7 mùa đông của đời tôi ở Đức

Đã hơn bảy năm rồi, bảy mùa đông lạnh giá. Nước Đức dần trở nên thân yêu với tôi hơn rất nhiều so với những ngày đầu mới đặt chân đến. Những ngày tháng đầu tiên thật mơ hồ vì mình không tìm được lời giải đáp cho những câu hỏi mình đặt ra.

1 1 7 Mua Dong Cua Doi Toi O Duc

Đúng là nước Đức quá hiện đại, nó như một cái gì đó mà mình không thể tưởng tượng nổi. Mặc dù trước khi đến đây tôi từng sống tại thủ đô của nước Nga ba năm. Thế nhưng nước Đức không có bụi, không nhìn thấy cống nước thải ở đâu cả. Người Đức làm cái gì cũng chuẩn, không chê vào đâu được. Sống ở đây người ta có thể đi đến mọi địa chỉ trên mọi miền của đất nước bằng phương tiện công cộng. Nếu chẳng may bị ốm mà đi khám bác sĩ thì không phải sợ như ở Việt Nam vì bác sĩ khám chữa bệnh rất công tâm, không phân biệt màu da, sắc tộc. Ai đến trước khám trước, ai đến sau khám sau, có muốn đút lót cũng không có cơ hội vì người ta không có thói quen ấy.

Chúng ta cần phân biệt rõ giữa phòng khám đa khoa, chuyên khoa và bệnh viện. Chẳng hạn nếu bạn bệnh nặng gấp thì gọi cấp cứu, chỉ trong vòng 5 đến 10 phút là họ có mặt rồi chở bạn đến bệnh viện. Bạn có thể gọi vào số máy của cảnh sát hoặc cứu hoả đều có thể được vì họ đã liên kết với nhau. Bệnh viện là nơi chỉ dành cho những trường hợp cấp cứu, tai nạn và những bệnh cần phải có sự giám sát của bác sĩ. Còn nếu chỉ ốm bình thường thì đến khám tại phòng khám đa khoa(Bác sĩ gia đình), hoặc đến phòng khám chuyên khoa (Răng hàm mặt, da liễu...). Nhìn chung bị bệnh nào đến phòng khám đó, nếu không biết là bệnh gì thì đến bác sĩ đa khoa để chẩn đoán và chữa. Nếu chẩn đoán được bệnh thì bác sĩ kê đơn thuốc, nếu bệnh phải khám chữa ở nơi khác thì bác sĩ sẽ viết đơn giới thiệu đến đó. Chính vì mô hình này mà bệnh viện không bao giờ quá tải, và đặc biệt người nhà bệnh nhân chỉ được phép thăm ban ngày thôi, muốn ngủ lại hay nấu ăn như ở Việt Nam là chuyện trong mơ, mọi việc đều có y bác sỹ đảm nhiệm hết.

1 2 7 Mua Dong Cua Doi Toi O Duc

Tác giả tại Đức

Còn giao thông đường phố thì đường ai nấy đi, ai sai người đó chịu trách nhiệm. Nói đến trách nhiệm là hoảng rồi vì rất đắt, có khi cả đời cũng không hoàn thành trách nhiệm trả nợ, mà cũng không chạy trốn vào đâu được. Vì vậy con đường duy nhất là đóng bảo hiểm. Mà đã có ôtô hay xe gắn máy là phải có bảo hiểm bắt buộc. Đó là luật mà ai cũng được học khi học bằng lái xe. Tuy cũng có vài người thiếu ý thức, nhưng nhìn chung đại đa số ý thức rất cao vì mọi người ai cũng hiểu nếu xảy ra chuyện thì sẽ có mình trong đó.

Về vệ sinh an toàn thực phẩm thì tiêu chuẩn của Đức cũng xếp vào hàng đầu. Đi mua đồ ăn chẳng bao giờ lo có thuốc trừ sâu cả. Có muốn mua lọ thuốc sâu để tự tử cũng không được vì thuốc này chỉ có những người có giấy chứng nhận mới mua được. Ở Đức sinh hoạt ăn uống so với thu phập thì thuộc loại cực rẻ. Thịt lợn ba chỉ 4 đồng/kg (110.000 đồng). Thịt bò từ 6 đến 12 đồng. Sữa tươi 50 cent 1 lit, rẻ như cho.

Thế nhưng những sinh hoạt hàng ngày khác cũng tương đối đắt. Mức tôi chi hàng tháng như sau: Tiền thuê nhà 400, phụ phí như rác, nước thải,v ệ sinh đường phố... khoảng 100, điện thoại, TV, Internet 50, tiền ăn 250, vé tàu tháng 85, bảo hiểm 150, và những sinh hoạt không tên khác khoảng 200. Nếu ai có ôtô thì phải tính tiền bảo hiểm 150+xăng 150+đỗ xe 50. Như vậy nếu một năm làm việc 11 tháng, một tháng về thăm quê thì số tiền tiết kiệm coi như hết.

Nếu chúng ta không vì gánh nặng gia đình ở Việt Nam thì cuộc sống nơi đây là tuyệt vời. Bạn không bị quấy rầy bởi tiếng ồn hàng xóm hay phải đeo khẩu trang. Bạn có thể đi tới nhiều miền đất khác du lịch, khám phá những nền văn hoá khác. Ở một nước phát triển như nước Đức thì chúng ta đừng bao giờ mong đợi vào sự may mắn, mà chỉ có cách là không ngừng cố gắng học tập và lao động. Và đó cũng là sự lý giải vì sao người Đức lại làm việc theo nguyên tắc cứng nhắc như vậy. Thực ra nó không hề cứng nhắc mà vì nó liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người. Vì vậy ở lại hay về Việt Nam là quyết định cá nhân của từng người, hiểu như thế nào cũng tuỳ theo nhận thức của bạn.

Riêng tôi đang sống ở đây và lại thấy càng yêu thương gia đình và người thân ở Việt Nam nhiều hơn vì đơn giản những thứ tôi đang hưởng thì gia đình tôi không thể có. Chúng tôi ở Việt Nam vẫn dùng nước giiếng mặc dù nhà ở Hà Tây cũ, cách trung tâm hội nghị quốc gia chưa đầy 25 km.

 

Nguồn: Hoàng Sơn

 


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000