Đức đề xuất không phạt người bới thực phẩm còn ăn được trong thùng rác

Bới tìm thực phẩm còn ăn được trong thùng rác của siêu thị hiện là hành vi trái pháp luật ở Đức, nhưng trong tương lai cũng có thể trở thành hành vi hợp pháp.

Gần đây, cảnh sát Đức phát hiện vài quả chuối lốm đốm nâu và một bó rau cải héo trong ba lô của một người đàn ông có tên Salome K. Báo Đức Deutsche Welle (DW) đưa tin, số thức ăn này có thể được đưa vào bảo tàng, với tấm biển giới thiệu “Vì số thực phẩm này, một công dân Đức đã phải hầu tòa trong năm 2022”.

1 Duc De Xuat Khong Phat Nguoi Boi Thuc Pham Con An Duoc Trong Thung Rac

Nhưng nếu đề xuất sửa đổi “các quy định hướng dẫn xử phạt hành chính đối với hành vi phạm pháp” của chính quyền bang Hamburg được thông qua, thì việc đào bới tìm thực phẩm còn ăn được trong thùng rác ở siêu thị sẽ sớm là hành vi hợp pháp, vì hành vi này không xâm phạm hoặc gây tổn thất cho nơi đổ bỏ số thực phẩm đó.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann (thuộc đảng Tân Dân chủ) và Bộ trưởng Lương thực và Nông nghiệp Đức Cem Ozdemir đã ủng hộ đề xuất trên. Bộ trưởng Ozdemir là thành viên đảng Xanh, nói: “Bất kỳ ai lấy thực phẩm từ thùng rác đều có thể không bị xử phạt”.

Ngoài ra, một số sinh viên ở Đức – đôi khi đã phải đào bới thùng rác để tìm thực phẩm còn ăn được – cũng hoan nghênh đề xuất trên.

Trong khi đó, người phát ngôn Christian Buttcher của Hiệp hội Kinh doanh Thực phẩm Liên bang Đức (BDL) lại không hào hứng.

Ông nói với DW: “Từ quan điểm hợp pháp, chúng tôi cho rằng không cần phải làm gì. Ngay vào lúc này, ngành công tố có thể hủy bỏ các quy định xử phạt hành chính nếu liên quan đến thùng rác – vật dụng mà bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận tự do. Miễn là thùng rác không có khóa và không đặt trong các khu vực có hàng rào bao quanh. Đề xuất của hai vị bộ trưởng là không cần thiết”.

Ông Buttcher còn nói, đề xuất này không giúp kéo giảm lượng thực phẩm được đem đổ bỏ khoảng 11 triệu tấn/năm.

Theo Chỉ số Rác thải Thực phẩm 2021 của Liên Hợp Quốc, Đức xếp hàng đầu ở châu Âu trong việc nhà dân đổ bỏ rác thực phẩm. Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản cũng vứt bỏ rác thực phẩm nhiều nhất.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, trên toàn thế giới có 931 triệu tấn thực phẩm bị vứt vào thùng rác, trong khi có hơn 800 triệu người trên thế giới bị đói ăn và suy dinh dưỡng.

Chính phủ Đức cũng có mục tiêu chấm dứt hoàn toàn việc đổ bỏ thực phẩm kể từ năm 2030, gồm bảo đảm có nhiều sản phẩm thừa được đưa vào 960 ngân hàng thực phẩm trên toàn quốc.

Giải pháp chấm dứt tình trạng đổ bỏ là khóa thùng rác, hoặc dựng hàng rào bao quanh để hạn chế tối đa nguy cơ thực phẩm thừa trong thùng rác gây hại cho sức khỏe.

Một cách giải quyết khác là thu hồi sản phẩm. Ví dụ, nếu một nhà sản xuất phát hiện một mặt hàng bị nhiễm nhựa trong quy trình sản xuất, thì họ phải thông báo ngay cho nhà bán lẻ để thu hồi sản phẩm này.

Tuy nhiên, vì việc gởi trả sản phẩm rất tốn kém, các nhà sản xuất thường đưa thẳng sản phẩm hư từ nhà kho đến thẳng thùng rác. Đây là lý do ông Buttcher phản đối đề xuất hợp pháp hóa việc đào bới thùng rác tìm thực phẩm còn ăn được. BDL được cho là e ngại bị quy trách nhiệm trong việc đổ bỏ thực phẩm không còn có thể ăn được.

Theo 1thegioi.vn


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000