Nỗi khổ… vì được mời ăn

Ở Việt Nam từng có chuyện là một cán bộ tổ chức đám cưới cho con đã mượn cả sổ lương của cơ quan để liệt kê danh sách khách mời, không thiếu một ai, bất kể quan hệ của họ với khách được mời thân, sơ ra sao.

Những người có quan hệ họ hàng, bạn bè thân thiết thì đây là dịp tốt để họ hào hứng đến chia vui, nhưng cũng có những người phải đến dự đám cưới với một tâm trạng miễn cưỡng, vì chỉ là quan hệ đồng nghiệp sơ sơ, chẳng mấy khi nói chuyện với nhau.

Đối với một số người thì khi liên tục nhận được thiếp mời trong mùa cưới là tái mặt, vì như vậy là liên tục phải đi ăn „cơm bụi giá cao“, ảnh hưởng không nhỏ tới ngân sách gia đình.

Nỗi khổ… vì được mời ăn - 0

Mặc dù đám cưới của người Việt tại Đức không nhiều, nhưng có nhiều người Việt „có máu mặt“ cũng khổ sở vì vô số lời mời ăn mà rất ngại từ chối.

Người ta thường nói „Phú quý sinh lễ nghĩa“. Sau một thời gian bươn chải, phần lớn người Việt tại Đức giờ đây đã có cuộc sống tạm ổn về mặt kinh tế, nên đua nhau bày vẽ, khôi phục lại những phong tục Việt Nam trước đây, nhưng phần lớn chỉ giữ lại cái tên, còn nội dung thì hoàn toàn khác, ví dụ như „Lễ đầy tháng“, „Lễ đầy năm“…

Nhiều người Việt ở Đức giờ đây chắc cũng không còn hiểu căn nguyên cũng như nghi lễ, thủ tục của các phong tục đó.

Theo phong tục trước đây, Lễ cúng đầy tháng còn được gọi là Lễ cúng Mụ, nhằm để tạ ơn 12 bà Mụ đã nặn ra đứa trẻ và phù trợ cho „mẹ tròn con vuông“ cũng như ba Đức thầy có chức năng truyền dạy nghề nghiệp và trình với nội – ngoại, họ hàng về đứa cháu sau một tháng chào đời, đây như là chứng nhận của xã hội về sự tồn tại của một con người, để được nâng niu, chúc tụng, để cộng đồng có trách nhiệm giúp đỡ, cưu mang, che chở…

Khi đứa trẻ được 12 tháng thì người ta làm Lễ đầy năm hoặc gọi là Lễ thôi nôi. Lễ này, ngoài việc cúng 12 bà Mụ và ba Đức ông như trong Lễ đầy tháng, còn để cúng Thành hoàng, cúng Thổ công, Thổ địa, Thổ chủ… Trong lễ này, người ta thường đặt ra các thứ như gương lược, bút, sách, nắm xôi, tiền, kéo… Vật nào được cháu bé nắm trước thì dân gian tin rằng đó là sự lựa chọn ngành nghề của cháu trong tương lai.

Đây là những hình thức tín ngưỡng dân gian, mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng thờ Mẫu, nhưng cũng thể hiện truyền thống văn hóa mang tính bản sắc của gia đình – xã hội. Những nghi lễ này thường chỉ được tổ chức trong gia đình.

Tuy nhiên, khi du nhập phong tục này vào Đức, nhiều người Việt đã biến nó thành dịp để bạn bè tụ tập ăn nhậu, chém gió, thậm chí là để trả nợ miệng nhau.

Không chỉ có phong tục Lễ đầy tháng, Lễ thôi nôi, nhiều phong tục đẹp của Đức như Lễ nhập học (Einschulung), khi trẻ em lần đầu tiên đến trường, Lễ trưởng thành (Jugendweihe)… cũng bị người Việt ở Đức biến thành các dịp „ăn“, trở thành „Ăn nhập học“, „Ăn trưởng thành“… cũng mời khách hàng chục mâm để ăn nhậu, „2,3 zô…“ với nhau, được một lúc thì quên cả nhân vật chính và khía cạnh văn hóa, giáo dục của những ngày lễ đó.

Có một người quen ở Berlin, khá nổi tiếng vì làm ăn thành đạt, tích cực tham gia các hội đoàn, đã phàn nàn với chúng tôi vì có tuần „bị“ mời đi ăn „đầy tháng“, „đầy năm“… tới 3-4 lần, phải đi ăn nhậu nhiều đã khá mệt mỏi, chưa kể phải „mừng“ liên tục cũng khá tốn kém.

Một số nhân vật nổi tiếng khác thì hầu như „tuần chay nào cũng có nước mắt“, vì hầu như hội đoàn nào có sự kiện cũng mời, người quen thì nhiều, ai có việc gì trong gia đình cũng mời và còn phải chủ động mời khách ăn tiệc nhiều. Vì thế, có ngày tôi thấy họ phải „chạy sô“ tới 3-4 tiệc ăn nhậu.

Chỗ nào cũng phải uống ít nhất là 1-2 ly rượu mạnh… Chỉ nghĩ tới đã thấy lo cho sức khỏe của họ.

Đành rằng ở nước ngoài thì gia đình, họ hàng không nhiều, mà chỉ có bạn bè, đồng hương…

Nhưng chúng tôi cho rằng những dịp lễ nào mang tính gia đình thì cũng chỉ nên tổ chức trong gia đình và những bạn bè thân thích nhất, đừng để việc ăn nhậu xô bồ làm mất đi khía cạnh văn hóa của phong tục truyền thống.

Có lần tôi đi dự một đám cưới người Việt ở Đức mà thấy chẳng khác là bao với một cuộc gặp mặt của một hội đồng hương: Ngoài việc ăn uống cũng được xem biểu diễn văn nghệ, cũng có các cháu hát múa và có người hát Quan họ, lúc hai họ phát biểu thì không nghe được gì vì ồn quá.

Cho tới khi ra về cũng chẳng biết mặt cô dâu, chú rể vì chỉ được nhìn từ xa. Khách mời đông quá, tới 6-700 người nên các cháu không kịp đến từng bàn để chào các vị khách, chủ yếu là khách của cha mẹ mà  các cháu hầu như chưa được gặp lần nào.

Chẳng hiểu đôi vợ chồng trẻ đó sau này còn nhớ gì tới đám cưới của mình hay không, một sự kiện trọng đại mà lẽ ra rất thiêng liêng đối với một đời người.

Vũ Văn – Thoibao.de


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000