Họ đã quen biết nhau từ năm 1987, qua con đường Hợp tác lao động, và rồi thành vợ, thành chồng sau đó một năm. Thời gian dài là vậy. Thay vì người ta vui mừng tổ chức tròn năm, cưới bạc, cưới vàng… thì đây họ lại sống với nhau như ngôi nhà trên bãi tha ma. Không gian bao trùm sự lạnh lẽo, cô đơn, trống vắng và vô cảm. Họ có hai đứa con một trai, một gái, các cháu khỏe mạnh, kháu khỉnh và đều học ở trường Gymnasium.
Cả gia đình sống trong một căn hộ khang trang, rộng rãi và tiện đường đi lại. Hai vợ chồng tuy đã lớn tuổi nhưng nhìn diện mạo bên ngoài cũng không đến nỗi nào.
Lẽ ra cuộc sống phải là hạnh phúc mới phải. Nhưng các bạn ơi chẳng bình thường chút nào cả. Từ ngày biết đến chuyện của gia đình này, lòng tôi cứ khắc khoải không yên, thỉnh thoảng lại man mác một nỗi buồn khó tả… Và tôi phải đặt ra một câu hỏi vì sao?
Tôi biết đến họ trong một trường hợp rất ngẫu nhiên là đến nhà anh nhờ sửa máy tính. Sau khi chữa xong, chúng tôi ngồi uống nước, nói chuyện có vẻ hợp gu.
Đang cười nói rôm rả thì một phụ nữ trạc 50 tuổi bước vào. Chị đáp lại lời chào của tôi với một nét mặt và giọng nói gây cảm giác nhạt nhẽo, thờ ơ và có vẻ bất đắc dĩ lắm.
Mặc dù phòng bên cạnh đã đóng kín, nhưng tôi vẫn nghe thấy tiếng chị đang la chửi và đay nghiến hai đứa con bên cạnh. Xả cơn giận với hai đứa con xong, chị lại hằm hằm bỏ nhà ra đi, rồi đóng cửa ra vào đánh sầm một cái. Thấy không khí căng thẳng, tôi định trả tiền công anh xong rồi ra về.
Nhưng anh bảo, ở lại chơi chút nữa, tính tôi lại hay tò mò, thế là tôi nghe anh ở lại xem sao. Được biết người phụ nữ vừa rồi là vợ anh. Tôi hỏi anh, có chuyện gì mà nghe chừng căng thẳng vậy.
Anh nói: Ngày nào cũng thế cả, sống mãi cũng thành quen anh ạ. Anh rít hơi thuốc dài rồi chậm rãi: May mà có anh hôm nay, nên tôi không bị chửi.
Tôi ngắt lời anh: Vợ chồng với nhau nên giải quyết mâu thuẫn cho êm đềm và vui vẻ. Các cụ xưa nay vẫn nói là „Một điều nhịn, chín điều lành“. Anh nhìn tôi, thở dài, ngả lưng xuống chiếc ghế da màu đen cũ kĩ rồi nói: Khổ lắm anh ơi, tôi không những nhịn một điều mà nhịn bao nhiêu điều rồi, nhịn mãi, nhịn hoài mà chưa thấy điều lành đâu cả.
Cô ta chửi, tôi đâu có cãi, như người mắc bệnh cấm khẩu, tôi còn giả vờ vào Toilette, nhưng cô ta bắt phải mở cửa ra; Có hôm cô ta chửi tôi, điếc tai quá tôi đành lấy cớ phải ra Media-Markt mua linh kiện điện tử cho máy tính, cô ta lẽo đẽo theo sau, vừa đi, vừa chửi. NHỊN đâu đã xong mà êm được.
Nói tóm lại khi cô ấy chửi là phải có mặt ở đó mà NGHE !. Nghe anh nói tôi toát cả mồ hôi, Tự nhủ lúc nào đấy có lẽ phải sửa lại nhiều câu Thành ngữ và Tục ngữ của Việt Nam ta, vì nhiều câu áp dụng thực tế không còn thiêng nữa. Nghe anh kể là nghe một chiều, nghe một tai thực lòng là lúc đó tôi không tin cho lắm, nhưng sau này nghe một số người cùng đội với anh ngày xưa kể lại, mới biết điều anh nói với tôi là sự thật.
