Trao đổi với phóng viên báo TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ cho biết, ngay từ trước khi Chính phủ Đức thắt chặt các biện pháp phòng dịch, Đại sứ quán, các hội đoàn người Việt trong cộng đồng và bà con đã chủ động hạn chế, hoãn, hủy các sự kiện, các cuộc tụ họp đông người.
Mặc dù nhiều sự kiện đã được chuẩn bị rất chu đáo, công phu như Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, các đại hội của các hội đoàn..., đặc biệt trong bối cảnh năm 2020 là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức, nhưng Đại sứ quán và bà con đã nghiêm túc thực hiện việc hạn chế đi lại, tụ tập.
Foto: Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Đức)
Báo chí cộng đồng, các hội đoàn rất tích cực trong việc tuyên truyền, cập nhật thông tin tới bà con. Nhiều người giỏi tiếng Đức đã dành thời gian tổng hợp, dịch, giải đáp các quy định mới của chính quyền để bà con nắm bắt và thực hiện; tình nguyện hướng dẫn, hỗ trợ bà con kê khai hồ sơ xin trợ cấp của Chính phủ Đức,
Đại sứ chia sẻ, cộng đồng người Việt tại Đức có khoảng 180.000 người, tập trung đông ở các thành phố lớn như: Berlin, Hamburg, Leipzig, Frankfurt, Munich... Bà con chủ yếu kinh doanh buôn bán, mở nhà hàng, làm dịch vụ với quy mô nhỏ (tiệm tạp hóa, tiệm nail, cửa hàng hoa...) hoặc làm thuê. Do đó, trong bối cảnh Chính phủ Đức áp dụng các biện pháp chặt chẽ nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh như hạn chế tụ tập đông người, đóng cửa các nhà hàng, cơ sở dịch vụ không thiết yếu... công việc làm ăn của bà con gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, Chính phủ Đức đã ban hành nhiều biện pháp cứu trợ kinh tế, trong đó có ngân sách lớn (lên tới 50 tỷ Euro) dành cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, người hành nghề tự do, buôn bán lẻ, người lao động làm thuê... bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Nhìn chung, bà con chấp hành nghiêm chỉnh các quy định và khuyến cáo của Chính phủ Đức và cố gắng sử dụng các kênh hỗ trợ của phía Đức để vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và các biện pháp hạn chế kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến việc làm ăn và cuộc sống của bà con ta. Đại sứ quán đã trao đổi, vận động các hội đoàn có các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Một số hội đoàn, cá nhân tích cực đứng ra quyên góp, tổ chức việc may và trao tặng khẩu trang tặng cho chính quyền, người dân Đức ở địa phương. Trong bối cảnh khẩu trang tại Đức khan hiếm, nghĩa cử đẹp này của cộng đồng ta được các bạn Đức cảm kích, đánh giá cao.
"Bà con tin tưởng và đánh giá cao công tác phòng chống dịch trong nước, cho rằng trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam đã vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả, góp phần ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh". (Đại sứ Nguyễn Minh Vũ)
Kịp thời trong công tác bảo hộ công dân
Trong công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ bà con, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ chia sẻ, Đại sứ quán thường xuyên cập nhật thông tin về các quy định, khuyến cáo của Chính phủ Đức và Việt Nam, đặc biệt là các quy định về xuất nhập cảnh trên website của Đại sứ quán và qua tổng đài lãnh sự, bảo hộ công dân, kịp thời giải đáp các thắc mắc của bà con.
Đại sứ quán tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đến làm thủ tục lãnh sự tại Đại sứ quán, cũng như qua đường bưu điện; hạn chế việc bà con phải chờ đợi, tập trung đông người ở khu vực tiếp khách của Đại sứ quán.
