Mẹ Việt ở Đức: ‘Dumm gut’ tạm dịch ‘Tốt bụng một cách ngu ngốc’

Tilo nhà tôi là con lớn nên từ bé đã hay phải giúp bố mẹ trong mọi việc, không bao giờ cãi, không bao giờ nói cái này con không thể, hay việc đó không phù hợp với dự định của con.

Cho đến khi chúng tôi ra ở riêng vẫn vậy.

Bố chồng tôi tính cả nể nên hay bị lợi dụng. Người Đức có một vế miêu tả trạng thái này: ” dumm gut”, có nghĩa là tốt bụng một cách ngu ngốc.

Nhà có hai cái xe Bus 8 và 9 chỗ, ở Việt nam đó là loại 16 chỗ, nên nguời ta hay nhờ vận chuyển cái này cái kia, đưa đi đón về và thuờng là không trả hoặc trả rất ít tiền, nhiều khi không đủ một phần tiền xăng, chưa kể thời gian đưa đi đón về và thời gian chờ đợi.

Cuối tuần nhiều người đi chơi, ăn tiệc hoặc tụ họp nhưng không lái xe đuợc vì thuờng họ sẽ uống rất nhiều rượu bia. Thuê Taxi thì đắt, nhờ không phải ai cũng có thời gian, gia đình ai đi cũng muốn uống chứ không lại thấy mình thiệt thòi..vậy là họ nhờ bố Tilo.

Ai nhờ ông cũng nhận. Nếu không có thời gian ông bắt Tilo phải làm.

Thuờng là chiều tối chở đến nơi và khi họ gọi, dù đó là 1,2,3,4, 5 giờ sáng là lại lóc cóc đi đón, hôm ít thì 5-7 km, hôm nhiều thì 20-30 km, có khi còn đưa đón ra sân bay cách nhà 80 ( Dresden) hay 180 km ( Berlin).

Tilo hồi đó còn lái xe nên thưòng phải dậy sớm, chỉ mong đến cuối tuần để đưọc ngủ thêm một chút. Hắn bực vì cứ phải làm theo ý bố nhưng không dám cãi. Tôi thì bảo chồng, không muốn thì phải nói, không thì ông cứ tuởng chồng thích thế.

Có hôm Tilo làm đêm về, nhà thằng em lợp mái bố chồng tôi cũng bắt Tilo sang ngay mặc dù đủ người, Dani cũng đã ở bên đó. Ngày chúng tôi xây nhà em Tilo cũng không hề giúp chúng tôi một ngày nào và ai cũng coi đó là nghiễm nhiên.

Nếu Tilo không phải đi làm sang giúp em thì ok, hắn cũng đã giúp nhiều việc khác nhưng cả đêm không ngủ còn leo lên mái, tôi không đồng ý nhưng Tilo vẫn đi dù mệt. Tôi tức lắm, mà không phải chỉ có một lần.

Một lần khác Tilo cũng làm đêm về, vừa ngồi vào bàn chưa kịp ăn sáng thì bố Tilo lái cái xe tải nhiều công dụng về, để xe nổ máy truớc cửa, chạy vào quát om lên, tại sao đã 7 giờ rồi mà chồng tôi vẫn còn ngồi đây chứ không ở đó ở kia, chỗ ông đã nhận lời giúp.

Tilo phân trần nhưng bố chồng tôi không nghe, Tilo bỏ cái bánh mì xuống đĩa, đứng dậy.

1 1 Me Viet O Duc Dumm Gut Tam Dich Tot Bung Mot Cach Ngu Ngoc

Chồng và các con chị My Nga Kießling

Nhận thấy mắt chồng loang loáng nuớc, tôi thấy nhói trong tim.

Hai bố con lên xe phóng đi. Tôi quay vào, lấy điện thoại gọi cho mẹ chồng.

Tôi kể lại chuyện vừa xảy ra, tôi bảo mẹ nên nói chuyện với bố, vì còn một lần như thế nữa, Tilo có sang thì sang nhưng con sẽ không bao giờ sang nhà, không cần quan hệ gì nữa. Nếu bố không thuơng con bố đó là việc của bố nhưng tôi thuơng chồng tôi.