Người ta nói, trước kia vợ chồng anh sống với nhau cũng bình thường và hạnh phúc như bao cặp vợ chồng người Việt Nam khác ở Đức này. Nhưng cách đây khoảng mười lăm năm, anh bị bệnh thận và phải đi mổ, sau đó là anh yếu đi nhiều;
Thời tiết thay đổi là cơn đau lại nổi lên. Sau một thời gian, người ta thấy hạnh phúc của gia đình anh cứ nhạt nhẽo dần đi. Giờ anh được nhà nước Đức nuôi hoàn toàn, không phải nhờ vả vào ai.
Anh ốm đau ngồi nhà suốt ngày một mình nên cũng buồn, vợ thì đi làm công cho một cửa hàng ăn. Anh cho con đi học, dạy dỗ và trông con ở nhà, cùng với sự đam mê và hiếu học nên anh đã tự học nghề chữa máy tính, thêm thắt vào lấy tiền mua thuốc và uống trà.
Sau này tôi còn biết được một số người đàn ông vì quá hiền lành mà khổ, mất cả tự do nữa. Người ta nói hiền quá hóa đần, chắc là đúng ! Tôi quen một cặp vợ chồng có cửa hàng ăn ở quận Kreuzberg-Berlin, quán bán rất tốt nhưng không bao giờ cô vợ cho người khác nấu thay chồng, để chồng nghỉ ngơi một chút, chỉ vì vợ không tin tưởng ai lại tham lam nữa.
Thế là anh chồng cứ gồng mình lên mà cày, mà úp mặt vào chảo dầu hết ngày này sang ngày khác, năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa…
Ngày hai vợ chồng anh khai trương cửa hàng, tuổi anh vừa tròn bốn mươi, mái tóc đen nhánh, thân hình vững chắc. Giờ đây anh đã ngoại sáu mươi, nhìn anh mặt nhỏ thóp lại, râu ria xồm xoàm, tóc lơ thơ mấy sợi không ra màu gì, đôi mắt của anh xưa kia sáng quắc, giờ lờ đờ như kẻ vô hồn.
Những lúc đỡ khách anh thường ra ngoài thở hít không khí, buồn mồm hút điếu thuốc cũng phải hút trộm, vì sợ vợ biết lại kêu là hại sức khỏe và TỐN TIỀN. Anh kể với tôi bằng giọng chua xót là có lúc cô vợ còn ngửi mồm anh để kiểm tra. Thật là khổ quá, suốt ngày đâm đầu vào bếp, không đi đâu được, bạn bè thành thử cũng gần như không có, chỉ có điếu thuốc làm vui mà cũng không hưởng thụ được.
Chồng lớn tuổi rồi, ai chả biết hút thuốc là hại. Nhưng đã đến tuổi đó người ta không bỏ được thì cũng phải thông cảm chứ, mà anh chồng này có nghiện lắm đâu, mà có nghiện thì thời gian đâu mà hút. Người phụ nữ mà đối xử với chồng như vậy là quá đáng phải không các bạn?
Viết bài này tôi không có ý là bênh đấng mày râu. Có dịp tôi sẽ viết bài về những cái dở của họ để cho công bằng.
Tôi cho rằng, vợ chồng sống có hạnh phúc hay không là do cả hai phía. Tình vợ nghĩa chồng là tình cảm thiêng liêng và cao quý chứ không phải là dụng cụ trong nhà, lúc cần thì dùng, thì gìn giữ; Lúc không cần hay xuống cấp lại bỏ đi một cách không thương tiếc, thì quả là vô đạo.
Chúng ta nên học phong cách của đại đa số người Đức. Vợ chồng đã không hợp nhau, sống không có hạnh phúc thì nên chia tay cho đàng hoàng, còn muốn ở với nhau thì phải cho đúng nghĩa, cho lịch sự; biết tôn trọng thương yêu nhau. Chứ dở dở ương ương chỉ khổ cho cả hai bên.
Nhiều cặp vợ chồng người Đức trước khi ra tòa họ còn rủ nhau đi ăn ở nhà hàng để nói lời chia tay. Tại sao chúng ta sống với nhau bao nhiêu năm, ăn cùng mâm, nằm cùng giường, đã từng khổ sở có nhau thế mà giờ đây giấy tờ đầy đủ, có của ăn, của để ta lại để tình yêu bay đi, nhiều người có hạnh phúc trong tay mà vẫn cứ đi tìm ở nơi xa xôi nào đó. Nhiều khi tránh vỏ dưa lại gặp phải vỏ dừa, Bỏ thì thương, vương thì tội phải không các bạn?.
Berlin 01.7.2016
Nguyễn Doãn Đôn – Thoibao.de
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000