Trong bối cảnh Đức và EU thắt chặt kiểm soát biên giới, nhiều hãng hàng không hoãn, hủy chuyến bay không thông báo trước, Đại sứ quán đã kịp thời hỗ trợ công dân Việt Nam mong muốn về nước, phối hợp chặt chẽ với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt/M, Cục Lãnh sự, Vietnam Airlines và các hãng hàng không để bảo đảm công dân Việt Nam được về nước theo đúng kế hoạch, cho đến nay chưa thấy trường hợp công dân Việt Nam nào bị kẹt tại sân bay ở Đức.
Các sinh viên Việt Nam tại Đức cổ vũ nhau cùng vượt đại dịch Covid-19. (Nguồn: Hội sinh viên người Việt Nam tại Đức)
Đại sứ quán cũng bảo đảm đường dây nóng bảo hộ công dân 24/7, thiết lập đường link đăng ký để tập hợp thông tin về công dân Việt Nam có nhu cầu về nước.
Theo thông tin Đại sứ quán có được, cho đến nay có khoảng trên 20 người trong cộng đồng người Việt ở Đức bị nhiễm Covid-19, tuy nhiên, không ai bị nặng đến mức phải vào bệnh viện, đều tự cách ly và điều trị tại nhà theo hướng dẫn của các bác sỹ Đức.
Theo quy định của Đức, bà con cư trú hợp pháp tại Đức, kể cả sinh viên Việt Nam học tập ở Đức đều có bảo hiểm y tế nên nếu nhỡ mắc bệnh thì sẽ được hướng dẫn, điều trị theo quy định của Đức.
Kiên quyết phòng ngừa và tham mưu chính sách
Trong công tác bảo vệ cơ quan đại diện, Đại sứ Minh Vũ cho biết, Đại sứ quán thường xuyên cập nhật các quy định, khuyến cáo của Chính phủ Đức, Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao đến cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và gia đình. Cùng với đó, Đại sứ quán đã ban hành quy định cụ thể của Đại sứ quán đối với cán bộ, nhân viên và gia đình về phòng chống dịch phù hợp với tình hình địa bàn.
Đại sứ quán cũng triển khai phương án làm việc tại nhà luân phiên nhằm giãn cách tiếp xúc giữa cán bộ, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong khi vẫn bảo đảm thực hiện công việc; Lắp đặt thiết bị khử khuẩn và khuyến cáo cán bộ, nhân viên và công dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm vệ sinh phòng dịch tại trụ sở Đại sứ quán.
Ngoài ra, Đại sứ quán đã thành lập nhóm Ad-hoc, xây dựng phương án và quy trình hỗ trợ cán bộ, nhân viên và gia đình, cũng như công dân Việt Nam nếu có nhu cầu trong liên hệ với cơ quan y tế Đức trường hợp có các vấn đề về sức khỏe.
Các biện pháp quyết liệt trên của Đại sứ quán đã góp phần quan trọng trong bảo vệ sức khỏe của bà con, cũng như cán bộ, nhân viên trước đại dịch.
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, Đức là nước có nền y tế tiên tiến trong nhóm hàng đầu thế giới. Mặc dù số ca nhiễm bệnh của Đức đang ở mức cao (đến chiều ngày 30/3 có hơn 60 nghìn người bị nhiễm, đứng thứ 5 thế giới) nhưng tỷ lệ tử vong rất thấp.
Đức cũng là một trong những nước đi đầu trong việc nghiên cứu vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị. Chính phủ Đức có chiến lược ứng phó với dịch bệnh thận trọng nhưng kiên quyết, kết hợp việc ưu tiên bảo đảm sức khỏe người dân và những biện pháp nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Vì vậy, Đại sứ quán thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh tại Đức và các biện pháp của Chính phủ Đức về nhiều mặt (y tế, chính sách xã hội, kinh tế, khuyến cáo công dân...), cũng như các bài báo, nghiên cứu khoa học, ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín để tham mưu về cho Bộ Ngoại giao tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19.
Anh Sơn, TG&VN
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000