Từ Cộng hoà Liên bang Đức, cô giáo Đinh Tuyết Mai chia sẻ câu chuyện về việc học tập xuất sắc của các cháu học sinh gốc Việt tại đây.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Anh Hải nguyên là thợ xuất khẩu lao động thời kỳ DDR.
Sau khi nước Đức thống nhất, anh Hải không nhận tiền bồi thường để trở về Tổ quốc mà xin tiếp tục ở lại Đức.
Anh chuyển sang vùng Nuernberg tìm được việc làm ba ca kíp ở một nhà máy lớn và có cuộc sống ổn định tới nay.
Muộn đường vợ con, mãi đến năm 2004 anh mới về Việt Nam cưới vợ.
Chị Hồng nguyên là cô giáo trường mầm non ở Hà Nội, được anh Hải đón sang Đức theo diện đoàn tụ gia đình vào năm 2005, khi đó cháu Việt Hùng đang nằm trong bụng mẹ.
Cách đây 4 năm vào dịp tháng 6, tôi nhận được cú điện thoại khẩn của gia đình anh Hải, sống ở một phố huyện, cách thành phố Nuernberg thuộc tiểu bang Bayern gần 70 km.
Anh Hải và chị Hồng cần sự tư vấn của tôi về việc học tập cho con trai đầu lòng, cháu Việt Hùng.
Thế là tôi thu xếp lập tức vào cuối tuần liền đó đến thăm gia đình anh chị.
Tôi đưa các cháu đi công viên để trực tiếp tìm hiểu khả năng học tập cũng như phản ứng giao tiếp của cháu Việt Hùng.
Đồng thời theo dõi cách cư xử của Việt Hùng với hai em gái trong khi vui chơi…
Tác giả đưa 3 cháu đi chơi công viên Lúc đó cháu Việt Hùng 8 tuổi rưỡi và đang học lớp 2 ở trường tiểu học gần nhà.
Em gái cháu là Việt Hương 7 tuổi đang học lớp 1 cùng trường. Em gái út Việt Hà 5 tuổi còn đang đi vườn trẻ.
Vợ chồng anh Hải nhận được giấy mời của Ban giám hiệu nhà trường, yêu cầu đến trường gặp trực tiếp để nghe tư vấn về vấn đề học tập của cháu Việt Hùng.
Anh chị Hải rất lo lắng không biết có chuyện gì xảy ra với con trai của mình đây?
Sau khi gặp Ban giám hiệu về, anh chị thở phào nhẹ nhõm và lập tức gọi điện cho tôi.
Ban giám hiệu cho biết: Cháu Việt Hùng đặc biệt thông minh và tiếp thu rất nhanh.
Nhà trường có ý định cho cháu nhảy qua một lớp. Nghĩa là: sau khi kết thúc lớp 2, cháu Việt Hùng lên học thắng lớp 4.
Nhà trường yêu cầu cha mẹ suy nghĩ, tham khảo ý kiến bạn bè, họ hàng và ý kiến của Việt Hùng.
Vào đầu tháng 7, trước khi kết thúc năm học, học sinh được nghỉ hè 6 tuần, anh chị Hải phải chọn 1 trong 2 phương án: cho Việt Hùng học lớp 3 như các học sinh bình thường hay động viên cháu, sau khi nghỉ hè vào học thẳng lớp 4?
Chị Hồng và anh Hải rất phân vân và lo ngại bởi vì cháu Việt Hùng thuộc diện còi cọc và nhỏ hơn nhiều so với các bạn cùng lứa tuổi.
Nếu nhảy lớp, cháu sẽ gặp khó khăn về thể lực…
Tôi dành thời gian trò chuyện cùng Việt Hùng và nhóm bạn Đức học cùng lớp 2 của cháu.
Đồng thời đã đặt ra nhiều câu hỏi cho Việt Hùng để ghi nhận và đánh giá mức độ phản ứng của cháu…
Sau khi thu nhận đầy đủ thông tin, tôi đã phân tích kỹ và chân tình khuyên anh Hải, chị Hồng nên cho Việt Hùng nhảy lớp, vào học lớp 4 sau kỳ nghỉ hè.
Thế là bước vào năm học mới, Việt Hùng tạm biệt các bạn học cùng lớp 2, nhảy qua lớp 3, vào học lớp 4.
Kết quả học tập của Việt Hùng ở lớp 4 vẫn rất tốt. Hồi lớp 2 cháu luôn đứng đầu lớp, bây giờ học lớp 4, cháu luôn đứng ở vị trí thứ 1 hoặc thứ 2.
Kết thúc lớp 4, cháu được trường tiểu học giới thiệu đến học ở trường “Gymnasium đặc biệt” dành cho những trẻ em thông minh xuất sắc.
(“Gymnasium đặc biệt” tạm dịch là Trường trung học phổ thông chất lượng cao đặc biệt dành cho trẻ thông minh xuất sắc).
Thay vì học ở trường Gymnasium ở phố huyện, ngay gần nhà, cháu Việt Hùng phải đến trường Gymnasium đăc biệt cách nhà khoảng 20 km bằng phương tiện xe bus.
