiều cuối năm 2016, khi tiễn bạn ra sân bay, anh Oturak Be người Đức đã bất ngờ đến nhờ chị chỉ đường trong chuyến du lịch Việt Nam một tháng của mình.
Câu chuyện cũng sẽ chỉ dừng lại ở đó và sẽ chẳng có gì xảy ra khi chị và anh không gặp nhau nữa nhưng điều bất ngờ rằng một vài ngày sau anh chị lại có duyên gặp gỡ ở Hồ Tây.
“Ấn tượng đầu tiên của mình về anh ấy đó là anh rất đẹp trai, cẩn thận và hay lo lắng. Còn anh thì ấn tượng khi thấy mình múa trên một chân.
Lần gặp ở sân bay, mình cũng chỉ cho anh ấy địa điểm du lịch, taxi, ẩm thực rồi anh lên taxi ra về luôn. Lần gặp thứ 2 ở Hồ Tây khi mình ra đó chụp ảnh, cả 2 nói chuyện với nhau thân thiết hơn. Anh rủ mình đi ăn và hỏi chuyện nhưng tình cảm vẫn diễn ra rất bình thường”, chị Băng cười chia sẻ.
Chuyện tình yêu của anh chị diễn ra rất tự nhiên. Vì thương anh, sợ anh bị lạc nên sau giờ làm, luyện tập thể thao, cứ buổi tối, cuối tuần rảnh chị lại làm hướng dẫn viên du lịch không chuyên cho anh. Cả 2 đã cùng đi chơi rất nhiều nơi ở Hà Nội, đi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) và về quê hương Cao Bằng của chị.
Chị Băng bảo, trong suốt khoảng thời gian đồng hành cùng anh, chị chưa bao giờ nghĩ sẽ yêu hay yêu bừa một người nước ngoài hoặc chấp nhận một ai đó vì mình là người khuyết tật. Chính vì vậy, khi anh gửi email tỏ tình, chị đã từ chối vì nghĩ điều đó hoàn toàn không thể, khoảng cách địa lý, hơn nữa chị lại là người khuyết tật không muốn làm khổ cuộc đời của một ai đó. Chị đã cảm ơn anh và phản hồi rằng “mình không xứng đáng”.
“Sau email ấy, anh đã gửi một email phản hồi lại mình rằng từ không xứng đáng không phù hợp để dành cho mình. Ở nước ngoài từ không xứng đáng có ý nghĩa là xấu. Anh ấy nói mình xinh đẹp, tự tin, có nhân phẩm mình xứng đáng được nhiều hơn thế. Ngay cả khi mình chỉ có 1 chân nó cũng không làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của mình.
Mình đã suy nghĩ lại sau email ấy, anh là một người tốt, không kỳ thị người khuyết tật và chấp nhận mình tại sao mình lại gạt tình cảm của anh ấy trong khi mình cũng thích anh ấy. Mình đã nhận lời yêu anh”, chị Băng giãi bày.
Với Oturak Be, chị xứng đáng có được tình yêu.
Chồng chị là giáo sư toán học người Đức. Anh là người vui tính, sống nội tâm và rất hoà đồng.
Nhận lời yêu anh, chị Băng đã rất lo lắng bởi sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa của 2 nước, đặc biệt gia đình chị nghèo khó không thể có chi phí sang nước ngoài nhưng anh đã an ủi chị rằng, anh sẽ có trách nhiệm về Việt Nam 3 tháng/lần với chị.
Vậy là từ đó cứ 3 tháng anh lại về thăm chị một lần. Trong khoảng thời gian yêu, cả 2 đã cùng đi khắp nơi ở Việt Nam. Anh giúp chị vượt qua nỗi sợ sóng biển lớn mỗi lần cùng nhau đến một vùng biển nào đó và ở bên, chăm sóc chị như một đứa trẻ.
“Anh ấy quan tâm mình đôi khi như 1 đứa trẻ. Mình sắp đi vệ sinh anh ấy cũng phải chạy ngay vào kiểm tra xem có ướt sàn không vì sợ mình nhảy lò cò sẽ bị trượt chân ngã, rồi lấy giấy lau khô hết bồn cầu và xịt khuẩn cho mình.
Lúc đầu mình thấy kỳ lạ nhưng sau quen dần. Công việc nhà anh cũng làm hết từ lau nhà, giặt quần áo, rửa bát, mình chỉ phụ trách nấu thôi. Ăn xong việc còn lại là của anh ấy.
Đi siêu thị cũng thế anh ấy mua hết mọi thứ, mình để anh ấy làm những gì anh ấy thích và anh ấy cũng để mình làm những gì mình thích”, chị Băng chia sẻ.
Anh chị cùng nhau đi du lịch, lặn dưới biển.
Mặc dù người yêu ngoại quốc luôn quan tâm, chăm sóc nhưng chuyện tình yêu của anh chị vẫn không tránh khỏi những khó khăn do yêu xa, sự chênh lệch múi giờ và những hiểu lầm khi mỗi người một nơi.
