Hành trình tủi nhục đến “miền đất hứa”

Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật, do chính người trong cuộc, một sinh viên sinh năm 1981 kể lại, sau suốt 10 tháng phiêu lưu khủng khiếp từ TPHCM tới CHLB Đức trong một đường dây đưa người vượt biên trái phép.

Kỳ 1: Thiên đường và cạm bẫy

1 1 Hanh Trinh Tui Nhuc Den Mien Dat Hua

Vũ Việt (vì lý do an toàn tên nhân vật trong bài đã được thay đổi) tại CHLB Đức

Tiền Phong đưa câu chuyện này lên mặt báo với mục đích, như chính lời nạn nhân mong mỏi, cảnh tỉnh cho những ai vẫn đang ôm mộng ra đi làm giàu nơi đất khách quê người.

Tôi là con út trong một gia đình trung lưu tại TP.HCM, mẹ có sạp hàng ngoài chợ Bến Thành, nguyên là sinh viên năm thứ nhất tại một trường ĐH của thành phố. Song trong tôi luôn có một mơ ước cháy bỏng được đi Tây, để đổi đời và thay đổi cuộc sống.

Thế là người mẹ thân yêu của tôi đã sấp ngửa lo chạy giấy tờ qua một đường dây đưa người ra nước ngoài ở tận ngoài Hà Nội để cho tôi sang CHLB Đức. Chỉ trong một thời gian ngắn, mẹ bảo tôi chuẩn bị hành lý để đêm hôm sau sẽ bay sang Đức.

Tôi rất háo hức và nôn nóng, tâm trạng ngổn ngang bao điều suy nghĩ, thậm chí không kịp nói lời chia tay với cả bạn bè và họ hàng ruột thịt. Nhìn mẹ lo lắng đóng gói sửa soạn cho tôi lên đường đến miền đất xa xôi ấy, tôi thấy thương mẹ vô cùng.

Nếu mẹ biết rằng cuộc hành trình đến miền đất hứa ấy, con trai của mẹ đã mấy lần đứng trước cửa vào địa ngục chắc hẳn mẹ sẽ chẳng bao giờ cho tôi đi.

Tới sáng hôm sau cô T. (người trong đường dây đưa người ra nước ngoài) đã đón tôi và mẹ tại sân bay Nội Bài đưa tới nhà của cô ấy trong một chung cư cao tầng.

Tôi thấy mẹ đã thanh toán nốt số tiền còn lại cho cô T., cô ấy bảo đúng 23h30 máy bay cất cánh nên tôi phải ra sân bay trước 22h để làm thủ tục xuất cảnh. Nhưng tôi thấy lạ và mơ hồ hình dung ra có điều gì đó bất ổn vì cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa nhận được hộ chiếu hay vé máy bay mà phải đợi ra đến tận sân bay.

1 2 Hanh Trinh Tui Nhuc Den Mien Dat HuaBiên giới Nga, ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Đúng hẹn tôi có mặt tại sân bay nhưng không chỉ có mình tôi mà còn có ba người thanh niên khác nữa, họ cũng có cùng tâm trạng như tôi.

Khi nhìn thấy cô T cả bốn anh em chúng tôi rất mừng và hớn hở nhận những tờ giấy để khai theo lời hướng dẫn của cô T.

Tôi bất ngờ và sửng sốt khi nhận hộ chiếu mới biết Visa của mình không phải sang Đức mà là Visa sang Nga. Khi chúng tôi chất vấn thì được cô T. giải thích: Cứ bay sang Nga khi xuống sân bay sẽ có người của đường dây tên là H. ra đón. Cháu cứ theo họ về nhà nghỉ ngơi rồi họ sẽ làm thủ tục cho các cháu bay sang Đức trong thời gian ngắn nhất.

