“Nếu con muốn làm ra máy bay, ô tô và xe tăng thì con sang bên Đức học con nhé”, theo Việt Anh, lời dặn của ông nội – từng là một cán bộ ngoại giao cao cấp đặt chân đến nhiều quốc gia của nhiều châu lục đã khiến anh nung nấu quyết tâm tới Đức. Tốt nghiệp THPT, anh sang Đức du học theo diện tự túc, sau đó tự hoạch định chiến lược cuộc đời mình.
Xin việc ngay từ năm nhất đại học
Việt Anh bắt đầu đi xin việc ngay từ khi học đại học chính thức tại trường Đại học Kỹ thuật Berlin (TU Berlin). Anh cho hay, khi chọn được ngành học phù hợp, anh sớm bị cuốn vào kho kiến thức kỹ thuật khổng lồ này.
“Tôi lên kế hoạch chinh phục ước mơ một cách cụ thể và chi tiết. Song song với việc học tập trên lớp để hiểu bài và thu lượm kiến thức, tôi học cả những kỹ năng mềm như thuyết trình, viết bài luận cũng như các kỹ năng cuộc sống khác. Ngoài ra, việc chủ động có nhiều bạn bè Đức và nước ngoài, nhiều cuộc trao đổi với họ về tất cả các đề tài như học tập, phong tục tập quán và con người giúp tôi nâng cao khả năng ngoại ngữ cũng như hội nhập nhanh vào môi trường tại đây”, Việt Anh kể.
Hết năm thứ hai, Việt Anh đã nhận được công việc hướng dẫn và chữa bài tập cho các sinh viên khóa dưới. Năm cuối, anh nhận được lời các giáo sư trưởng khoa đề nghị làm trợ giảng, nghiên cứu và làm luận văn tiến sĩ tại các viện của họ.
Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu tại viện cơ khí, Việt Anh tự đề xuất đề tài nghiên cứu tiến sĩ và lên phương pháp giải quyết; tham gia trực tiếp giảng dạy; trực tiếp làm nhiều dự án của giáo sư với các tập đoàn công nghiệp…
Anh Việt Anh chủ trì hội nghị về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và startups trong khuôn khổ tuần lễ Châu Á – Thái Bình Dương Asia Pacific Week 2018 tại Berlin, Đức ảnh NVCC
Kết quả học tập, làm việc, nghiên cứu xuất sắc, kỹ năng mềm tốt đã giúp Việt Anh có cơ hội được nhận vào làm việc tại những tập đoàn lớn của Đức. Trước khi bảo vệ luận văn tiến sĩ, anh đã bắt đầu với vị trí kỹ sư nghiên cứu phát triển về Tuabin-Khí (Large Gas Turbine) cho các nhà máy điện tại tập đoàn Siemens….
Cộng đồng người trẻ luôn hướng về Việt Nam
Anh Nguyễn Việt Anh, quê Bắc Giang, là 1 trong 100 chuyên gia gốc Việt ở nước ngoài tham gia Chương trình gặp gỡ người Việt làm khoa học diễn ra hồi tháng 8.2018 do Nhà nước và Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức.
Đến nay, Việt Anh đã có 17 năm sống tại Đức, anh chiêm nghiệm ra điểm nổi bật trong các tập đoàn công nghệ của Đức: Làm việc với tinh thần kỷ luật cao cùng với trình tự làm việc khoa học hợp lý; Đề cao tính hài hòa và làm việc theo nhóm; Hoàn thành công việc và dự án đúng tiến độ và đặc biệt là phải có kết quả cụ thể…
“Tôi đã học được rất nhiều từ môi trường giáo dục của đất nước có nền khoa học, sản xuất và công nghiệp đứng đầu thế giới này. Đặc biệt trong đó tôi rất tâm đắc nhất sự uy tín, làm việc gì cũng có sự chuẩn bị và kế hoạch, đề cao tính tập thể ,hướng đến cái chung của con người Đức”, Việt Anh nói.
Tại tập đoàn Siemens. 2 năm đầu tiên, anh là kỹ sư trực tiếp nghiên cứu và phát triển một dòng Tuabin-Khí mới; 2 năm trở lại đây anh là trưởng dự án về thử nghiệm và vận hành cũng như chịu trách nhiệm cho các hệ thống tại đây.
Anh Việt Anh (chính giữa) cùng các bạn trẻ Việt Nam tại ĐứcNGUYỆT LƯU
Hiện Viêt Anh là Chủ tịch hội sinh viên Việt Nam tại Đức. “Thời gian làm việc tại Trường Đại học kỹ thuật Berlin, làm việc trực tiếp với các bạn trẻ gốc Việt trong Hội sinh viên Việt Nam tại Đức, cũng như qua các công tác cộng đồng tại Đức, tôi nhận thấy ở các bạn trẻ gốc Việt tại Đức nhiều điểm mạnh như rất năng động, sáng tạo và tích cực tham gia vào các hoạt động của hội cũng như cộng đồng. Tôi hạnh phúc vì chứng kiến sự đoàn kết, tương trợ của các bạn trẻ, đặc biệt trái tim luôn hướng về quê hương Việt Nam”, anh Việt Anh nói.
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000