Chính vì có nhu cầu về cái LỢI mà nhiều người trong chúng ta ở Đức này làm ngày, làm đêm. Có người thậm chí làm cả 365 ngày trong năm. Nhiều người quên cả nghỉ ngơi và hưởng thụ, họ đầu tư thời gian quên cả vợ con và bạn bè để vắt óc nghĩ mưu làm ra tiền.
Có người cũng vì lợi nên đã lợi dụng lòng tốt của người khác để nhờ vả, dựa vào đó mà quên đi sự thiệt thòi của người mình nhờ, mặc dù mình không phải diện gặp khó khăn cho lắm, mà rồi cái ơn của người ta làm cho mình, mình cũng quên nhanh và không có hồi âm.
Có người vì lợi mà quên đi tình đồng bào đang sống xa quê với nhau. Thậm chí còn là đồng hương cùng quê gần gũi với nhau. Thấy họ có chỗ bán hàng tốt là sôi máu lên, tìm mọi cách để có thể lấy được cửa hàng bên cạnh. Nếu vào được là sau đó cạnh tranh quyết liệt với người vào trước, bằng cách bán rẻ hơn, giờ mở cửa dài hơn, khuyến khích khách hàng các kiểu, các dạng, hay tuyên truyền xuyên tạc nói xấu đối thủ và thậm chí còn dùng nhiều thủ đoạn vô nhân và vô nghĩa để đối xử với nhau nữa.
Chỉ mong cho người ta phải phá sản, để một mình „sống“ trên dãy phố đó. Người Đức có câu: „Leben und leben lassen“ có nghĩa là mình sống cũng phải để người khác sống với chứ. Cái nhân bản của họ là thế, vì vậy mà họ tạo ra được một Đất nước tươi đẹp. Cạnh tranh để thúc đẩy kinh tế nhưng phải lành mạnh trong sáng, thực chất và có đạo đức.
Vì lợi mà chà đạp lên cả luân thường đạo lý. Trong gia đình với nhau cũng bị lợi làm xói mòn hạnh phúc. Tình vợ-nghĩa chồng cứ nhạt nhẽo dần đi.
Sự mặn mà không còn, quan hệ với nhau lỏng lẻo và thờ ơ hơn cả người dưng. Hành vi và thái độ đó đã ảnh hưởng lớn đến con cháu. Những khuyết tật ấy thể hiện rất rõ nét và đủ bằng chứng về những cách suy nghĩ và việc làm của người Việt chúng ta.
Ví dụ:
Giấu tiền làm vốn riêng để phòng thủ vì do thiếu niềm tin, so sánh mức tiền và quà gửi về quê nội, quê ngoại, sự đối xử khác nhau về vật chất với „con ông, con tôi, con chúng ta“, bạn của ông, bạn của tôi. Tranh giành về việc đứng tên đất, tên nhà v.v…
Nhiều cặp vợ chồng vì không tin nhau nên mỗi người mở một cửa hàng riêng, thế là suốt ngày ăn một mình, làm một mình và phải „coi chùa“ cũng một mình, thành thử không đi đâu được, sự giao lưu với bạn bè và cộng đồng ngày thêm xa cách.
Có những người ngày xưa thường chơi với nhau, giờ do tham công, tiếc việc nên đến chết mới được „gặp nhau“, vì :„nghĩa tử là nghĩa tận“, phải đến ! Thật đã buồn lại thêm buồn.
Có thể nói càng nhiều tiền, nhiều của, nhiều lợi thì càng dễ sinh ra sự tranh giành hơn thiệt. Tình đồng loại trở lên thờ ơ quên lãng.
Vì lợi mà sinh nghi kị lẫn nhau, niềm tin mất dần. Hạnh phúc bay đi vì coi tiền và coi lợi hơn cả tình yêu, hơn lòng nhân ái. Tình xưa nghĩa cũ quên hết vì nó qua rồi nên cũng không bằng tiền… Sự tham lam vô mực ấy, bất chấp tất cả, có mắt như mù, con người trở nên vô cảm nên đã gây ra bao sự đau lòng thật đáng tiếc. Tiền của đâu có phải là tất cả.
Cũng vì lợi mà sinh ra lừa đảo, làm ăn vô trách nhiệm, cẩu thả, để tình trạng „sống chết, mặc bay, tiền thầy bỏ túi“.
Thể hiện đó đây trong ngành buôn bán của cộng đồng ta.
Các bạn ơi, ai là người không muốn mình có nhiều tiền và nhiều của. Vì tiền của quyết định được rất nhiều việc trong đời sống.
„Đói ăn vụng, túng làm liều“, nhưng đại đa số chúng ta sống ở đất nước giàu mạnh này rất may không có diện đói và túng thế đâu.
Chúng ta hãy hành động vì cái lợi bền vững, lâu dài, vì cái Phúc cho mình và cho con cháu. Muốn lâu dài theo kinh nghiệm bản thân tôi thì nó phải trong sạch và chan chứa tình yêu và tình đồng bang.
Chúng ta chăm chỉ, siêng năng và thật thà để làm ra tiền của và vật chất, rồi để chúng quay lại phục vụ mình. Không vì lợi mà bàn rẻ hạnh phúc, lương tâm và đạo đức của con người.
Không vì lợi mà bán rẻ cả sức khỏe của mình. Đừng để lợi biến thành cám dỗ có thể khiến ta „táng thân, thất mạng“ .
Khi ta nằm gọn „trong mảnh ván rừng, dưới một vầng trăng“, cái lợi thì không mang đi được, tiếng thơm lại cũng không để lại đời thì thật là buồn phải không các bạn?
Nguồn: THOIBAO.DE
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000