Tuy nhiên, khi xác định bước vào tình yêu này chị chưa bao giờ nghĩ đến 2 từ buông bỏ dù khó khăn thế nào bởi nếu buông bỏ chị đã không chấp nhận nó ngay từ khi bắt đầu. Vì vậy chị luôn nghĩ sẽ bảo vệ và chăm sóc cho nó tốt nhất có thể.
Để có thể gắn kết được tình yêu ấy, chị ra đề xuất cả 2 phải luôn gọi điện, kết nối với nhau 24/24 dù đi đâu hay bất kể thời gian nào. Đặc biệt, chị luôn có tuyệt chiêu tấn công vào dạ dày anh mỗi khi cả 2 giận nhau.
“Anh ấy nói không một ai có thể nấu ăn ngon được như mình kể cả ở nước ngoài. Anh ấy đi đâu ăn gì ở đâu cũng chỉ nhớ món ăn của mình nấu. Có lần anh ấy ở nhà 1 mình, mình đi làm cả ngày phải nấu để cho anh ấy ăn cả 1 ngày luôn.
Nếu không anh ấy sẽ nói mình bỏ đói anh. Chính vì vậy, nếu giận nhau, mình chỉ cần tấn công vào cái dạ dày là đủ. Anh mà một người khá kén ăn và kỹ tính, thích nhất là món cá hồi sốt cà chua, cơm chiên trứng”, chị Băng chia sẻ bí quyết của mình.
Chị và ông xã yêu xa, cứ 3 tháng anh về thăm chị một lần.
Chị Băng cho biết, sau 1 năm yêu, chị quyết định kết hôn với anh Oturak Be vào cuối năm 2017. Nói đến đây chị lại cười bởi khoảng thời gian yêu nhau, chị chỉ biết anh là một giáo viên, mãi đến khi kết hôn chị mới biết anh là một giáo sư toán học.
Quyết định về chung một nhà của anh chị được 2 bên gia đình đồng ý mà không gặp bất kỳ phản đối nào, đặc biệt mẹ chồng chị cũng là một người khuyết tật sau tai nạn giao thông hồi trẻ nên luôn hiểu và yêu thương chị.
Bà cũng luôn tôn trọng quyết định của con trai. “2 gia đình có chung 1 suy nghĩ đó là “Các con phải tự có trách nhiệm với cuộc sống của mình dù đó là tốt hay xấu, bố mẹ không cấm hay nghĩ đến một lý do nào khác, miễn là các con thấy hạnh phúc và bố mẹ tôn trọng.
Bố anh mất, mẹ anh cũng tự chăm sóc chính mình, không muốn phiền đến ai. Anh ấy đã sống độc lập từ khi 17 tuổi, xa gia đình 350km nên mọi vấn đề liên quan mẹ anh không tham gia chỉ nói rằng “Anh ấy là người rõ nhất phải biết điều anh ấy cần và muốn gì”.
Chia sẻ về màn cầu hôn của mình, chị Băng tâm sự, chị được anh cầu hôn qua email và được anh thổ lộ trong một lần nữa khi sang Việt Nam. Tuy nhiên lúc ấy chỉ là lời nói đơn thuần nên chị đã nghĩ anh ngại đeo nhẫn và đề nghị cả 2 đi mua nhẫn đính hôn sau lời “thách đố” của anh “Em thử đi mua nhẫn xem anh có dám đeo không?”. Dẫu màn cầu hôn ấy đơn giản nhưng đối với chị nó đong đầy hạnh phúc và tình yêu. Sau bao khó khăn, vất vả chị đã tìm được người đàn ông của mình.
Chia sẻ thêm, chị Băng bảo, chị lấy chồng nước ngoài không phải để hưởng thụ, bám theo người ta nên dù kết hôn hơn một năm chị và chồng vẫn mỗi người một nơi. Nhiều người nói với chị rằng, người ta lấy chồng nước ngoài đi đây đi đó còn chị vẫn cứ “ru rú” ở Việt Nam nhưng chị thích cuộc sống độc lập tự chủ cá nhân và yêu Việt Nam này.
Đã nhiều lần ông xã cũng dọa chị ly hôn sau 5 lần 7 lượt trì hoãn kế hoạch đoàn tụ nhưng chị biết nếu cả 2 biết chấp nhận và biết yêu thương, bao dung cho nhau dù ở đâu cũng sẽ vẫn hướng về nhau.
Chị ví cuộc sống của mình như 1 nắm cát, hãy cứ xoè tay ra mọi thứ sẽ tự nhiên đi và tự nhiên ở lại. Chị không muốn cố nắm lại để cả 2 làm khổ nhau.
Hiện tại, chị vẫn ở Hà Nội để thực hiện một số hoạt động sau đăng quang quán quân Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết Việt Nam 2019. Dù chưa biết khi nào sẽ sang Đức đoàn tụ với chồng nhưng chị chỉ muốn nói với anh một điều rằng, “Đừng bao giờ quên em, bởi anh chính là cuộc sống của em”.
Ảnh: NVCC
Theo Hồng Nhung/thoidaiplus.giadinh.net.vn
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000