Tiếng Việt còn, người Việt còn

Rất nhiều con em người Việt sinh ra và trưởng thành tại Đức không biết nói tiếng Việt, ngay cả khi bố lẫn mẹ của các em đều là người Việt và không sành sỏi tiếng Đức, phải giao tiếp cùng các em bằng tiếng Việt mỗi ngày.

Sống ở Đức khoảng hơn hai năm, tôi tiếp xúc không ít gia đình người Việt: từ Berlin đến Leipzig; từ Erfurt đến Ilmenau; và một số thành phố khác. Trẻ con người Việt ở Đức nhìn chung may mắn hơn trẻ ở Việt Nam, vì vừa thừa hưởng được văn hóa giáo dục rất chỉn chu, kỹ lưỡng từ bố mẹ Việt – lại vừa nhận được nền giáo dục cấp tiến và hiệu quả của Đức. Tôi biết một số em tận dụng được cả hai ưu thế này để phát huy năng lực, sở trường cũng như bản lĩnh của bản thân trong việc học tập hay làm việc. Nhưng…

Dở khóc dở cười giữa ngã ba đường

Không ít em người Việt thay vì tiếp thu thế mạnh đông-tây của người Việt lẫn người Đức, thì các em lại trở nên hoảng loạn, thậm chí “thẫn thờ” giữa việc hòa nhập hai nền văn hóa. Ở nhà, các em đối mặt với nền giáo dục phương Đông đôi khi bảo thủ, ngột ngạt khi con cái phải chịu áp lực học tập, làm việc, thậm chí là lập gia đình từ phía ba mẹ, người thân. Trong khi những gì các em học ở trường lại là những giá trị mang xu hướng tự do của văn hóa phương Tây – tự lập, tự chịu trách nhiệm với cuộc đời và quyết liệt bảo vệ giá trị cá nhân. Không phải em nào cũng đủ bản lĩnh hoặc đủ điều kiện để hòa nhập môi trường ấy.

1 1 Tieng Viet Con Nguoi Viet Con

Tạm không bàn về một loạt vấn đề như chuyện học hành, chọn ngành nghề vào đại học, chuyện yêu đương và cưới xin, hãy nói về một chuyện đơn giản: học tiếng Việt. Ngôn ngữ còn gọi là sinh ngữ – thứ mà nếu con người dùng nhiều sẽ càng giỏi, còn không dùng ắt nó sẽ “chết” đi. Với người lớn ngôn ngữ là thứ học bằng lý trí, bằng sự tính toán, cân nhắc; học bằng khả năng kiểm soát và chủ đích. Trong khi với trẻ con, học một hay nhiều ngôn ngữ phụ thuộc vào sự vô thức tiếp xúc với môi trường xung quanh.

Nói nôm na, một đứa trẻ sẽ giỏi tiếng Việt nếu môi trường xung quanh buộc chúng phải dùng tiếng Việt nhiều. Một ông chủ nhà hàng Việt Nam tại Thüringen, có cô con gái 18 tuổi vừa vào đại học, dù sinh ra tại Đức nhưng sử dụng tiếng Việt sành sỏi như tiếng mẹ đẻ (mà ai lần đầu gặp sẽ khó nhận biết cô bé trưởng thành ở Đức), nói với Thời báo Việt Đức rằng “cháu ở trường học tiếng Đức, về nhà dù tôi biết tiếng Đức nhưng chỉ nói tiếng Việt với cháu. Khi cháu nói tiếng Đức, tôi bảo “bố không hiểu con nói gì”, và hướng dẫn cháu diễn đạt bằng tiếng Việt ngay từ khi cháu bắt đầu tập nói và đi nhà trẻ”. Ông cũng thừa nhận rằng, sẽ có một giai đoạn con gái ông gặp chút khó khăn về ngữ pháp, nhưng mọi chuyện không khó để giải quyết, bởi càng lớn cô bé càng phân định được những khác biệt giữa hai ngôn ngữ và không có nhầm lẫn nữa. “Con tôi tiếng Đức lẫn tiếng Việt đều thành thạo như người bản xứ, điều đó giúp ích cho cháu rất nhiều trong việc hiểu được hai nền văn hóa khác nhau, từ đó có những ứng xử trong gia đình và xã hội phù hợp”, ông nói.

