Những người trẻ tuổi cũng muốn một ngày nào đó gom thật nhiều tiền ở Đức để về Việt nam mua nhà và sống hết quãng đời còn lại. Không chỉ vì tâm lý ” lá rụng về cội ” mà còn vì lý do khác như: cô đơn, buồn chán, không hòa nhập vào xã hội Đức…Có lẽ điều này cũng dễ hiểu, vì nếu họ rời xa Việt Nam khi tuổi đã lớn thì những kỷ niệm vui buồn hay những thói quen từ khi còn ở trong nước, dù tốt hay xấu cũng rất khó thay đổi dù họ có sống ở Đức bao lâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng dù họ quyết định đi hay ở, thì đó là quyền của họ. Chính phủ Đức cũng không ngăn cản bất cứ người nào muốn rời khỏi nước Đức kể cả công dân Đức. Nếu ai muốn hồi hương về VN thì có thể đọc và tìm hiểu về những cái được và mất khi hồi hương về VN. Đương nhiên khi quay về VN, ngoài việc được gặp lại người thân, cha mẹ , bạn bè hay họ hàng, thích ăn gì, đi đâu đều có ở VN, nhất là Sài Gòn – một nơi luôn ồn ào và náo nhiệt với những tòa nhà cao tầng xen lẫn khách sạn, nhà hàng và quán bar sang trọng. Không những Sài Gòn mà Đà Nẵng cũng thay da đổi thịt, nhìn rất đẹp và hào nhoáng khi về đêm. Hàng quán, siêu thị luôn mở cửa bất kể ngày cuối tuần. Cho nên bạn sẽ không cảm thấy buồn tẻ và chán như bên Đức, vì ở Đức cứ vào ngày chủ nhật, ngày lễ là tất cả đều đóng cửa, đường xá thưa thớt người qua lại. Nhiều người Việt mới sang cảm thấy hơi sốc vì phố xá vắng tanh, còn hàng quán đóng cửa im lìm….Có thể nói đó là những cái được khi hồi hương về VN. Nhưng rồi ngày vui cũng qua mau, vì bạn về VN để sống lâu dài chứ không phải như những Việt kiều khác về chơi rồi lại đi.
Bạn sẽ bắt đầu phải đối mặt với những khó khăn khi hồi hương. Những khó khăn này còn rắc rối và phức tạp hơn ngay chính trên quê hương của bạn như:
– Bạn phải tìm kiếm công việc hay kinh doanh một lĩnh vực gì đó ở VN để sống và tồn tại, vì ở VN cuộc sống sẽ phụ thuộc vào chính túi tiền nhiều hay ít của bạn. Bạn không có bất cứ một trợ cấp nào về nhà cửa, con cái, hưu trí kể cả chữa bệnh. Có nghĩa, phải tự lực cánh sinh tất cả mọi sinh hoạt hàng ngày trong cuộc sống, không được nhận bất cứ trợ giúp nào từ chính phủ Việt Nam.
– Rồi đến một lúc nào đó, cha mẹ của bạn cũng chẳng sống mãi bên cạnh bạn được. Anh em thì ai làm nấy ăn, bạn bè cũng chỉ vui một lúc rồi ai về nhà nấy. Hàng xóm ở VN sẽ dòm ra ngó vào và xì xào ….” sao Việt kiều mà lại về VN sống vậy ta? “Chắc ở Tây làm nghề ” vét dĩa” ….”, “Thôi chết, hay nó làm gì bậy bạ ở Tây bị người ta đá về”. Ở VN chắc mọi người không lạ gì sự bàn ra tán vào của mọi người nếu bạn về ở luôn. Không riêng gì những người hồi hương, kể cả Việt kiều thường về VN chơi sẽ bị cho là thất nghiệp, còn lâu lâu mới về thì bị nói là không có tiền để về. Nói tóm lại, kiểu gì bạn cũng bị họ đem ra làm đề tài bàn tán, chỉ khác một điều là Việt kiều họ về rồi họ lại đi nên sẽ ít nghe hơn bạn. Bạn về sống hẳn VN thì phải nghe thường xuyên hơn, nếu có tiền thì không sao, chỉ cần sa sút một chút về kinh tế sẽ bị coi thường nhiều hơn cả những người chưa từng đi Tây.