Chúng tôi ra ở riêng, có cuộc sống của mình. Nếu bố mẹ cần giúp đỡ cũng phải hỏi xem, liệu chúng tôi có thời gian không, có chương trình gì không. Chúng tôi là con nhưng không phải là nô lệ, càng không phải nô lệ cho bất cứ người quen hay nguời bạn nào của ông bà.

Tôi bảo: Nếu chồng con làm đêm, không đuợc ngủ, có leo lên mái ngã xuống chết, bố mẹ khóc đuợc bao lâu?

Bố mẹ còn hai đứa con mà bố mẹ thuơng hơn thằng con cả. Chồng con chết đi bố mẹ cũng không khổ vì không ảnh huởng trực tiếp đến bố mẹ, còn con với các cháu ai lo? Bố mẹ có đứng ra nuôi nấng, thuơng yêu chúng con như Tilo thuơng yêu bọn con không? Tại sao bố không bao giờ to tiếng với thằng em mà luôn mắng mỏ chồng con, mặc dù chổng con luôn làm những cái bố muốn mà không bao giờ cãi?

Mẹ chồng bảo tôi bình tĩnh, bà sẽ về nói chuyện với ông. Tôi đồng ý nhưng lúc ấy tôi đã tính tới khả năng xấu nhất, bởi tôi có thể chịu đựng rất lâu, nhưng đến khi tôi đã bùng lên thì bất cứ giá nào tôi cũng trả.

Sau hôm đó tôi còn cãi nhau với bố chồng tôi một lần nữa bên nhà ông bà. Ông quát ầm lên, tôi bảo, bố không cần phải gào lên thế, con không bị điếc.

Tôi nói về nỗi đau khi ông bênh con gái mà bảo con tôi không phải mèo không chết đuợc ngay đâu, bố chồng tôi cãi nhưng mẹ chồng tôi vẫn nhớ chuyện đó. Ông nhảy tanh tách, bà bảo ông ngồi xuống, im đi.

Lần đó tôi nói nhiều, tôi nói hết, cả về nỗi ấm ức khi ông bà luôn đối xử thiên vị thằng em hơn chúng tôi. Về những bất công tôi đã chịu. Về những ngày xây nhà không có tiền vẫn phải mua hàng két bia cho ông và bạn ông trong khi xây nhà bên thằng em đến cốc Cafe con vợ nó cũng không pha cho, phải tự mang từ nhà đi mà uống. Hay sau khi làm việc, cuối tuần cả nhà nó sang mẹ chồng tôi nấu cho ăn mà nó vẫn khinh khỉnh.

Hôm đó tôi nấu phở là món ông bà cũng rất thích ăn. Sau khi cãi nhau về, tối tôi vẫn gọi điện mời bố mẹ chồng sang ăn. Nếu là nguời Việt nam chắc họ sẽ dỗi không sang, nhưng ông bà không thế. Vào cửa, ông ôm tôi hỏi, thế mày không giận bố à mà còn mời bố sang ăn ?

– Con không giận bố, nhưng con phải nói ra tất cả để mọi cái trở nên tốt đẹp hơn. Nhiều khi bố không công bằng với chồng con, con chỉ muốn bố biết điều ấy.

Từ đó đến nay mọi cái đã đổi khác. Chồng tôi cuối tuần không còn phải căn giờ chờ đến sáng để đi đón người ta. Bố chồng cần gì cũng hỏi truớc và không còn quát tháo chồng tôi một cách vô lý nữa.

Tôi nhận ra một điều, nếu mình không tự bảo vệ mình, sẽ không ai đứng ra làm điều đó cả.

Nhuờng nhịn quá mức không phải là tốt, mà là dại.

Những người hay lợi dụng sẽ lợi dụng mãi, nếu ta không biết ngăn điều đó lại.

Bất cứ vấn đề gì cũng có thể đuợc giải quyết, nếu ta không sợ đưa điều đó ra tranh luận, vì không phải ai cũng nhìn nhận một tình huống giống mình.

 

My Nga Kießling


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000