Mẹ Việt nơm nớp sợ bị cảnh sát bắt vì nuôi con kiểu Việt ở trời Đức
Trong một cuộc thăm dò ý kiến của tạp chí U.S. News and World Report, CHLB Đức được nhận định là đất nước tuyệt vời nhất thế giới. Bao gồm về giáo dục, kinh tế, chất lượng cuộc sống và sự chăm sóc công dân… Trong đó, ở Đức trẻ em được bảo vệ cũng như có quyền vô cùng mạnh.
Đã sinh sống và làm việc tại Đức tính đến nay cũng hơn 30 năm nhưng chị My Nga (47 tuổi, ở bang Brandenburg) vẫn chưa khi nào thôi bất ngờ. Với một người Việt, từng quen với lối suy nghĩ “trẻ con biết gì”, khi sang Đức, việc nuôi dạy con của chị My Nga hoàn toàn phải thay đổi.
Chị My Nga sang Đức từ năm 17 tuổi, hiện đang sống cùng chồng và hai con trai tại bang Brandenburg. (Ảnh: NVCC)
Bố mẹ không được đánh đập, mắng chửi và bắt con làm việc nặng
Trong một bài viết gần đây của một mẹ Việt ở Đức, rằng nếu mẹ nuôi con không tốt, không được như ý con hay đánh đập con thì sẽ bị tước quyền nuôi con, và đúng như thế. Chị My Nga cho biết: “Bố mẹ ở Đức không được đánh đập hay tự xử lý con cái vì bất kỳ lý do gì. Cho dù việc đánh con trong trường hợp đó có thể là hợp lý nếu xét về cái tình. Hay thậm chí chỉ đơn giản là mắng chửi. Nếu con trình báo với chính quyền thì họ sẽ điều tra, nói chuyện trực tiếp về vấn đề đó thì bố mẹ sẽ gặp phải rắc rối lớn”.
Hoặc một trường hợp khác, có thể sau khi bị đánh, bị mắng chửi con không trình báo bố mẹ nhưng khi đi học, thầy cô giáo phát hiện trên cơ thể con có những vết bầm tím thì ngay lập tức, nhà trường sẽ báo cảnh sát và Sở thanh thiếu niên để điều tra ngay. Và không chỉ có bố mẹ mà cả cảnh sát cũng không được tự ý xử lý, đánh đập khi trẻ mắc lỗi, gây chuyện.
Chưa hết, ngoài vấn đề bạo hành, bố mẹ cũng hoàn toàn không được phép bắt con làm việc nặng như mang vác đồ, chặt củi hay bắt con phải đi kiếm tiền. Theo chị My Nga: “Nếu bố mẹ bắt con làm việc nặng cũng là vi phạm pháp luật. Dĩ nhiên là ngoài những việc nhỏ trong nhà như quét nhà, rửa bát, gấp quần áo,… thì theo luật con vẫn phải có nghĩa vụ thực hiện, không cần chờ mẹ nhắc mà tự giác. Nhưng bố mẹ phải chắc chắn là tất cả chỉ dừng ở mức con vẫn có thời gian để học, chơi và dành cho những sở thích cá nhân.”
Quyền năng mạnh mẽ của trẻ con Đức có thể khiến cha mẹ vào tù
Trẻ em ở Đức được nhận tiền trợ cấp đến năm 23 tuổi nếu vẫn còn đi học. Nếu sau đó muốn học đại học mà gia đình nghèo, không có tiền thì có thể vay, sau khi tốt nghiệp, đi làm thì chỉ cần trả lại một nửa. Hay nếu con đi học nghề vẫn sẽ được trả lương đầy đủ. Với những bố mẹ lương thấp không đủ sống có thể nộp đơn xin trợ cấp. Mẹ có con mà không đi làm cũng sẽ được trả tiền thuê nhà, trợ cấp sống. Vì thế, theo chị My Nga, ở Đức không ai có nỗi lo bị đói.
Trẻ em Đức nắm rất rõ về quyền của mình. (Ảnh: internet)
Khi đi học, trẻ em Đức được dạy về quyền trẻ em trong những giờ học về nhân cách, chúng nắm khá rõ về những quyền lợi của mình. Trong đó, một số quyền cơ bản như quyền được đối xử bình đẳng, không phân biệt về nguồn gốc, giới tính hay đạo giáo; quyền riêng tư và sống không có vũ lực; quyền được quan tâm chăm sóc và đến trường.
Thế nên như chị My Nga cũng kể: “Có trường hợp, đứa trẻ chỉ mới 10 tuổi, nó làm việc gì sai, hoặc không làm đúng ý mẹ mà bị mẹ mắng sẽ cãi lại ngay là “Trẻ con không phải lao động”.
Song vẫn có những đứa trẻ biết quyền nhưng vẫn rất quan tâm và nhường mẹ. Về điều này, theo chị Nga đó là một phần nhờ quá trình vun vén tình cảm giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Nếu con cảm nhận được tình cảm của mẹ và những lời trách phạt đó là hợp tình hợp lý thì chúng sẽ nghe theo. Và cũng rất may mắn, hai con trai của chị My Nga – Dani và Micha đều yêu mẹ và rất biết nghe lời.
Với gia đình mình, chị My Nga tâm sự: “Có lần con trai thứ 2 của mình là Micha đi chơi với nhóm bạn gồm 3 người, trong đó có 1 người lấy cắp nước hoa nên bị bắt. Sau đó công an gọi mẹ đến đưa về. Lúc về nhà mình có đẩy con ngã vào giá để giày. Hiện tại, con trai mình đang học Đại học Cảnh sát và có lần nói với mẹ: Mẹ ít đánh nhưng lần nào đánh cũng xứng đáng”.
Dù hai con đã lớn, song tình cảm với mẹ vẫn vô cùng thân thiết. (Ảnh: NVCC)
Tình yêu là cách “trị” những đứa con hư
Bởi vì ở CHLB Đức quyền trẻ em mạnh, trẻ cũng nắm và ý thức về những gì mình có nên không ít trường hợp bố mẹ phải bất lực trước con cái.
Tuy nhiên không phải là không có cách giải quyết. Nếu như con có thể báo chính quyền bắt mẹ vì đã mắng và đánh thì mẹ cũng có thể giao con cho chính quyền, cho sở thanh niên nếu trong trường hợp con quá hư hỏng và ngang bướng.
Chị My Nga chia sẻ:
“Ở Đức không giống Việt Nam, nếu như ở Việt Nam bố mẹ và con cái phụ thuộc, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhau quá nhiều thì ở Đức lại có sự độc lập thấy rõ. Nếu không có bố mẹ, con vẫn được chăm sóc và nhận tiền trợ cấp. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là tình cảm gia đình không quan trọng.”
Đứng ở khía cạnh là một người phụ nữ Việt, từng chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Việt Nam, việc bố mẹ có quyền mắng chửi hay đánh đập con cái là điều đương nhiên thì sau khi sống và làm việc nhiều năm ở Đức, chị My Nga chiêm nghiệm: “Đúng là quyền trẻ em ở Đức rất mạnh, trẻ được chính quyền bảo vệ kỹ càng.
Song không vì thế mà bố mẹ Đức cảm thấy bị áp lực. Ngược lại còn thoải mái nữa. Nên nếu mình sống có trách nhiệm và yêu thương con đúng mực thì con cũng sẽ ngoan ngoãn và yêu thương bố mẹ.”
Theo Minh Hạ (Khám Phá)
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000