Là người Việt, chắc bạn cũng quá quen với những câu hỏi kiểu như:
- Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?
- Ôi, đứng tuổi rồi đấy, lấy chồng đi.
- Lương tháng được bao nhiêu ?
....
Sống trong một cộng đồng như vậy, mình không thể lãng tránh nhưng cũng phải khéo léo trả lời.
Tôi thì hay trả lời thế này:
- Chán quá bác ạ, bác xem có ai giới thiệu cho cháu không, chứ vừa đen vừa xấu thế này có ai rước đâu.
- Tiền cháu cũng đủ tiêu ạ.
....
Sau đó nhẹ nhàng "lướt".
Đùng một cái tôi lấy chồng, là một anh hơn tôi 4 tuổi nhưng bề ngoài trẻ hơn. Thế là rất nhiều câu hỏi xung quanh đấy nhưng vẫn xoay quanh chữ "tiền".
- Này, nghe nói tụi Tây nó rạch ròi lắm. Mà thằng chồng mày người Đức có ki-bo không? Tụi Đức nổi tiếng chặt chẽ.
- Đi nhà hàng thì thanh toán thế nào? Chia đôi tiền à.
Đã thế thì tôi kể luôn. Chẳng có gì để giấu diếm.
Trước anh, tôi cũng có vài mối tình vắt vai. Mà chẳng hiểu sao toàn Tây. Ngẫm lại thì thế này: tuổi gần 30, tính cách độc lâp, da thì “đen đen bẩn bẩn”... Có anh “giai” Việt nào ngang tuổi hoặc hơn tuổi mà chưa vợ không? Chắc chắn không. Còn mấy anh ngoài tứ tuần bỏ vợ, đại gia thì thường kiếm mấy em "chân dài" trong khi chân tôi "ngắn quá". Nên vẫn ế.
Anh bạn trai cũ của tôi người Mỹ. Hồi đó tôi 26 tuổi, chỉ biết cuộc đời qua lăng kính "Việt Nam", biết các anh Tây sống ở Việt nam. Tôi rất sợ bị đánh đồng với mấy em nhà hàng, quán bar, quen Tây để "đổi đời", để các anh bao nên tôi nhất quyết khăng khăng khẳng định mình bằng cách "tiền ai người nấy tiêu" để bảo vệ cái thế của mình.
Hồi đó mới đi làm, lương tháng được 7-8 triệu. Nói thật, nếu sống và ăn uống ở nhà thì chẳng tốn kém gì lắm, những năm 2007-2008 thế là đủ. Khốn nỗi bạn “khoai tây” này thích ăn nhà hàng. Tuần nào cũng gặp nhau 3-4 lần rồi đi ăn, lại chia 50-50. Kết quả là tháng nào tôi cũng "móm".
Sau khi chia tay, tôi vẫn cứ băn khoăn, nếu lấy nhau mà cứ chia đôi, tiền anh anh tiêu thế này thì mệt nhỉ. Mà suốt ngày ăn uống nhà hàng thế kia sao tôi có thể để dành được. Mang tiếng là con gái gần 30 tuổi đầu mà chẳng có chút gì tiết kiệm.
Nhưng thế nào cho công bằng và thoải mái cả hai bên, cũng phải động não tí.
Khi đi ra ngoài, mặc dù ở chung nhưng hai đưa vẫn sến sẩm lắm, ăn diện chỉnh chu vì việc này như “ăn phở” chứ không phải “cơm”SHUTTERSTOCK
Tiết kiệm cho chồng
Khi quen chồng tôi, anh trước là dân phượt “balo rau muống, đậu phụ” mà gọi đúng từ là "Tây ba lô". Anh quyết định bỏ nhà, bỏ công việc và cuộc sống giản đơn nơi quê nhà để đi du lịch vòng quanh thế giới trong hai năm.
Hai đứa tìm hiểu nhau, tôi biết, để du lịch dài hạn như vậy, anh phải cân đối chi tiêu cho hợp lý thì mới đi dài, nhiều và lâu được.
Anh rất tiết kiệm, mà có khi ai gặp lần đầu nghĩ chắc anh ki-bo lắm. Hai đứa toàn ăn uống lê la vỉa hè, thậm chí nhiều quán ăn đường phố ở Hà Nội anh còn rành hơn tôi.
Ngày đầu chung sống, tài chính vẫn phải rõ ràng.
Sau vài tháng tìm hiểu, chúng tôi quyết định gặp lại nhau ở một nước khác. Bụng bảo dạ: “Chẳng biết gã này cho mình ở khách sạn thế nào?” Thời gian đó vẫn là thời gian tìm hiểu, chưa nói lời yêu, quan niệm của tôi, đó là "thời gian thử việc" dành cho cánh đàn ông, nếu anh cho tôi ở nhà trọ (hostek) thì chắc sau đợt này tôi cũng tạm biệt.
Đến nơi, ngược với tôi nghĩ, anh đi xe bus ra tận sân bay đón tôi và đề nghị đi taxi về. Khách sạn không phải 5 sao nhưng rất đẹp, kiểu cổ điển (boutique) nằm trong một khuôn viên viện bảo tàng, cho thấy anh là người có gu.
