Nguyên nhân dẫn đến mức độ mặn mà khác nhau của mỗi người có lẽ do nhiều lý do dẫn tới. Đặc biệt gần đây nhiều người lớn tuổi rất sợ khi già cả ốm đau lại ở Việt Nam. Bệnh viện và các ngành phục vụ hỗ trợ cho sức khỏe ở nhà so với ở Đức thật là „một trời một vực“. Một số thì thất vọng do thị trường nhà đất, do mối quan hệ giữa con người với nhau. Ngay trong gia đình ruột thịt đây đó vẫn để xảy ra những trường hợp đáng buồn.do lòng tham vô đỗi sinh ra. Chẳng hạn như người bên này nhờ anh em, họ hàng đứng tên mua nhà, mua đất, sau đó là thừa cơ „đúng tên, đúng chủ“ chiếm đoạt luôn. Nhiều trường hợp cho người nhà ở nhờ, đến khi mình cần dùng đến thì bảo họ trả lại nhà , họ lại lì ra không đi hay chầy bửa và làm hỏng cả nhà mình.
Có trường hợp tranh cãi đòi quyền sở hữu chủ đất, chủ nhà đã gây ra án mạng, tan cửa nát nhà. Nhiều vụ kiện cáo tùm lum không sao gỡ ra cho được. Anh bạn tôi bán nhà cho cháu, cháu hứa trả đủ ngay một lần, anh cả tin giao nhà chuyển tên cho cháu, cuối cùng nó trả được có nửa số tiền, còn một nửa kia nó bảo khi nào có tiền sẽ trả. Đã gần chục năm trôi qua, nợ còn đó mà chẳng biết „khi nào“… „Để lâu cứt trâu hóa bùn“. Hai chú cháu đã nhiều lần xô xát và to tiếng với nhau. Anh xác định đến 99 % là khoản nợ tiền tỷ kia không đòi lại được. Người Việt ở bên này mất tiền, mất đất vì người ngoài lừa lọc đã nhiều mà ngay giữa người trong nhà với nhau cũng không phải là ít.
Lại có một chú em ở Berlin tôi quen đã lâu; Anh ta gửi tiền về nhờ bố mẹ làm sổ tiết kiệm để giữ và lấy lãi. Ai ngờ bố đưa tiền hết cho đứa em dẻo mồm tán tỉnh. Nó dùng tiền của anh tiêu xài và làm nhà một cách vô tư và khẳng định đó là tiền của bố mẹ cho.
Nhà nó vốn dĩ là nhà dưới lại xây đẹp và cao hơn nhà trên của anh-Nơi mà bố mẹ anh đang ở và thờ tổ tiên ông bà. Chẳng biết có đúng không? Gần đây anh tâm sự với tôi là từ khi thằng em nó làm nhà, nền nhà nó cao hơn nhà anh đến sáu mươi phân thì ở bên này vợ chồng anh làm ăn gặp phải nhiều trắc trở.Thậm chí anh còn bị ngã gẫy hai rẻ xương sườn…Anh tức giận trách bố, thì bố anh lại bênh vực chú em. Bố anh nói: „Mày ở Đức thiếu gì tiền, nó là em tặng nó một ngôi nhà, đâu có đáng gì“. Bố anh có biết đâu hai vợ chống anh bán cửa hàng thực phẩm ở nơi cuối phố, hàng ngày đầu tắt, mặt tối, quên ăn, thiếu ngủ. Thu nhập cũng chỉ là „lấy công làm lãi“. Kiếm đồng tiền cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt chứ có dễ dàng đâu. Bây giờ vì anh bị ngã như vậy, vợ anh-Một người phụ nữ mảnh mai lại đã có tuổi phải cùng anh khuân vác. Nghĩ càng cực thêm.
Chuyện đời nhiều tai ương thật chẳng biết đâu mà lần.
„Mất niềm tin là mất tất cả“. Một số người Việt khi nói đến hai chữ quê hương lại buồn và thất vọng, thậm chí có người coi chuyện về nghỉ phép ở Việt Nam chỉ là bổn phận hoặc là có công việc gì bất đắc dĩ nên phải về mà thôi.
Một anh bạn cùng quê Thái Bình với tôi có lần tâm sự: „ Trước đây mình kiếm được tiền nên khi về phép quà cáp tiền bạc cho người thân được rộng rãi, nhưng dịp vừa rồi về vì kinh tế eo hẹp nên việc chi tiêu đành phải giảm đi. Thế là tình cảm cũng giảm và nhạt hẳn đi, mới hay tình cảm mặc dù là „phi vật thể“ nhưng vẫn phải dùng vật thể mà mua ông Đôn ạ. Giọng nói của anh nặng trĩu và trầm xuống, nghe buồn thiu, rồi anh nhìn tôi cười nhẹ, một nụ cười chua xót trộn lẫn chút khinh miệt một cái gì đó xa xăm.
„Quê hương là chùm khế ngọt“, rất tiếc không phải đúng cho mỗi người, mỗi lúc và trong mỗi hoàn cảnh; Khi những người ấy họ gặp phải những đắng cay từ nơi chôn nhau cắt rốn gây nên. Những điều trớ trêu mà trước đây thực tình họ không bao giờ ngờ tới.
Nỗi lòng cố quốc tha hương, chúng ta chỉ cầu mong cho quê hương yêu dấu của mình thực sự là nơi „Đất lành chim đậu“ để mỗi người con đất Việt chúng ta sống nơi đất khách luôn trông ngóng nhớ về. Lúc ấy mới thực sự : „Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người“.
Tết Xuân đã về bên cửa sổ. Sân bay ở Đức đông người Việt hẳn lên. Người Việt vốn dĩ chu đáo, nên ai ai cũng đóng hàng mang theo cho hết trọng lượng và kích cỡ để về làm quà. Ở đây làm ăn vất vả sớm chiều, khi ra về cũng chẳng được rảnh rang, tay xách, nách mang. Những con người „biết hy sinh nên chẳng nhiều lời“ ấy họ đâu có cần và đòi hỏi gì lớn lao, ngoài hai từ mộc mạc rất đỗi đơn sơ đó là TÌNH CẢM. Họ mong muốn và hy vọng một ngày sau Tết, khi sang phép quê hương và người thân thực sự đã trải lòng ưu ái bằng tình yêu và tâm hồn sáng láng làm quà hành trang cho họ. Để rồi, kẻ ở người đi ai ai cũng bịn rịn, rồi lại mong chờ ngày nào đó ta sẽ bên nhau đoàn viên gặp lại.
Chúc cộng đồng ta một năm mới vui tươi và thành đạt.
Nguyễn Doãn Đôn (Berlin) – CTV Thoibao.de
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000