Không phải gia đình người Việt nào cũng chủ đích dạy tiếng Việt cho con. Có nhiều nguyên nhân: có gia đình vì quá bận rộn với chuyện áo cơm, chuyện mưu sinh nên để cho con “phát triển tự nhiên” mà không can thiệp hay trò chuyện với con. Nhiều phụ huynh vì “tiết kiệm thời gian” nên khi nói chuyện với con bằng tiếng Việt, con đáp bằng tiếng Đức mà không cần phải dạy. Thế nên mới có nhiều phụ huynh phân bua “cứ nói tiếng Việt đi, nó hiểu hết đấy, nhưng nó chỉ có thể nói tiếng Đức”.

Nhưng cũng có gia đình không muốn con “vất vả” hay can thiệp vào sự phát triển của con. “Tôi để con mình chọn, vì nó sinh ra ở Đức và tương lai nó cũng ở Đức, nên việc biết tiếng Việt hay không tôi cũng không quan trọng. Miễn cháu nó không mệt mỏi vì phải tiếp xúc hai ba thứ tiếng ngay từ nhỏ. Nó muốn học thì tôi sẽ dạy, nhưng không ép”, một phụ huynh có con là một cháu bé lai Việt-Đức sống tại thành phố Lübeck thuộc Schleswig-Holstein nói. Nói về việc giỏi tiếng Việt để giao tiếp, ứng xử với người trong gia đình, vị này cho rằng “điều đó không đến từ một phía”, ông bà cha mẹ quan tâm yêu thương con cái thì dù con cái giỏi tiếng Việt hay không cũng sẽ hiếu thảo với bề trên. “Hãy để đứa trẻ chọn lựa ngôn ngữ chúng thích, phù hợp với nơi chúng sinh trưởng và hòa nhập”,

vị này nói.

Một số gia đình phụ huynh còn chủ đích nói tiếng Đức với con. Đó là những phụ huynh giỏi tiếng Đức và họ thật sự không quan tâm đến tiếng Việt của con. Họ cảm thấy họ có thể dạy, hiểu và giao tiếp với con một cách hiệu quả bằng tiếng Đức – thứ ngôn ngữ chung mà bất kỳ ai sống tại Đức đều phải sử dụng.

Tôi không có nhận định đúng sai trong việc dạy tiếng Việt cho con; vì đó là quyền của mỗi phụ huynh, cũng như là quyền của những đứa trẻ. Rất khó có thể nói đúng sai khi mỗi đứa trẻ có mỗi hoàn cảnh gia đình, ước mơ nguyện vọng và thậm chí là năng lực khác nhau. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng việc biết nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt là một sợi dây gắn kết gia đình hay giữa hai nền văn hóa, đúng hơn là lăng kính hiệu quả cho trẻ biết thêm nhiều điều mới, thậm chí có nhiều lợi thế trong một số trường hợp.

Dạy – học tiếng Việt ở Đức không dễ

Để hiểu hơn về việc học tiếng Việt ở Đức, tôi tìm đến cô Trần Thị Song Thanh (sinh năm 1961), hiện đang sinh sống tại thành phố Leipzig. Thời gian ở Việt Nam, cô Thanh từng là giáo viên, sau đó năm 1996 được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử sang Đức để học môn Chủ nghĩa cộng sản, sau này nước Đức thống nhất chuyển thành khoa “Khoa học chính trị”.

Theo cô Thanh chia sẻ, tại nơi cô đang sinh sống từ năm 2009 đến nay số lượng người Việt thế hệ thứ hai đang phát triển đáng kể. Đứng trước yêu cầu của phụ huynh học sinh và tình trạng người Việt Nam nhưng không nói và hiểu được Tiếng Việt và khoảng cách giữa các cháu và bố mẹ cũng như với cộng đồng đang dần hình thành xa cách, cô Thanh đã bước đầu dạy Tiếng Việt trong Văn phòng hội người Việt.

