Hôm nay, tôi xin kể tiếp một vài chuyện về cách sống và suy nghĩ của người Việt Nam khi sang Tây và sống ở Tây để mọi người hiểu cách sống của họ và có thể cho một vài ý kiến.
Cách đây vài năm, tôi có gặp một bác khoảng gần 70 tuổi. Sang Đức chơi ba tháng do con rể là người Tây mời sang.
Qua trò chuyện, bác ấy luôn tỏ vẻ thất vọng với cuộc sống ở Đức và lúc nào cũng muốn con gái đưa hai cháu ngoại về vì sợ sẽ bị “Tây hóa”.
Tôi có thắc mắc về chuyện “Tây hóa ” thì bác ấy nói …
”Tôi không hiểu nổi sao hai vợ chồng ở nhà rộng quá, những 4 phòng , tiền nhà gần một ngàn bạc , sao không ở nhà 2 phòng thôi . Vừa tiết kiệm tiền lại có dư gửi về nuôi anh chị em ở VN”
Lúc đó tôi có giải thích với bác ấy là , hai con của anh chị ấy đã lớn (12 và 16 tuổi ) lại một trai một gái , cần có phòng riêng chứ không thể ngủ chung với nhau hay với cha mẹ như lúc còn bé. Mà hai phòng thì quá nhỏ và chật cho bốn người.
Bác ấy có vẻ không hài lòng và tiếp tục phàn nàn là hai đứa cháu hay tranh luận với cha mẹ ,đứa con lớn đi học về không chịu ở nhà mà cứ tới nhà bạn bè chơi.
Còn đứa cháu trai thì lúc nào cũng nhắc bà là không được mở cải lương lớn quá làm phiền hàng xóm hay “bà đang ở Đức chứ không phải ở VN” hoặc cứ chào cha mẹ là “Hallo” chứ không khoanh tay cúi đầu chào lễ phép như ở VN. Nói chung, tôi cũng chẳng biết nói như thế nào và hình như sau vụ đó , không thấy vợ chồng chị ấy đón bác ấy sang chơi nữa và cũng không thấy gởi tiền bạc gì về VN để giúp anh chị em ở quê nhà.
Còn chuyện thứ hai đó là có cặp vợ chồng (cả hai đều là người Việt) sống ở Berlin, tuy li dị (giả) nhưng vẫn ở với nhau.
Hôm đó chị ta đưa hai con ra Rathaus làm thủ tục giấy tờ cho cháu đầu (12t) để vào quốc tịch Đức. Lúc nộp hồ sơ thì người tiếp nhận giấy tờ có hỏi vài điều về cha cháu bé, chị ấy trả lời là không biết vì không sống chung với nhau. Thì lúc đó , đứa con thứ hai khoảng 10 tuổi liền nói :…”Sao lại không biết , ba mẹ vẫn sống chung với nhau mà”.
Chị ấy tái mặt liền đuổi cậu bé ra ngoài , trước khi ra , đứa bé đó vẫn tiếp tục nói ” Ba mẹ vẫn ở với nhau chứ có ở riêng đâu” Khi xong việc ,chị ta ra ngoài la mắng , thì cậu lớn (12t) nói luôn : “Mama nói dối thì coi chừng Polizei bắt đấy , tại sao phải nói dối ,không tốt ”
Chị ta không biết giải thích như thế nào vì hai con của chị ấy nói đúng . Nên chỉ biết giải thích với tôi một cách khó chịu “Trẻ con ở Đức toàn học cái ngu của bọn Đức lợn , may mà đây không phải là Jobcenter”
Qua hai câu chuyện ở trên, không biết nên vui hay buồn.
Một bên là thế hệ trước và không hiểu gì về cuộc sống của con cháu ở Đức, còn một bên cho rằng ở Đức , con mình toàn học”ngu ” ở trường Đức , vậy thì không biết các cháu nên đi trường nào để học ” khôn ” cho cha mẹ của các cháu nhờ .
Còn đây là chuyện về thừa kế ở nước Đức .
Một cặp vợ chồng người Việt gốc Việt sang Đức từ những năm 1980 . Khi đổ cổng thành , anh chị khá chật vật để có được giấy tờ ở lại . Thời gian trôi qua , họ dồn tiền mua một căn hộ nhỏ ba phòng ( chung cư) để ở và khi chồng chị ấy mất , đã để lại toàn bộ tài sản lại cho chị . Người em chồng lấy cớ chị không có con , đòi chia nửa tài sản nhưng không được chị chấp thuận và đã lợi dụng lúc chị ấy đi vắng , đã cùng một số người tự động tới phá ổ khoá , lấy hết giấy tờ quan trọng và thay luôn khoá mới.
Vụ việc bị đưa ra tòa và đương nhiên người em chồng bị thua kiện , còn bị truy tố về tội ăn cắp (Diebstah) vì tự ý phá khóa vào nhà người khác và bị tòa xử ba tháng tù nhưng tại ngoại (Bewährung ) và tòa cũng bác bỏ quyền đòi thừa kế một nửa với lý do mà anh ấy đưa ra là theo phong tục VN , chị dâu không có con thì không được quyền thừa hưởng tất cả . Sau vụ đó , chị ta bán căn hộ đang ở và chuyển sang vùng khác sống, đoạn tuyệt với gia đình bên chồng
Câu chuyện mới nghe cứ tưởng như đùa vì cách xử sự và giải thích “cùn” của người em chồng ở tòa án ,tôi không rõ anh ta sống ở Đức bao nhiêu năm mà không hề biết luật thừa kế ở Đức
An Thanh Lê
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000