Giáo dục không chỉ dừng lại ở việc dạy dỗ và chỉ bảo. Trên hết, đó là quá trình lắng nghe và thấu hiểu, để lòng tin được xây dựng một cách bền vững giữa cha mẹ và con cái.
Từng là một giáo viên dạy Văn có tiếng ở Hà Nội, nhà văn Lê Minh Hà sang Đức định cư cùng chồng từ những năm 90. Bên cạnh việc trở thành bà nội trợ “toàn thời gian”, cô viết văn để kể lại những câu chuyện cũ về Hà Nội. Làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ. Thế nhưng, nuôi con ở một quốc gia phương Tây phát triển, coi trọng sự tự chủ, mang đến cho bà mẹ Việt tuổi tứ tuần không ít bỡ ngỡ.
Sau Chơi nhiều hết mệt, Chuyện mẹ, chuyện con là cuốn sách tiếp theo nhà văn Lê Minh Hà tâm sự và chia sẻ về “nghề” làm mẹ. Cái nghề cao quý nhưng cũng lắm nỗi ưu tư. Sau những lo lắng thường nhật của một bà mẹ, cô chợt nhận ra rằng: Đến một lúc nào đó, con cái sẽ trưởng thành. Khi ấy, việc của cha mẹ là buông tay, để chúng đi tìm chân trời của riêng mình.
Con hơi ngốc một chút cũng không sao!
Nhân vật chính của Chuyện mẹ, chuyện con chính là cậu bé Đan Nam, tên thân mật là Cục Mỡ, con trai út của nhà văn Lê Minh Hà. Cục Mỡ là một cậu bé lí lắc và thích trò chuyện. Gần 300 trang sách, là những câu chuyện nhỏ nhặt hàng ngày của mấy mẹ con Cục Mỡ: Chuyện ở nhà, chuyện ở trường, chuyện linh tinh ngoài phố.
Đôi khi, có cả những câu chuyện mang tầm “vĩ mô” như: Chính trị, tôn giáo, kinh tế, văn hóa… được trình bày qua lăng kính hài hước của một đứa trẻ tiểu học khiến người lớn phải bật cười. Đồng hành và làm bạn với con trong quá trình trưởng thành, “mẹ Hà” chợt nhận ra: Có nhiều điều người lớn phải học hỏi từ con trẻ.
Cục Mỡ có thể dùng IPad, nhưng phải sử dụng trong khung giờ mà bố mẹ quy định. Ảnh: FBNV.
Tác giả luôn để cho các con tự do nói lên quan điểm và suy nghĩ của mình. Nếu thấy có điều gì đó chưa ổn, cần phải can thiệp, thì cha mẹ mới từ từ giải thích cho con hiểu. Không nên áp đặt con cái, một đứa trẻ bị gò ép, dần dần sẽ tự tin hoặc nảy sinh tính phản kháng một cách thái quá. Mẹ Hà và các con trò chuyện một cách rất tự nhiên như những người bạn của nhau.
Là một người mẹ, nhà văn Lê Minh Hà chưa bao giờ biến điểm số thành áp lực với các con. Nhưng xem ra Cục Mỡ là một cậu bé cầu toàn. Đôi khi, anh chàng cảm thấy buồn vì bị điểm kém. Khi ấy, mẹ Hà sẽ ở bên, động viên cậu con trai út, để niềm vui trở lại trên gương mặt phúng phính, đáng yêu. Trẻ nhỏ dành nhiều thời gian ở trường, vì vậy trường học phải mang lại niềm vui cho chúng. Đó cũng chính là triết lý giáo dục cởi mở của các nước phát triển.
Không thông minh, tài giỏi cũng không sao, nhưng chắc chắn chúng ta phải trở thành người tốt. Bởi vậy, nhà văn Lê Minh Hà đã rất vui khi Cục Mỡ biết giúp đỡ Fahet, người bạn cùng lớp bị mắc chứng tự kỷ.
