Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tham gia sự kiện có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm CIM và GIZ của Đức, Đại học Humboldt, đại diện các tập đoàn quốc tế của Đức và Việt Nam như Siemens, WMP Eurocom AG, SAP, Bosch, Deutsches Haus, Bankhaus August Lenz & Co. AG, FPT Germany cũng như Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global).
Ngoài ra, sự kiện cũng thu hút đông đảo các chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp, sinh viên, giới trẻ Việt và gốc Việt.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, Đức luôn là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam là một trong ba đối tác kinh tế lớn nhất của Đức trong các nước ASEAN.
Giữa hai nước có tài sản vô giá cho việc phát triển quan hệ là khoảng 100.000 người Việt Nam đã từng học tập, lao động tại Đức, biết tiếng Đức và cộng đồng khoảng 170.000 người Việt Nam đang hội nhập thành công tại Đức.
Đây chính là tiền đề và cũng là nhân tố thiết yếu thúc đẩy hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển sâu rộng, thiết thực hơn, nhất là trong các lĩnh vực cùng lợi ích và có tính bổ sung cho nhau.
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội một cách nhanh và bền vững, nhất là trong bối cảnh số hoá và Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ và trở thành cơ hội lớn đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Đại sứ bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nhân tiêu biểu cho thế hệ tài năng, trí thức người Việt đang học tập, làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức cùng với sự có mặt của đại diện các tập đoàn, công ty lớn của Đức và Việt Nam tại sự kiện ra mắt Mạng lưới VGI.
Bên cạnh đó, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ cam kết Đại sứ quán luôn ủng hộ sáng kiến thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt-Đức với kỳ vọng đây là diễn đàn thu hút và kết nối các tri thức khoa học, chuyên gia công nghệ người Việt tại Đức cũng như những cá nhân, tập đoàn, công ty của Đức nhiệt tình, chung tay đóng góp trí tuệ cho sự phát triển đột phá và thịnh vượng của cả Việt Nam và Đức thông qua đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)
Thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ tưởng Phạm Công Tạc đánh giá đây là một trong những hoạt động ý nghĩa và thiết thực, góp phần triển khai Hiệp định Hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Đức, kể từ khóa họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 6 giữa Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam hồi tháng 4/2019 tại Berlin.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn sẵn sàng ủng hộ hoạt động của Mạng lưới VGI.
Thông qua mạng lưới này sẽ có thêm nhiều dự án nghiên cứu chung được thực hiện góp phần phát triển hợp tác song phương về đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Đức, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được ký kết.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bày tỏ hy vọng, cộng đồng các nhà khoa học hai nước sẽ tích cực năng động góp phần xây chiếc cầu hợp tác khoa học bền vững kết nối Đức và Việt Nam.
Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ cùng với Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức tiếp tục quan tâm ủng hộ và tài trợ kinh phí nhiều chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của cộng đồng các nhà khoa học và doanh nghiệp hai nước, đã và đang thu được những kết quả đáng khích lệ.
Về ý nghĩa của sự kiện, ông Trần Đông-Tham tán Khoa học và Công nghệ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cho biết Mạng lưới VGI được ra mắt đúng thời điểm có nhiều ý nghĩa lịch sử và phù hợp với các tiến trình quốc tế.
Ông Michael Behrens, Giám đốc điều hành WMP Eurocom AG đánh giá về những tiềm năng mang lại từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)
Thời gian tới, Đức sẽ kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất và cũng là dấu mốc 30 năm nhân loại chứng kiến sự ra đời của giao thức mạng liên kết toàn cầu WWW và công nghệ định vị toàn cầu GPS, hai công nghệ nền tảng trong công nghiệp 4.0 ngày nay.
Đặc biệt, Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững.
Tham tán Trần Đông nhấn mạnh, lễ ra mắt Mạng lưới VGI lần này được chuẩn bị rất chu đáo, thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng trí thức, chuyên gia người Việt tại Đức với hầu hết đại diện các bang và ngành lĩnh vực khoa học kỹ thuật luôn hướng về quê hương đất nước.
Với định hướng đúng đắn của Đại sứ quán cùng những nỗ lực của Ban trù bị thành lập Mạng lưới VGI, mạng lưới được kỳ vọng sẽ ngày càng mở rộng và phát triển chiều sâu chuyên môn, góp phần phát triển hợp tác đổi mới sáng tại giữa Đức và Việt Nam.
Đức là một trong những quốc gia đứng đầu về khoa học và công nghệ trên toàn thế giới, có một nền kinh tế vững mạnh và chế độ phúc lợi xã hội tốt nhất châu Âu.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại Đức là một trong những cộng đồng châu Á lớn mạnh nhất tại quốc gia này, có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội như các thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu, các dự án chuyển giao công nghệ chất lượng cao, hợp tác thương mại song phương ngày càng phát triển và phát triển bền vững.
Nhiều doanh nhân và các nhà trí thức, khoa học đã và đang làm việc trong các tổ chức của Đức rất muốn đóng góp trí tuệ và nhân lực, hướng về xây dựng quê hương Việt Nam.
Đây là một động lực to lớn mang đến ý tưởng xây dựng Mạng lưới VGI.
Mục đích chính của Mạng lưới VGI là thu hút và tập hợp được nhiều chuyên gia, nhà trí thức, khoa học và công nghệ từ mọi lĩnh vực, các doanh nhân thành đạt và nghiên cứu sinh, sinh viên người Việt, gốc Việt trên toàn nước Đức dựa trên tinh thần rộng mở và nguyên tắc tự nguyện, có tinh thần nhiệt huyết và mong muốn tham gia vào công cuộc đổi mới sáng tạo./.
Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000