Người Việt trên thế giới tất bật đón năm mới

Năm mới là khoảng thời gian sum họp cùng gia đình nhưng với nhiều người Việt xa quê, đây cũng là khi công việc bận rộn nhất.

Bén duyên cùng ông xã người Đức và ra nước ngoài định cư 4 năm nay, chị Lê Minh Thuật, ở thành phố Stuttgart, Đức, đã hoàn toàn hòa nhập với cuộc sống ở châu Âu. 

Người Việt trên thế giới tất bật đón năm mới - 0

Chị Lê Minh Thuật (ngoài cùng bên phải) và các thành viên trong gia đình chồng. Ảnh: NVCC

"Chỉ vào Tết âm lịch mới có cảm giác nhớ nhà đến khắc khoải", còn Tết dương lịch với chị đúng nghĩa cái Tết của người bản địa. Chị cùng chồng và các con với mua cây thông về trang trí, làm món gà tây nhồi bánh mì, táo, nho khô và nướng trong lò, sau đó thưởng thức cùng rượu vang đỏ.

Chị cũng có cơ hội sum vầy và gắn bó hơn với nhà chồng vào dịp này. Vào đêm giao thừa, gia đình em chồng chị thường tổ chức tiệc nướng. Trước khi đến chung vui, chị không quên chuẩn bị sẵn các món tủ là món chả giò để mang đến mời mọi người thưởng thức.

Em chồng chị sở hữu một xưởng cơ khí tư nhân, chính vì thế kinh tế Đức luôn là đề tài những thành viên trong gia đình quan tâm và bàn luận sôi nổi trong bữa tiệc cuối năm. Năm nay, nền kinh tế hàng đầu châu Âu tăng trưởng mạnh mẽ, giá cả hàng hóa và tiền lương người lao động cũng tăng lên đáng kể, dù không có dấu hiệu phát triển quá nóng. Những tín hiệu tích cực này khiến các thành viên trong gia đình phấn khởi và hy vọng về một năm mới thuận lợi. 

Cuộc vui rôm rả theo những ly rượu vang. Trẻ nhỏ được uống loại đồ uống riêng có tên là Kindergluhwein, rượu vang nóng không cồn. Như mọi năm, giao thừa này gia đình chị sẽ cùng nhau lên quả đồi gần nhà, ngắm nhìn thành phố tràn ngập trong thứ âm thanh đặc biệt và thiêng liêng mỗi năm có một lần của pháo hoa. Họ cũng có những loại pháo chuẩn bị sẵn để hòa cùng không khí năm mới. 

Với chị Hải Ninh, ở bang Missouri, Mỹ, Giáng sinh và năm mới cũng là khoảng thời gian dành cho gia đình. Ở cách nhà bố mẹ chồng người Mỹ 5 tiếng lái xe nhưng công việc bận rộn quanh năm nên chỉ vào Noel, vợ chồng chị mới sắp xếp được thời gian về thăm gia đình.

Người Việt trên thế giới tất bật đón năm mới - 1

Chị Hải Ninh sum họp cùng bố mẹ và anh em chồng ngày Giáng sinh. Ảnh: NVCC

Trong thời tiết giá rét cuối năm chỉ -20 độ C, chị và ông xã chọn đón năm mới ở nhà thay vì tham gia các hoạt động bên ngoài. Chồng chị là người đảm trách chính các món ăn cho bữa tiệc giao thừa. 

Tuy nhiên, không phải người Việt nào ở nước ngoài cũng có điều kiện đón năm mới trong không khí ấm cúng như thế.

Anh Minh Đức, ở New York, Mỹ, làm việc đến hết ngày cuối cùng của năm. Thành phố sôi động bậc nhất nước Mỹ gần đây xảy ra nhiều vụ tấn công khủng bố nhưng gác lại những lo lắng, mọi người vẫn tập trung vào công việc và hồ hởi đón năm mới sắp đến.

New York nổi tiếng với lễ hội đếm ngược và thả quả cầu pha lê ở Quảng trường Thời đại nhưng anh Đức chọn cách đón năm mới đơn giản. 

"Đêm Giáng sinh, tôi gặp mặt người thân và bạn bè, ăn uống và tặng quà cho nhau. Còn đêm giao thừa, tôi chỉ dự định ở nhà, theo dõi chương trình đếm ngược qua TV", nhiếp ảnh gia trẻ tuổi kể. "Tôi rất nhớ nhà và muốn về Việt Nam thăm gia đình nhưng công việc bận rộn quá, có lẽ kế hoạch này để dành đến cuối năm sau". 

Đại Việt, sinh viên kiến trúc tại Moscow, Nga, lại đang mải miết theo kỳ thi cuối kỳ. Giữa mùa thi căng thẳng, những sinh viên như Việt không có nhiều thời gian để nghĩ về những buổi tiệc năm mới. 

Người Việt trên thế giới tất bật đón năm mới - 2

Đại Việt đón năm mới cùng những kỳ thi ở trường. Ảnh: NVCC

"Đêm giao thừa, nếu có thời gian, mình sẽ rủ bạn bè đến Quảng trường Đỏ xem pháo hoa và ca nhạc", Việt nói.

Việt và bạn bè sẽ chờ đến kỳ nghỉ đông vào tháng sau, cũng là dịp Tết âm lịch ở Việt Nam, để tụ họp với nhau, làm các món ăn truyền thống, chia sẻ nỗi nhớ nhà.

Càng về cuối năm, anh Hoàng Thắng, ở thành phố Brisbane, Australia, càng tất bật với công việc của chuỗi nhà hàng đồ cuốn Việt Nam.

"Tôi chẳng khi nào có thời gian đón Tết. Ngày cuối năm và đầu năm mới tôi vẫn đi làm đều, nhất là khi một số nhân viên đã xin nghỉ phép để về Việt Nam để thì công việc ở cửa hàng càng bận rộn", anh Thắng cho hay. 

Ngoài ngày nghỉ lễ chính thức là 1/1, nhiều người kết hợp ngày nghỉ phép để đi du lịch, mua sắm, ăn uống, nên những ngày này, lượng khách đổ đến nhà hàng nơi anh Thắng làm việc rất đông. 

Người Việt trên thế giới tất bật đón năm mới - 3

Cảnh tấp nập ở nhà hàng Việt mà anh Hoàng Thắng làm việc. Ảnh: NVCC

Nếu được nghỉ, anh Thắng sẽ dành thời gian để dưỡng sức, lên mạng hoặc đi thăm thú quanh thành phố. "Năm mới tôi mong mình có nhiều sức khỏe để hoàn thành công việc và có thời gian để du lịch tới nhiều nơi", anh nói. 

Anh Ngọc, VNEXPRESS


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000