“Qua việc tạo điều kiện và động viên của hội người Việt Thành phố Leipzig, các lớp học được hình thành. Cho đến năm 2000, Hiệp hội châu Âu mở dự án về việc dạy tiếng mẹ đẻ cho các nước có học sinh tại Đức, trong đó có Việt Nam và tôi đã tham gia dạy Tiếng Việt tại các trường phổ thông cho đến nay. Đối tượng giảng dạy phần lớn là học sinh Việt Nam”, cô Thanh chia sẻ. Nói về nội dung giảng dạy tiếng Việt, cô Thanh cho biết thêm “Thông qua các bài học giúp các cháu không chỉ biết đọc, viết và từ ngữ mà còn giúp các cháu tìm hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam, về phong tục tập quán, những khía cạnh mà thời gian được về Việt Nam cùng người thân, các cháu chưa đủ điều kiện biết đến”.

Nói về hoạt động giảng dạy tiếng Việt ở Đức khi so sánh với ở Việt Nam, cô Thanh nhận định rằng đều là dạy Tiếng Việt nhưng ở Việt Nam và nước ngoài khác xa rất rất nhiều. “Việc dạy ở Đức gặp nhiều trở ngại, đặc biệt về thực tế các cháu gần như không có nhiều mẫu vật để có thể hình dung (ví dụ: cái giần, sàng, cái nọng, nịa, cối giã gạo, v.v.) nên tôi phải miêu tả mất nhiều thời gian vì dụng cụ mô tả trực quan không có”, cô Thanh nói. Ngoài ra cũng theo cô Thanh, trong phát âm các em người Việt ở Đức cũng gặp cản trở vì tiếng Đức không có dấu. Ngoài ra áp lực của học sinh lên giáo viên lớn hơn ở Việt Nam. Hầu như 70% học sinh đi học vì yêu cầu của bố mẹ, chỉ còn lại 10% thích, 20% muốn học để biết bố mẹ và mọi người đang nói chuyện với nhau về cái gì.

“Tiếng Việt còn, Người Việt còn”

Đó là nhận định của cô Thanh khi trả lời tôi về tầm quan trọng của việc học tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt tại Đức. Xuất phát điểm công việc của cô Thanh cũng như nhiều dự án hỗ trợ phát triển tiếng mẹ đẻ cho người Việt tại Đức chính là giúp các cháu trở về cội nguồn, rút ngắn khoảng cách giữa các cháu và cộng đồng đặc biệt với bố mẹ và người thân.

Hơn nữa, theo cô Thanh, “từng là giáo viên đứng trên bục giảng nên tôi đã quyết định tiếp tục dấn thân vào con đường này tuy rằng không liên quan đến những ngành học mà tôi đã học, nhưng có nhiều điều níu chân tôi. Cho đến nay số lượng học sinh đã từng học Tiếng Việt của tôi khá lớn. Nhiều cháu đã có thể về Việt Nam để thực tập, học tập một cách dễ dàng mà không có rào cản về ngôn ngữ. Có những cháu mới học thời gian ngắn nhưng khi theo mẹ vào chợ người Việt, vào cửa hàng châu Á đã bộc phát đọc dòng chữ “hôm nay hết cá”. Có những cháu Tiếng Việt lạ lẫm, nhưng sau một thời gian đọc thông viết thạo trước sự ngỡ ngàng của bố mẹ. Còn với tôi, thành quả đó là sự động viên to lớn để bước tiếp.”

“Tôi mong được sự quan tâm tiếp tục của Hội người Việt Leipzig, cộng đồng người Việt tại Đức, đặc biệt bố mẹ của các cháu để dần dần Tiếng Việt ngày càng phát triển để các cháu không còn lạ lẫm, không còn rào cản với bố mẹ, người thân”, cô Thanh tâm sự.


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000