Lấy chồng tây luôn là chủ đề nóng hổi được nhiều người quan tâm, từ chị em chưa lập gia đình vì tò mò cho đến các chị gia đình đề huề, con cái ba bốn đứa cắp nách.
Chồng tôi là người Đức, tính cách của anh bao gồm tất cả những gì xấu và những gì tốt thuộc về người Đức, như người Việt Nam cũng có tính xấu và tính tốt. Thứ nhất xét về phương diện tình cảm.
Tại sao các cô gái dễ “gục“ và xúc động trước một người đàn ông nước ngoài, rất đơn giản vì ở họ ngay từ những cử chỉ bình thường đã toát ra một vẻ lịch sự và nhã nhặn, đặc biệt đối với phụ nữ, điều này họ được học ngay từ trong nhà từ các thế hệ ông cha đi trước.
Ví dụ như bố lấy áo khoác mặc vào giúp mẹ, bố nói cám ơn mẹ khi ăn một món ngon, hay cụ ông luôn dắt tay cụ bà trong khi đi phòng khi cụ bà ngã cụ ông còn kịp đỡ, vân vân. Những điều này ít thấy ở đàn ông Việt Nam nên khi các cô gặp luồng gió mới sẽ rất dễ dàng bị chiếm cảm tình.
Thực sự mà nói đàn ông tây không phân biệt đàn bà phương đông hiền dịu nhu mì còn đàn bà phương tây cứng cỏi, có chăng cũng chỉ là hình thức bên ngoài, đàn bà tây to cao hơn. Khi họ yêu là yêu chứ họ không cần biết cô ấy có biết nấu ăn hay không, cô ấy có biết là quần áo hay không, cô ấy có biết đối xử tốt với mẹ chồng hay không…?
Cho nên nếu nói đàn ông phương tây thích con gái việt Nam ở vẻ nhu mì đoan trang chưa chắc đã đúng. Khi hai đứa bắt đầu yêu nhau ông xã tôi không bao giờ hỏi “Em có biết nội trợ không?“ cho đến khi về ở với nhau rồi tôi nói em không biết nấu cơm thì anh trả lời, không sao mình đi ăn cơm hàng. Và hầu hết đàn ông phương tây tuy nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần lãng mạn nên cuộc sống vợ chồng thỉnh thoảng cũng được mới mẻ hơn.
Phan Hà Anh tác giải cuốn tự truyện “Làm dâu nước Đức” cùng gia đình
Thứ hai tôi muốn nói đến đó là vấn đề kinh tế, nhiều người nghĩ rằng cứ tây là có tiền, điều này hoàn toàn sai lầm. Ở nước ngoài cho dù lao động chân tay hay lao động đầu óc đều rất vất vả nhưng thu nhập chỉ đủ chi tiêu cho cuộc sống, nếu biết dành dụm thì có thể dư ra một ít gọi là. Biết rằng tiền không mua được hạnh phúc nhưng muốn hạnh phúc được duy trì thì phải cần có tiền, cũng như một cái cây cần được bón phân và tưới nước.
Chồng tôi không giàu để cho tôi du lịch khắp nơi hay thỉnh thoảng lại xách về nhà một lô quần áo hàng hiệu, và tôi cũng không muốn tiêu tiền như vậy khi chồng đi làm từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối về đến nhà mệt mờ mắt.
Nếu mình cũng chi tiêu chắt bóp thì sẽ dư ra một ít làm vốn riêng, nếu vung tay quá trán thì tài khoản chỉ còn là zero, thế nên mình cũng phải tự điều chỉnh bản thân, đừng có vớ cái gì thích cũng mua. Do điều chỉnh kinh tế nên chúng tôi cũng có được một căn nhà riêng nhỏ nhắn, có thể nói là công sức của cả hai vợ chồng.
Về công việc, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là kẻ ăn bám chồng mà cũng chẳng bao giờ đòi anh phải trả công cho tôi. Chồng đi làm ban ngày 8 tiếng còn tôi cũng đi làm thậm chí 12 hoặc có ngày 24 tiếng. Chồng mang tiền về nuôi cả nhà thì tôi phải chăm sóc gia đình nhà cửa, nấu nướng dọn dẹp, điều đó các ông chồng tây đều hiểu nên họ rất yêu thương vợ không chỉ vì thương hại mà còn cả tôn trọng.
Thứ ba đó là mối quan hệ gia đình và xã hội, đàn ông tây lấy vợ nghĩa là chỉ vợ mà thôi, bố mẹ vợ không phải bố mẹ mình nên đừng mong bố mẹ mình sẽ có một ông con rể tốt như con rể người Việt Nam. Ở Việt Nam, bố mẹ già có con cái lo, ở Đức bố mẹ già có bảo hiểm nhà nước lo. Mình là người Việt Nam nên được học cách trên kính dưới nhường, hiếu thảo với bố mẹ nhưng ở đây thì việc con cái đến thăm bố mẹ một tháng một lần cũng khiến cho các cụ mừng lắm rồi.
Người Đức quan hệ xã hội cực khép kín, đồng nghiệp là đồng nghiệp, không phải bạn. Thời gian đầu tôi như phát cuồng lên vì cô đơn nhưng bây giờ lại thấy quen với cái không gian yên tĩnh này.
Nói tóm lại, đã là con người không phải ai cũng hoàn hảo, cho dù chồng tây hay chồng Việt, cùng văn hoá hay khác văn hoá, khi đã sống với nhau thì phải biết chấp nhận những thói xấu của nhau, biết điều chỉnh mình để cũng hoà hợp mới có thể tạo nên một gia đình hạnh phúc.
Theo Phan Hà Anh
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000