Trung tâm thương mại Đồng Xuân (Đồng Xuân Centre) nằm trên con phố Herzberg ở quận Lichtenberg phía Đông Berlin, nơi có gần 4.000 người Việt Nam sinh sống và là địa chỉ thân thiết của cộng đồng người Việt Nam ở thủ đô rộng lớn của nước CHLB Đức.
Chợ Đồng Xuân ở Berlin
Ra chợ quê mìnhVới 250 gian hàng trong đó hơn 60% là doanh nhân Việt Nam, tiếp đến là người Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Ba Lan, và cả người Đức, trung tâm chủ yếu bán buôn với đủ các mặt hàng từ dệt may, giầy dép, mỹ phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, hoa giả, trang trí nội thất, đến các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, sơn sửa móng tay, các quầy sách báo, băng hình, ấn phẩm văn hóa.
Từ hệ thống nhà hàng ăn uống vui chơi giải trí tới các cửa hàng thực phẩm châu Á phục vụ thịt thà, tôm cá, gạo mì, bún phở khô đến các loại rau muống, rền, cần, cải, bầu bí, dưa chuột, mướp đắng, khoai sọ, khoai lang, sắn và các loại hành, răm, kinh giới, mùi, tía tô, ngổ, gừng, tỏi, riềng, sả, ớt… đến bánh chưng, bánh tét, giầy giò, nem chua… gần như mặt hàng nào cũng có, vừa tươi mới vừa phong phú đến ngập mắt.
Berlin hiện có hai trung tâm thương mại lớn là Đồng Xuân Centre và Trung tâm thương mại Thái Bình Dương (ITC). Sự tồn tại và phát triển của hai trung tâm này đã và đang tạo việc làm và đảm bảo cuộc sống cho hàng ngàn bà con người Việt Nam, đồng thời là đầu mối giao thương giữa Berlin với các thành phố khác ở Đức. Mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe thùng của người Việt Nam và người Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và cả người Đức từ các tỉnh lẻ về “ăn hàng” ở hai trung tâm này rồi tỏa đi tiêu thụ ở khắp nơi trên nước Đức.
Tuy lớn là vậy nhưng Trung tâm Đồng Xuân mới chỉ được xây dựng và thành hình hơn chục năm trước, bắt nguồn từ chính người giám đốc của khu chợ bán buôn và hàng tiêu dùng nhỏ lẻ ngày ấy, khi anh Nguyễn Văn Hiền, thời đó quản lý chợ Đồng Xuân nêu quyết tâm với Hội đồng quản trị là sẽ xây dựng chợ thành một Trung tâm Thương mại và Văn hóa của người Việt Nam ở Berlin nói riêng và trên toàn lãnh thổ Đức nói chung. Khi đó nghe thật khó tin, bởi có biết bao khó khăn, trở ngại ở phía trước.
Một gian hàng bán tạp hóa ở chợ Đồng Xuân (Đức)
Người Đức và nước ngoài khác cuối tuần cũng đổ tới Đồng Xuân khá đông và đều có cảm giác rằng ẩn hiện gần gũi đâu đó một cuộc sống sôi động rất Á Đông ngay trên đất Đức. Họ đến mua sắm không nhiều mà chủ yếu muốn tìm hiểu và hòa nhập vào nếp sinh hoạt của cộng đồng người Việt, thưởng thức các món ăn đặc sắc và hơn nữa là văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Vì thế, Đồng Xuân Centre đã thật sự mang thêm trong mình chức năng cầu nối giao lưu văn hóa và mở rộng tình hữu nghị của cộng đồng người Việt với bạn bè Đức và quốc tế, giúp họ hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, qua đó tăng cường vị thế Việt Nam trên thế giới mà Đồng Xuân Centre là một nơi đang thực hiện nhiệm vụ đó.
Gần đây, một trong những hướng đi mới của ông Nguyễn Văn Hiền là đưa một phần vốn liếng đã tích lũy nhiều năm đầu tư trở lại vào Việt Nam, mà theo ông “cái thuận lợi lớn nhất đó là quê hương mình, mình nói tiếng Việt và quen biết rộng rãi người Việt trong nước. Tuy có chút khó khăn là khoảng cách nên đi lại xa xôi tốn nhiều thời gian và nền nếp tác phong công việc cũng có phần chênh lệch. Nhưng tất cả những mối lo nhỏ đó sẽ được vài “quỹ đạo” nhanh thôi”, ông Hiền cười vui.
“Tôi rất tự hào về người Việt tại Đức, nhiều nhà doanh nghiệp Việt rất thành đạt trong các lĩnh vực khác nhau như nhà hàng, ngành dịch vụ thời trang và làm đẹp hay buôn bán hoa quả tươi…, ngoài ra có nhiều nhà khoa học giỏi và trí thức người Việt đang học tập, nghiên cứu, sống và làm việc tại Đức. Và cái rất đáng tự hào nữa, đó là các cháu sinh ra và lớn lên tại Đức học rất giỏi, nhiều cháu còn giỏi hơn cả các con em người dân sở tại. Cộng đồng người Việt ở Đức sống rất đoàn kết, biết tương trợ lẫn nhau và được người Đức đánh giá rất cao trong việc hội nhập”. Đó là những gì ông Nguyễn Văn Hiền gửi gắm thay cho lời chúc một năm mới sắp đến
(Theo CAND)
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000