1. Đức không có nhiều đồ ăn vặt, quán ăn lề đường, quán cafe trà sữa như ở Việt Nam.
Điều này đặc biệt thể hiện rõ ở các trung tâm thành phố nhỏ.
2. Các hàng quán siêu thị được tập trung ở một địa điểm nhất định, không nằm rải rác khắp nơi trong khu dân cư
Cách quản lý này nhằm đảm bảo các hoạt động mua bán giải trí không ảnh hưởng đến cuộc sống người xung quanh.
3. Chi phí ăn nhà hàng hoặc mua đồ ăn từ các cửa hàng thức ăn nhanh khá đắt đỏ
Với tính cách tiết kiệm, người Đức thích tự mua đồ ăn và ăn uống tại nhà hơn. Họ chỉ ra ngoài ăn khi có lý do, chẳng hạn như gặp đối tác, bạn bè, đi ăn với đồng nghiệp. Nhưng điều này cũng không thường xảy ra vì buổi tối là thời gian cho cuộc sống riêng của mỗi người.
4. Người Đức không ăn sáng như người Việt
Phần lớn người Đức vẫn ăn ba bữa một ngày. Tuy nhiên, bữa sáng và bữa tối thường là ăn món lạnh, gồm có bánh mì, thịt nguội, butter và cheese. Bữa trưa là bữa ăn với thức ăn nóng.
Riêng cuối tuần, người Đức thường ra đường ăn bữa brunch (vào khoảng từ 10-13 h) và bữa tối với gia đình hoặc bạn bè. Vì vậy sẽ rất khó để kiếm được chỗ bán đồ ăn sáng ở Đức. Buổi sáng sớm thường chỉ có siêu thị và các cửa hàng bánh (Bäckerei) mở cửa.
5. Người Đức thường ngủ sớm
Phần đông gia đình người Đức thường đi ngủ vào khoảng 7 hoặc 8 h tối. Khi bạn đi trên đường vào buổi tối, rất ít khi bạn thấy những khung cửa sổ sáng trưng như ở VN.
Sau 4 năm ở Đức, mình vẫn có cảm giác là nhiều khu nhà nhìn như không bao giờ có người ở vì nó luôn tối tăm vào ban đêm.
6. Khi người Đức rủ đi uống bia, nghĩa là đi uống bia
Điều này có nghĩa là đi ra quán, mỗi người một ly bia ngồi nói chuyện và uống, hoàn toàn không có thức ăn. Vì vậy, khi một người Đức rủ đi uống bia mà bạn đang đói bụng, hãy hỏi họ là chỗ đó chỉ bán bia hay có bán thức ăn gì để ăn lót dạ không.
7. Chợ ngoài trời ở Đức (Wochenende Markt or Wochemarkt) thường sẽ có giá đắt đỏ hơn siêu thị
Hàng hóa bán ở những buổi hợp chợ ngoài trời là đồ tươi có nguồn gốc từ những nông trại xung quanh thành phố và được bán trực tiếp bởi người làm nông trại. Vì vậy, sản phẩm được xem là tươi và sạch nên được bán giá cao hơn đồ bày bán ở siêu thị.
8. Mỗi trung tâm thành phố nhỏ sẽ có nhất định một bác sĩ cho mỗi chuyên khoa riêng
Ở Đức có rất nhiều người già sống một mình, nhất là ở các thành phố nhỏ. Vì vậy, đây là sự sắp xếp của chính phủ Đức nhằm giảm sự cạnh tranh và đảm bảo hệ thống y tế đầy đủ để phục vụ tốt cho nhu cầu cơ bản của người dân. Số lượng bác sĩ chuyên khoa tại mỗi trung tâm thành phố sẽ được tăng lên trên số lượng đầu người.
9. Người Đức thích sự yên tĩnh
Tiếng Đức có một từ gọi là Ruhezeit, nghