Ngay trên nước Đức xa xôi vẫn có một khu chợ với cái tên Việt Nam thân thuộc – chợ Đồng Xuân, tên gọi dân dã dành cho trung tâm thương mại Đồng Xuân Centre. Đây không chỉ là nơi tìm đến của những người Việt sống trên đất khách mà còn là 1 trong 16 điểm đến thu hút khách du lịch tour Đức ở Berlin.
Hầu hết người Việt ở Đức đều biết đến tiếng tăm của ông Nguyễn Văn Hiền, chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm thương mại Đồng Xuân, một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất của người nước ngoài tại thủ đô Berlin .
Doanh nhân Nguyễn Văn Hiền sinh năm 1957 tại thành phố Ninh Bình. Ông sang Đông Đức lao động lúc được 30 tuổi. Hai năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ thì ông ở lại làm ăn buôn bán tự do. Trong lúc đang buôn bán quần áo, ông Hiền có cơ hội mua khu đất mà bây giờ là trung tâm thương mại Đồng Xuân.
Năm 1997, Trung tâm thương mại Đồng Xuân đầu tiên được thành lập tại thành phố Leipzig. Ông Hiền từng chia sẻ với báo giới, thời điểm đó cộng đồng người Việt chuyển từ làm việc tại các xí nghiệp sang kinh doanh, buôn bán. Vì vậy nhu cầu về vị trí kinh doanh của bà con rất lớn. Đây là nguyên nhân chính khiến ông Hiền thành lập khu trung tâm thương mại dành cho người Việt.
Đến năm 2002, trung tâm thương mại Đồng Xuân Berlin chính thức khai trương. Thời kì đầu mới thành lập Đồng Xuân, ông Hiền gặp rất nhiều khó khăn. “Hồi đó, thấy tôi thuê máy xúc, máy ủi tới san nền xây chợ, chính nhiều người Việt mình còn bán tín bán nghi, nghĩ chắc ông này chỉ làm phép…”, ông Hiền từng cho biết.
Thế nhưng, ý tưởng táo bạo biến khu đất hoang thành một trung tâm thương mại và văn hóa cho người Việt của ông đã dần trở thành hiện thực. Bắt đầu từ Haller 1 (khu 1) đến Haller 2… và Haller 4 khang trang và đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn của người Đức cứ lần lượt hiện lên.
Khu nào cũng tấp nập và đầy ăm ắp các gian hàng, từ hàng hóa tiêu dùng như quần áo, giầy dép đến siêu thị thực phẩm Việt Nam, nhà hàng, quầy sách báo văn hóa phẩm, cửa hàng cắt tóc làm đầu, chăm sóc sắc đẹp…Mỗi một khu như vậy rộng tới 5.000 m2, tổng cộng đã có tới 500 gian hàng trên diện tích rộng 185.000 m2.
Được biết, trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2014, ông Hiền đã đầu tư tổng cộng 35 triệu Euro vào khu “chợ” này. Vị doanh nhân này cũng từng tiết lộ, vài năm sau ngày thành lập, nhận thấy tiềm năng và giá trị của Đồng Xuân Center, một số công ty bán lẻ lớn ở Đức đã hỏi mua lại nhưng ông nhất định không bán.
“Từ trước đến giờ, người Việt mình kinh doanh chủ yếu ở những khu nhà cũ, nhếch nhác. Tôi muốn người nước ngoài, đặc biệt là người Đức hiểu rằng người Việt cũng có chỗ kinh doanh hiện đại riêng của mình. Đồng Xuân không đơn thuần là nơi kinh doanh mà còn là địa chỉ văn hóa Việt Nam, niềm tự hào của tất cả cộng đồng”, ông Hiền khẳng định.
Trong tổng số 500 gian hàng tại khu TTTM Đồng Xuân có tới 75% là của người Việt, số còn lại là người Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Ấn Độ, Pakistan…Ở Chợ Đồng Xuân, Các cửa hàng thực phẩm châu Á cũng phục vụ thịt, tôm cá, gạo mì, bún phở khô đến các loại rau muống, dền, cần, cải, bầu bí, dưa chuột, mướp đắng, khoai sọ, khoai lang, sắn và các loại hành, răm, kinh giới, mùi, tía tô, ngổ, gừng, tỏi, riềng, sả, ớt…
Ngoài những hàng thực phẩm còn có những “đặc sản” độc vốn chỉ có ở Việt Nam như lòng lợn, tiết canh ngan, thịt chó mắm tôm… Cứ mỗi dịp tới về, cộng đồng người Việt lại kéo về rất đông ở chợ Đồng Xuân để mua bánh chưng, bánh tét, bánh giầy, giò, nem chua… đến cả hoa đào cũng có tại đây.
“Đồng Xuân không đơn thuần là nơi kinh doanh mà còn là địa chỉ văn hóa Việt Nam, niềm tự hào của tất cả cộng đồng”, ông Hiền từng nói. Và với vị doanh nhân này, việc có được thành quả như ngày hôm nay hoàn toàn không phải là một “món quà” mà Thượng đế ban tặng, đó là một quá trình lao động miệt mài không ngừng nghỉ.
“Tôi đã có nhiều may mắn, nhưng với tôi đó không phải là món quà tặng. Tôi làm việc 14 giờ một ngày và hơn 10 năm không nghỉ ngơi. Những gì tôi đạt được thực ra không phải là bất thường”, ông chủ Đồng Xuân Center chia sẻ.
Không chỉ là chủ nhân của Đồng Xuân Center, ông Hiền còn là một nhà phát triển bất động sản danh tiếng. Được biết, ông đang ấp ủ nhiều kế hoạch phát triển ở phố Herzbergstrasse.
Trong những tâm huyết của ông bao gồm việc xây dựng một khách sạn, một trung tâm hội nghị với các nhà hàng. Ngoài ra, ông Hiền có kế hoạch xây dựng một nhà máy đầu tiên của Đức“ sản xuất mỳ châu Á.
Bên cạnh đó, ông còn đầu tư 30 triệu Euro vào dự án xây dựng trung tâm văn hóa, kinh tế tại quận Lichtenberg, Berlin với mong muốn quảng bá văn hóa, ẩm thực và truyền thống của người Việt Nam tới bạn bè Đức.
Mộc Lan (Tổng Hợp)
Theo Trí thức trẻ
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000