Đâm lao đành phải theo lao tôi chỉ còn biết nghe lời cô T. dặn và bước chân lên máy bay vì thời gian không còn nữa. Ngồi trên máy bay bốn anh tôi mỗi người một tâm trạng vì chưa quen thân nhau nên chẳng ai tâm sự với ai nhiều, riêng tôi cảm giác đây là lần mạo hiểm lớn nhất trong đời…

Khi chúng tôi có mặt tại sân bay Matxcơva, lập tức có một thanh niên lại gần hỏi chúng tôi đi theo đường dây nào? Của ai? Khi biết anh ta đúng là H. như lời cô T. dặn thì chúng tôi yên tâm và theo anh ta về nhà.

Bước chân vào “ốp” trong ngôi nhà không mấy rộng rãi nhưng có đến vài chục người Việt Nam đã có mặt tại đây. Mấy ngày sau, khi đã quen với mọi người trong nhà tôi mới biết họ là “hàng tồn kho” và đến khi ấy tôi mới hiểu thế nào là kho này hay kho khác, biên giới này hay biên giới kia, họ đều nằm ở đây để đợi đi sang nước thứ ba như mơ ước.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, chúng tôi cũng chẳng biết làm gì ngoài việc chờ đợi đến lượt xuất kho, chúng tôi là đợt hàng xuất kho cuối cùng. Chúng tôi được chở đến một điểm hẹn vào lúc 8h sáng giờ Matxcơva, tại đây có một nhóm người Trung Quốc, Banglades, Ấn Độ, và có thêm 8 người VN nữa. Tất cả nhập lại thành đoàn rồi được một xe tải chở đến biên giới lúc 3h sáng.

Chúng tôi bị nhốt vào một nhà chứa củi đến 22h thì có một người Nga đến bảo bọn tôi nhanh chóng thu dọn hành lý để tiếp tục cuộc hành trình.

Trong bóng đêm mịt mùng mọi người ra dấu, bám sát nhau lần mò theo sự hướng dẫn của hai người Nga và một con chó béc-giê rất to. Họ dắt chúng tôi đến một bụi cây, bắt tất cả ngồi xuống và im lặng.

Suốt cả chặng đường vì bất đồng ngôn ngữ, nhưng chúng tôi vẫn hiểu họ muốn gì qua các dấu hiệu và cử chỉ của họ. Mọi đồ ăn thức uống sau khi dùng xong phải mang theo không được vứt lại dọc đường để tránh bị lộ hành trình.

Thiên đường thì chưa thấy đâu xong trước mắt tôi là cả một cạm bẫy đang rình rập, con đường thì đầy chông gai và nguy hiểm. Tôi đang suy nghĩ miên man thì nhận được ám hiệu cả đoàn chuẩn bị vượt cửa khẩu giữa Nga và Ukraina. Đồng hồ trên tay tôi chỉ 22h30, tôi hoà vào dòng người lặng lẽ vượt qua cột mốc biên giới. Chúng tôi cứ đi, đi mãi mà vẫn chưa đến nơi…

Đôi chân của tôi đau rát phồng rộp, mỗi bước chân cảm thấy đau buốt tê tái…chúng tôi cứ đi như vậy vượt qua hết cánh đồng này đến cánh đồng khác cho đến khi mọi người trong đoàn không còn sức bước đi nữa ngồi bệt xuống để nghỉ lại sức.

Nhưng chỉ được vài phút thì mấy người Nga dẫn đường đã giục mọi người đi tiếp nếu không trời sáng đoàn sẽ bị phát hiện và bị bắt. Mặc dù chẳng còn sức nữa nhưng tất cả vẫn phải lê những bước chân nặng trĩu vì đói khát, sau lưng họ vẫn liên tục thúc chúng tôi đi nhanh hơn.

Đôi chân tôi đau ê ẩm, mỗi bước đi cảm giác nặng ngàn cân, ba lô trên vai đã mấy lần tôi muốn vứt bỏ, đôi môi khô rát còn miệng thì đắng ngắt. Đúng lúc cảm thấy mệt mỏi nhất thì cô bạn gái trong đoàn đã động viên: “Cố lên anh sắp tới nơi rồi”, tôi cảm thấy trong người như được tiếp thêm sức mạnh, bước chân cảm thấy nhanh hơn, nhẹ hơn…

Nguồn: Tiền phong

 


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000