Những người Đức xấu xí

Mình đã ở đất nước này gần chục năm, ngần ấy năm xứ người đã giúp mình phần nào hiểu được cái góc nhỏ xấu xí của người Đức.

Đã có biết bao nhiêu bài viết ca ngợi cũng như tán dương đến tận mây xanh những đức tính tốt của người Đức. Ok họ chăm chỉ, đúng giờ, nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ bla bla… Ở đây mình sẽ không nói về những điều tuyệt với ấy nữa. Đất nước nào, chủng tộc nào dù có tốt đẹp đến đâu cũng có những thành phần bất hảo và dù ít nhiều chúng ta cũng cần lưu ý để tránh những điều không hay có thể xảy ra.

1 Nhung Nguoi Duc Xau Xi

Chắc các bạn có nghe về việc phân biệt chủng tộc tại Đức (tất nhiên khu vực đông Đức cũ thì tình trạng này phổ biến hơn) nhưng các bạn có bao giờ bị trải nghiệm cảm giác ấy chưa? Hồi còn học đại học ở Leipzig, trong khi đợi xe bus ở bến, chính mình đã bị người lái xe bus (người Đức 100%) bỏ qua không thèm mở cửa xe cho lên và cứ thế đi luôn, chuyện này bị vài lần mới đau chứ. Còn có lần sáng sớm xách vali về Việt Nam! Mà 6h sáng đứng đợi tàu Straßenbahn, nó đi qua bấm cửa mà không chịu mở cửa cho lên. Ôi thôi, cái cảm giác vừa xen lẫn bực tức lẫn tủi hổ khi ấy thật là một trải nghiệm tuyệt vời khó có thể nói thành lời… Chưa hết, ngồi tàu xe đôi khi có những ông bà già tỏ rõ thái độ không thích khi ngồi gần người châu Á (mình đảm bảo mình thơm tho và không có mùi lạ để khiến người khác xa lánh), những ánh nhìn xoi mói và rồi đứng phắt dậy bỏ đi chỗ khác đã từng xảy ra với mình, hơ hơ, never mind, rộng chỗ, nhưng cũng hơi bứt rứt, khó ở trong người lúc ấy đấy. Ừ thì không thích da vàng tóc đen, do cách nghĩ của từng người, nhưng nhiều khi những thái độ rõ ràng đó khiến cục tức trong người cứ chầu trực nổi dậy. Cái tính xấu này của dân Đức thì hiện hữu từ xưa rồi, thôi thì kể thêm cho vui thôi. Chuyển qua cái tật khác chứ chưa gì hết 400 chữ rồi!

Mới cách đây mấy hôm thôi mình còn chứng kiến một cảnh ăn quỵt ngoạn mục tưởng chỉ có trong phim. Bạn mình làm bồi ở một quán ăn Việt Nam tại Hamburg, phục vụ 2 bạn trẻ người Đức. Trông mặt thì cũng đàng hoàng, lại là người Đức, ăn rồi lại uống thoải mái như bao người, ấy thế mà xong rồi lủi đi không lời từ biệt. Người thiệt nhất là chính cô bạn mình, phải đền số tiền ấy, gần 30-40€ cho một buổi đi làm, vâng, họ vô tình ăn cướp trên mồ hôi của sinh viên đi làm thêm như thế đấy! Cái chuyện này cũng thường xuyên xảy ra với các bạn làm bồi, rồi khi may mắn đuổi theo bắt được thì trả lời tỉnh bơ là tao quên, tao lộn. Ai nói là dân Đức không có dạng ăn quỵt chứ?

Các thể loại lừa đảo thì hỡi ôi, trên mạng có kiểu lừa trên mạng, ngoài đời thường lại có kiểu lừa khác. Các hình thức lừa đảo của dân Đức cũng phong phú và đa dạng không kém các bạn ạ. Từ việc mua hàng online trả tiền nhưng không nhận được hàng hay mua phải hàng giả, chuẩn china là chuyện thường. Cho đến việc nhận hàng tại nhà, phải trả tiền theo kiểu Nach­nahme: trả tiền trước – giao đồ sau, nhận xong thì nhận được đồ vô giá trị bên trong. Việc này xảy ra ở Dresden khá nhiều và lên cả báo. Tất cả đều chuẩn Đức cả đấy nhé.

Có những cái xấu xí mà ngay đến cả người Đức gốc cũng phải lắc đầu ngán ngẩm, đơn cử như việc đi trốn vé tàu, không chỉ dân nhập cư mới trốn vé mà một bộ phận người Đức cũng tham gia vào việc này. Vì do dân nhập cư ảnh hưởng dân Đức hay là họ cảm thấy học có thể làm được việc ấy, mình miễn mục bình luận này. Có lần mình còn bị một anh trai trẻ người Đức xin tiền trên tàu điện, kiểu cách cũng khá giống người trốn vé, xin tiền mình không được thì khuyến mại luôn những lời xỉ vả vô tội vạ, so amazing.

Có thể những người Đức xấu xí này phần nào đó làm suy giảm hình ảnh đẹp đẽ về người Đức mà bạn đang có, nhưng mình chỉ muốn nói rằng, ở đâu cũng có người tốt và kẻ xấu, đừng hình tượng hóa quá một dân tộc để rồi khi nhận trái đắng bởi những hành động của họ thì lại hụt hẫng. Tỉ lệ những người xấu ở Đức nếu tính ra là không nhiều – so với Việt Nam chẳng hạn, nhưng hãy cẩn thận đừng tin tưởng tuyệt đối 100% vì vẻ bề ngoài là người Đức, để không phải là nạn nhân của chính những người xấu đó nhé.


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000