Kính gửi: Bà con cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức
Những ngày này, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở trên khắp thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của nước Đức, trong đó có cộng đồng khoảng 180.000 người Việt đang định cư, lao động và học tập tại Đức. Một số bà con trong cộng đồng người Việt của chúng ta tại Đức cũng đã bị nhiễm bệnh, tuy nhiên, theo thông tin Đại sứ quán nhận được thì rất may chưa có trường hợp nào nặng đến mức phải vào viện.
Tôi hết sức cảm thông và chia sẻ khi tình hình dịch bệnh đang tác động tiêu cực đến công việc làm ăn, kinh doanh của bà con, cũng như việc học hành của các em học sinh, sinh viên.
Trong bối cảnh đó, chúng ta hết sức vui mừng chứng kiến những nghĩa cử tốt đẹp của nhiều cá nhân, hội đoàn trong cộng đồng người Việt Nam tại Đức, những hoạt động thiết thực, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn. Đó là việc bà con hỗ trợ các cá nhân và gia đình có người bị nhiễm bệnh, những người gặp hoàn cảnh khó khăn; các hội đoàn, báo chí cộng đồng rất tích cực trong việc tuyên truyền, cập nhật thông tin đến bà con; các anh chị trí thức đã dành thời gian tổng hợp, dịch, giải đáp các quy định mới của chính quyền để bà con nắm bắt và thực hiện, có những bài viết cung cấp thông tin khoa học, giá trị cho cộng đồng. Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại đã có những biện pháp chia sẻ khó khăn như giảm, gia hạn thời gian thanh toán tiền thuê mặt bằng và hỗ trợ người lao động trong phạm vi có thể.
Với tấm lòng luôn hướng về quê hương, bà con cũng đã và đang tích cực hưởng ứng lời kêu gọi chung tay hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau như quyên góp tiền, tặng máy thở, phòng cách ly áp lực âm, trang thiết bị y tế để gửi về trong nước. Chính phủ Việt Nam đang dành nguồn lực tối đa để phòng chống hiệu quả dịch bệnh, ưu tiên sinh mạng và sức khoẻ con người lên cao nhất, đồng thời nỗ lực giảm khó khăn cho đời sống nhân dân, vì vậy, những đóng góp của bà con cho đất nước vào lúc này càng vô cùng có ý nghĩa.
Đặc biệt, tại nhiều nơi trên nước Đức, phong trào may khẩu trang và quyên góp tiền, các thiết bị y tế… tặng cho các bệnh viện, nhà dưỡng lão, các cơ quan và người dân Đức ở địa phương đang được cộng đồng ta hưởng ứng rất sôi nổi. Một số doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện, cá nhân cũng gửi tặng thực phẩm, các suất ăn cho bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện. Vừa qua, nhiều cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao Đức hết sức phấn khởi nhận 100 khẩu trang do bà con may và Đại sứ quán chuyển đến tặng.
Những món quà đó là sự động viên tinh thần to lớn đối với những người đang trực tiếp tham gia phòng chống dịch, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, tri ân của cộng đồng người Việt Nam với nước Đức, quê hương thứ hai của mình, là biểu hiện tốt đẹp của quan hệ hữu nghị và truyền thống giữa nhân dân hai nước, đặc biệt trong bối cảnh kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.
Tình hình dịch bệnh thời gian tới tại Đức sẽ còn tiếp tục khó khăn, thậm chí có thể còn phức tạp hơn. Tôi mong bà con trong cộng đồng người Việt Nam tại Đức tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các quy định, khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh của Đức, đặc biệt lưu ý các trường hợp có biểu hiện của bệnh nặng như khó thở, sốt cao liên tục … cần đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời; tiếp tục thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ các cá nhân và gia đình có người nhiễm bệnh.
Tôi cũng mong các hội đoàn, doanh nghiệp tiếp tục hướng dẫn, phổ biến các quy định về hỗ trợ của Chính phủ Đức để bà con có thể sử dụng các kênh hỗ trợ của phía Đức, có các hình thức, biện pháp hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn trong làm ăn, kinh doanh cũng như trong cuộc sống nói chung.
Tôi xin chúc toàn thể bà con mạnh khỏe, vững vàng vượt qua khó khăn, tiếp tục có những hoạt động thiết thực để giúp đỡ lẫn nhau, cũng như hỗ trợ cho những nỗ lực phòng chống dịch bệnh ở cả Đức và Việt Nam.
Nguyễn Minh Vũ
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCNVN tại CHLB Đức
Berlin, ngày 07 tháng 4 năm 2020
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000