Nhưng ngay sau khi tôi quay về Việt Nam, anh lại cười: “check out khỏi khách sạn để trở về với hostel 7$/đêm của mình”. Anh nói, em là bạn gái anh, em xứng đáng được ở những nơi không phải như thế. Nhưng anh chỉ có thể trả được 2 đêm theo ngân sách của anh hiện tại vì anh không đi làm, chỉ tiêu bằng tiền tiết kiệm. Chứ sang ngày thứ 3, chắc là xấu hổ với em vì phải chuyển đi nơi khác.
Sau đó, chúng tôi quyết định về chung sống với nhau trước hôn nhân.
Ngày đầu chung sống, tài chính vẫn phải rõ ràng. Nhưng lần này, tôi "thẳng thắn" hơn. Tôi nói rõ việc không thể đi nhà hàng thường xuyên hay tiêu tiền quá mức, vì tôi muốn có cuộc sống của riêng mình, có thể đi du lịch và chủ dộng trong cuộc sống.
Chúng tôi sống theo kiểu "góp gạo thổi cơm chung", anh đưa phần của anh để tôi chi tiêu hàng tháng. Còn nếu hứng chí đi nhà hàng thì có thể là "tiền riêng" tôi mời hoặc anh mời.
Thế nên, khi đi ra ngoài, mặc dù ở chung nhưng hai đưa vẫn sến sẩm lắm, ăn diện chỉnh chu vì việc này như “ăn phở” chứ không phải “cơm”.
Những tháng đầu tôi còn ghi rõ vào sổ để cân đối chi tiêu. Vì anh, tôi nấu ở nhà nhiều hơn và bớt xài tiền. Kết quả là sau 6 tháng tiết kiệm, tôi còn đủ tiền đi phươt châu âu được 7 tuần.
"Quỹ đen" của nhà tôi
Đến khi cưới nhau, tôi buộc phải theo anh về Đức do tính chất công việc đặc thù của anh không dễ kiếm ở VN.
Đến lượt tôi phải từ bỏ tất cả để theo anh đến một nơi hoàn toàn mới: không biết ngôn ngữ, bạn bè, công việc... ở nhà sinh con và nội trợ. Điều mà người phụ nữ như tôi chưa bao giờ nghĩ tới.
Làm sao có thể chủ động kinh tế và có tiếng nói trong mối quan hệ đây? Như mẹ tôi từng dạy: phụ nữ luôn chủ đông về tài chính để chủ động mọi tình huống.
Ngày mới sang tôi hoang mang lắm, giờ sống thế nào, chẳng lẽ một đồng cũng phải ngửa tay xin chồng, mà tiền tiết kiệm tiêu rồi cũng hết.
Sau này đi làm tôi vẫn xung vào quĩ vợ chồng và tiết kiệm để thỏa mãn thú đi du lịch của mình.
Phụ nữ như tôi cũng muốn mua sắm, giầy cao gót, áo đẹp, hay đơn giản Tết mua quà cho họ hàng và gia đình. Liệu tôi có phải ngửa tay xin anh ?
Mặc dù trước khi sang, anh đã nhiều lần nói với tôi “mình là vợ chồng, em đừng nghĩ nhiều về nó”.
Nói vậy chứ, nghĩ thì vẫn nghĩ. Tiền là do sức lao động của anh chứ có phải của tôi đâu.
Khi tôi sang, sau khi ổn định chỗ ở, mấy ngày sau tôi nhận được thẻ tín dụng chuyển đến nhà. Anh cười nói: “Em đừng nghĩ đến việc đang tiêu tiền của anh, đây là tiền chúng ta. Em không đi làm vì em đang làm một thiên chức cao cả hơn nhiều, công việc của em là 24/24. Hơn thế, em bỏ lại tất cả để theo anh, em cần thời gian để làm quen và hoà nhập với cuộc sống, sau này em thích đi làm thì chọn việc phù hợp. Chứ về thu nhập thì một mình anh có thể lo đủ, anh thừa hiểu cách chi tiêu hợp lý của em rồi (nịnh vợ!)”.
Rồi chúng tôi cùng bàn bạc. Có tài khoản chung để các nguồn thu đều gửi vào đấy, hàng tháng sẽ chi ra các khoản tiền nhà, tiền chi tiêu hàng ngày, tiền tiết kiệm và "quĩ đen".
Vẫn giống ngày xưa, tôi là "tay hòm chìa khoá" chi tiêu hàng ngày. Còn "quĩ đen" thì mỗi tháng hai vợ chồng được trích ra một khoản ngang nhau. Ví dụ mua sắm quần áo, cà phê với bạn bè hoặc giữ tiết kiệm riêng. Thậm chí mua quà sinh nhật cho nhau cũng từ “quĩ đen” đấy.
Ra ngoài, chồng tôi rất tự hào: “vợ cầm hết tiền rồi, vì cô ấy biết tiết kiệm hơn tôi”.
Tôi cũng quen một số cặp bên này, họ khá giống nhà tôi. Những cặp đang yêu nhau thì họ chi tiêu dựa trên thu nhập. Ví dụ: anh kiếm được 1200 E, tôi kiếm được 300E thì các khoản chi được tính theo 3/4 - 1/4.
Nghe có vẻ rạch ròi nhưng tôi thấy công bằng và rõ ràng. Sau này đi làm tôi vẫn xung vào quĩ vợ chồng và tiết kiệm để thỏa mãn thú đi du lịch của mình.
Vẫn có thể tặng quà cho mẹ, gia đình tôi giống như anh nhưng không có cái "quĩ đen" nào cả.
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000