Ngay cả khi mẹ Hà nói rằng: Sang năm Đan Nam lên lớp 3, Fahet vẫn học lớp 2, con không cần giúp đỡ bạn nữa. Cậu út vẫn vui vẻ và nói rằng: Dù không học cùng lớp, nhưng con vẫn sẽ giúp đỡ bạn, vì con muốn làm vậy.
Làm việc tốt không chỉ vì trách nhiệm hay lời khen, những hành động đẹp ấy còn khiến chúng ta hạnh phúc. Một đứa bé tám tuổi đôi khi cũng cảm thấy mệt mỏi vì cậu bạn hơi “đặc biệt”, dù hay than thở với mẹ, nhưng Đan Nam vẫn cảm nhận được niềm vui khi làm bạn với Fahet. Cậu bé biết cảm thông cho những điều chưa hoàn hảo của bạn, và nhận ra Fahet đang nỗ lực từng ngày. Đó chính là bài học đáng quý từ con trẻ khiến cha mẹ ngạc nhiên.
Lớn rồi, hãy để con xa mẹ
Ngoài Cục Mỡ, trong Chuyện mẹ, chuyện con còn có một nhân vật rất đáng chú ý. Đó là Cục Xương, anh trai của Cục Mỡ, tên thật là Lê Nam. Nếu Đan Nam là cậu nhóc tiểu học vẫn còn thích “bám mẹ” thì Lê Nam đã là chàng trai 17 tuổi luôn muốn tự lập. Như bao bà mẹ khác, trong lòng nhà văn Lê Minh Hà lúc nào cũng ngổn ngang trăm mối tơ vò với những lo lắng cho con.
Mẹ Hà sợ Cục Xương quên, nên cẩn thận nhắc con lịch học, lịch thi, lịch đi khám bác sĩ. Mỗi lần nghe thấy mẹ nhắc nhở, Cục Xương đều đáp: “Con biết rồi” hay “Mẹ kệ con”. Đôi khi anh chàng tỏ ra bực dọc trước sự quan tâm của mẹ. Đến một ngày, mẹ Hà ngạc nhiên khi không cần nhắc mà cậu con trai vẫn lo liệu tốt cho cuộc sống của mình.
Khi ấy, cô nhận ra con mình đã lớn. Đến lúc cho anh chàng sống với khoảng trời riêng cùng những quyết định động lập của bản thân. Chỉ cần con có trách nhiệm với quyết định của mình và không hối hận, thế là đủ. Đối với Cục Xương, hay Cục Mỡ, mẹ Hà đều không áp đặt hay quản thúc các con, nhưng giữa cha mẹ và con cái luôn cần những quy tắc bắt buộc.
Sách Chuyện mẹ, chuyện con của nhà văn Lê Minh Hà. Ảnh: NXB Kim Đồng.
Trong gia đình, con cái cũng có thể giữ bí mật và không chia sẻ những chuyện riêng tư với bố mẹ. Nhưng một khi đã quyết định nói ra, thì những lời nói đó phải là sự thật. Trong Chuyện mẹ, chuyện con độc giả sẽ được thấy cách mà một bà mẹ Đức dạy con, chứ không phải cách một người mẹ Việt nuôi con trên đất Đức.
Qua từng trang nhật ký, với những câu chuyện vụn vặt thường ngày, tác giả muốn tái hiện lại một ngày bình thường của một đứa trẻ ở Đức. Từ đó, chúng ta có thể thấy được những khác biệt trong giáo dục ở phương Tây và phương Đông.
Người Đức quan niệm: Một nền giáo dục “khỏe mạnh” cần tạo ra những con người bình thường. Để sống và sinh hoạt một cách bình thường, thì ít nhất người đó phải biết cách tự sắp xếp cuộc sống của mình, và dám đương đầu với những vấn đề cá nhân. Ở đâu, cha mẹ cũng thương yêu và lo lắng cho con cái. Nhưng ở Đức, các bậc phụ huynh học được cách buông tay, để con cái tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của chúng.
Nguồn: news.zing
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000