Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thư phản ánh của chị Nguyễn Thúy Hằng, một Việt kiều sinh sống tại Đức bức xúc cho biết, công trình tài trợ máy lọc nước của chị dành cho Trường trung học cơ sở Phú Vĩnh (thị xã Tân Châu, An Giang), nhưng bị nhà trường xếp xó nhiều tháng qua.
Thư của chị Hằng viết, đây là công trình mà chị giúp cho một số trường học tại Tân Châu, nhằm giúp cho học sinh nghèo mỗi ngày đến trường có được nguồn nước uống miễn phí, đạt tiêu chuẩn vilas quốc tế.
Trong 9 công trình mà chị đã thực hiện, thì chỉ có duy nhất, công trình đặt tại Trường trung học cơ sở Phú Vĩnh là khiến chị khó hiểu, băn khoăn nhất.
Vào tháng 6/2017, khi chị trở về Việt Nam, đến thăm Trường Phú Vĩnh, thì chị khá bất ngờ với công trình mà chị đã tài trợ cho nhà trường.
Toàn bộ máy móc, khay nước uống, vòi ống nước đều hoàn toàn biến mất. Chị Hằng có gọi điện cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Tân Châu (tên là Huy) để nêu thắc mắc, thì ít lâu sau, Hiệu trưởng Trường Phước Vĩnh đã gọi lại cho chị Hằng.
Qua điện thoại, thầy Âu, hiệu trưởng mới của Trường Phú Vĩnh đã giải thích với chị Hằng: thầy Âu mới lên thay thầy Đông làm Hiệu trưởng mới của ngôi trường này từ tháng 6/2017.
Khi đó, do đang là thời gian nghỉ hè, không có học sinh uống, nên thầy mới tháo máy móc ra, chờ tới ngày học sinh tựu trường sẽ tiếp tục gắn máy móc này lại để cho học sinh uống.
Máy lọc nước mà chị Hằng tài trợ cho Trường Phú Vĩnh hiện đang được cất trong kho (ảnh: P.L)
Chị Thúy Hằng đề nghị, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cần vào cuộc, làm rõ việc này để tạo niềm tin cho các nhà trợ công trình cho ngành giáo dục, nhất là đối với các Việt kiều tại Đức.
Trường đang xây dựng, nên tạm thời tháo ra
Ngày 26/2, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trực tiếp đến Trường trung học cơ sở Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, An Giang để gặp, làm việc với thầy Nguyễn Phú Âu – Hiệu trưởng về những nội dung mà chị Thúy Hằng đã đề cập.
Thầy Nguyễn Phú Âu giải thích: Vào thời gian hè, học sinh nghỉ học nên không ai sử dụng, xài máy lọc nước này.
Đến khi năm học 2017 – 2018 bắt đầu, nhà trường tiến hành xây dựng mới (từ tháng 10/2017), nên có dời vị trí máy lọc nước này đến vị trí mới, trước cửa một phòng khác, cũng rất tiện cho học sinh uống.
Tuy nhiên, đặt máy ở đây sau một thời gian thì cũng rất bất tiện, vì học sinh hay đá banh, rồi chạy đến uống, ướt hết nền nhà.
Thấy vậy, trường mới quyết định là tháo máy ra, đem máy vào kho của trường cất tạm. Máy cho tới nay vẫn hoạt động bình thường, không ảnh hưởng gì đến chức năng của máy.
Hợp đồng giữa chị Hằng và nhà trường là do Hiệu trưởng trước ký (thầy Đông), còn thầy Âu chỉ mới lên làm Hiệu trưởng từ đầu tháng 8/2016, cũng không nghĩ tới chuyện là máy lọc nước nó quan trọng đến như vậy, khiến cho chị Thúy Hằng bức xúc.
Đối với máy lọc nước này, 6 tháng là trường phải thay 3 cục lọc nước gắn ở bên trong. Có một thông tin thực tế mà thầy Âu nói với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, học sinh của trường sử dụng nước uống từ máy lọc nước này không nhiều.
Ngay sau đó, phóng viên cũng đã liên hệ qua điện thoại với thầy Bùi Quang Huy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Tân Châu, thì được biết: Theo báo cáo từ trường, nước từ máy lọc này không trong, không sạch, có mùi hôi, mà nhà trường chưa có nguồn kinh phí để sửa nên mới tạm thời tháo ra, cất vào kho.
Đối với công trình này, thầy Huy nói tiếp , máy thì chị Hằng đã tài trợ cho một số trường ở thị xã Tân Châu, có trường đủ kinh phí để duy trì hoạt động của máy, có trường chưa đủ kinh phí nên mới phải cất vào trong.
Máy lọc nước này đòi hỏi mỗi năm cần đi kiểm nghiệm nước từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, thay đèn cực tím nữa, nên có trường vận động được kinh phí xã hội hóa, có trường không có, nên tạm cất đi, khi nào có đủ tiền thì lại đem ra dùng bình thường.
Khi phóng viên hỏi việc nhà trường xây dựng có phải là nguyên nhân để đem máy cất đi, thầy Bùi Quang Huy trả lời, đó cũng là lý do để trường làm như vậy.
Nguồn: Giaoduc.net.vn
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000