Năm nay, Việt Hùng đang học lớp 7, sau nghỉ hè cháu sẽ vào học lớp 8. Sức học của cháu vẫn rất tốt.
Học sinh ở trường Gymnasium đặc biệt đều là những trẻ rất thông minh, được chọn lọc từ các trường tiểu học trong vùng.
Vì vậy các cháu có ý thức học tập cao, kỷ luật tốt và chăm chỉ thi đua nhau để có thành tích tốt nhất.
Tất nhiên, chất lượng giáo viên ở các trường Gymnasium đặc biệt này cũng vượt trội hơn giáo viên ở các trường Gymnasium bình thường.
Từ 3 năm nay, Việt Hùng còn học thêm đàn guitar, một tuần 2 buổi chiều.
Cháu chơi đàn rất hay, đôi khi được mời tham gia biểu diễn hòa nhạc thiếu nhi trong những dịp hội hè hoặc ngày lễ trong phố huyện với trên 35.000 dân, nơi ở của gia đình cháu.
Em gái Việt Hương, ít hơn Việt Hùng 18 tháng, tuy không được nhảy lớp như anh trai, song cháu học cũng rất giỏi.
Kết thúc lớp 4 năm ngoái, cháu cũng được trường tiểu học giới thiệu lên học lớp 5 tại trường Gymnasium đặc biệt cùng anh trai Việt Hùng.
Từ gần 1 năm nay, 2 anh em cháu hằng ngày cùng đi xe bus đến trường và đợi nhau sau khi tan trường để cùng về nhà. Việt Hùng luôn có ý thức bảo vệ em gái mình khi ở trường.
Sau kỳ nghỉ hè 2018, Việt Hương sẽ vào học lớp 6. Noi gương anh trai, Việt Hương đã theo học đàn Piano được 1 năm nay.
Cháu yêu âm nhạc và rất chăm chỉ luyện tập nên chỉ sau 1 năm, Việt Hương đã chơi đàn khá tốt.
Thỉnh thoảng 2 anh em biểu diễn hòa nhạc vào những dịp sinh nhật hoặc lễ tết Việt Nam tại gia đình.
Việt Hùng và Việt Hương đang chơi Monopoly, một môn chơi luyện tập tính nhẩm và luyện trí nhớ
Cháu gái út Việt Hà mạnh dạn và có sức khỏe tốt hơn anh chị.
Sau kỳ nghỉ hè năm nay, Việt Hà sẽ vào học lớp 4, năm cuối cùng của trường tiểu học tại tiểu bang Bayern.
Ban giám hiệu nhà trường nhận xét: Việt Hà có thể không xuất chúng như Việt Hùng, song thông minh và nhanh hơn chị Việt Hương.
Nếu cháu tiếp tục có thành tích học tập tốt như hiện nay, chắc chắn năm học tới, nhà trường sẽ giới thiệu cháu vào trường Gymnasium đặc biệt cùng anh trai và chị gái.
Ba con đều chăm ngoan, học giỏi nổi tiếng trong vùng – niềm tự hào lớn của gia đình anh Hải
Việt Hà thấy anh chị mình biểu diễn nhạc cụ rất hay nên cũng nằng nặc xin bố mẹ cho đi học nhạc bằng được.
Cháu muốn học đàn Violin. Song bố mẹ ngăn cản “vì Hà còn bé quá, phải chờ 1 năm nữa”.
Việt Hà rất láu cá, cháu gọi điện “nhờ bác Mai thuyết phục bố mẹ giúp cháu”.
Chủ nhật vừa qua, tôi điện thoại thảo luận với vợ chồng anh Hải.
Cuối cùng chúng tôi đã nhất trí: Dịp nghỉ hè 2018 sẽ cho Việt Hà học thử 4 tuần đàn Violin, mỗi tuần 3 buổi chiều.
Nếu cô giáo dạy nhạc đánh giá tốt về khả năng tiếp thu âm nhạc của cháu thì bắt đầu vào năm học lớp 4, Việt Hà sẽ được học đàn Violin mỗi tuần 1 buổi chiều.
Tôi rất quan tâm theo dõi thành tích học tập đặc biệt của Việt Hùng và 2 em gái.
Anh Hải và chị Hồng đều rất nghiêm khắc và luôn luôn quan tâm đến việc giáo dục con.
Khi ở nhà 3 cháu phải nói tiếng Việt với nhau và với bố mẹ. Vì vậy các cháu vẫn bảo tồn được ngôn ngữ mẹ đẻ.
Chúng tôi sẽ cùng nhau tiếp tục theo dõi sự phát triển của 3 cháu.
Trong tương lai, tôi sẽ cùng bố mẹ các cháu thảo luận để tìm và chọn chuyên ngành cũng như trường đại học nào cho phù hợp với khả năng và tư duy của mỗi cháu …
Đồng thời tôi rất tự hào về gia đình anh Hải, một người quen thân của tôi từ thời DDR.
Bài và ảnh: Đinh Tuyết Mai
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000