Video art về bộ đội của anh em nghệ sĩ Thanh – Hải (Huế)
Lần đầu tiên khán giả châu Âu có cơ hội tiếp cận trong cùng một không gian các tác phẩm nghệ thuật đương đại của nghệ sĩ Việt trong nước, Việt kiều và nghệ sĩ Đức thuộc hai thế hệ.
Nghệ sĩ, giám tuyển Veronika Radulovic bên tác phẩm “Souvenir” của bà
Việt Nam, đâu chỉ có mỗi chiến tranh
Bộ ba bức ảnh (thuộc serie “Việt Nam điểm đến của thiên niên kỷ”) của nghệ sĩ Đinh Q Lê với dòng chữ khá khiêu khích chạy trên mỗi bức ảnh gần như là điểm nhấn gây chú ý của phòng triển lãm. Các bức ảnh có tên: “So sorry”; “Come back to Sai Gon”; “Come back to My Lai”. Hình ảnh mang tính mời chào du khách Mỹ (từng đến VN trước kia) trở lại khám phá đất nước con người nơi đây. Trong một bức ảnh có ba nữ sinh áo dài trắng với nét mặt thư thả và dòng chữ tiếng Anh tạm dịch là “Rất xin lỗi để nghe điều này, các bạn vẫn chưa thoát khỏi chúng tôi đâu. Hãy trở lại Việt Nam để có hồi kết”. Theo giám tuyển Đỗ Tường Linh, nghệ sĩ Việt kiều Đinh Q Lê từ Mỹ lần đầu trở về Sài Gòn đầu những năm 1990. Khách du lịch Mỹ lúc đó chỉ tò mò đến Sài Gòn, Mỹ Lai, Củ Chi… để nhìn “chiến trường xưa” và ấn tượng ghi dấu về mảnh đất này chỉ dừng ở đó. Tác giả muốn người Mỹ và khách Tây trở lại đây để cập nhật một Việt Nam rất khác với thông tin quảng bá du lịch xưa cũ.
Cũng từ tác phẩm này mà nhóm giám tuyển đã nảy ra tên “Không chiến tranh, không Việt Nam”. Từ trước đến nay, với người châu Âu, hễ nói đến Việt Nam là nói đến chiến tranh, hai khái niệm này mặc định gắn với nhau cứ như thể “không có chiến tranh thì không có Việt Nam”. Tên triển lãm chất chứa mong muốn khách quốc tế bỏ bớt mặc định đó đi và thưởng lãm cách nhìn mọi chuyện của dân nghệ thuật đương đại.
Nguồn: Tiền Phong
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000