– Ngoài việc phải đi làm kiếm tiền, bạn cũng nên tập làm quen với đủ mọi tin tức xảy ra thường xuyên ở VN mà báo chí trong nước đề cập đến hàng ngày, lại toàn những tin ” hot” như: cướp giật, giết người, hiếp dâm, tai nạn giao thông, tiền mất giá, tiền tỷ của dân gởi ngân hàng thường xuyên bị mất, người dân ở Mỹ Đức bắt hàng chục cảnh sát cơ động làm con tin, Trung quốc xây nhiều Casino ở VN nhưng cấm người Việt vào, Formosa xả thải gây ô nhiễm làm cá chết hàng loạt còn biển thì ô nhiễm nặng, bác sĩ bỏ mặc bệnh nhân chết vì không có tiền.. v.v. Sống giữa một đất nước mà bạn phải nghe hàng ngày đủ loại tin tức như vậy mà bản thân bạn chẳng biết phải làm gì để thay đổi, chưa kể nói ra sẽ bị khép vào tội ” phản động ” chống phá nhà nước “, có thể bị bắt bỏ tù.
– Cố gắng giữ gìn sức khỏe thật tốt để không phải sử dụng y tế của VN. Nên tập yoga để ăn uống ít hơn vì ở VN đồ ăn toàn tẩm hóa chất, giống như vừa rồi có anh Tây nào đó về VN sống rồi uống trúng rượu dỏm và bị hỏng luôn cả hai con mắt. Cho nên bạn phải lưu ý điều này.
– Nếu mua nhà chung cư thì không nên mua nhà quá cao, vì nếu bị cúp điện hoặc xảy ra sự cố ngoài ý muốn thì rất phiền phức. Cũng đừng mua nhà ở khu lao động vì an ninh kém hay ở xa thành phố vì sẽ khó khăn nếu đi mua sắm, cấp cứu, gọi công an…
– Giao thông ở VN giống như cái mạng nhện, ngoài đường thì bụi bặm ô nhiễm. Đi xe máy mà không đeo khẩu trang đảm bảo trong vòng 2 phút mặt của bạn sẽ đen như trong lò than mới ra. Cảnh sát giao thông ở VN thì rất nhiều, nhưng đừng hy vọng gì ở họ. Vì nhiệm vụ của cảnh sát giao thông ở VN không phải là để giữ trật tự an toàn giao thông, mà cái chính của họ là làm việc khác, mà việc gì thì dù không nói ra nhưng ai sống ở VN đều biết.
Nhìn chung, nếu đã chọn hồi hương về VN thì đừng đặt nặng chuyện được hay mất, mà hãy cố gắng thích nghi cuộc sống ở VN. Tuy không gặp rào cản ngôn ngữ, nhưng có những thứ còn khó khăn hơn cả trên xứ người. Ngoài việc chúc những người đang và sắp sửa hồi hương sẽ gặp nhiều may mắn và hạnh phúc trên quê hương của mình, tôi cũng chỉ có lời khuyên với những người hồi hương: Nếu bạn mang quốc tịch Tây thì không nói làm gì. Nhưng nếu vẫn còn quốc tịch VN thì đừng quăng vội chiếc thẻ định cư khi vừa đặt chân xuống phi trường như nhiều người đã từng làm khi hồi hương, vì không ai biết ngày sau sẽ ra sao. Nếu cuộc sống ở quê nhà suôn sẻ thì không sao, nếu chỉ gặp toàn chông gai sóng gió thì lúc đó có muốn đi cũng chẳng được mà ở cũng chẳng xong.
An Thanh Lê (nguồn Facebook)
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000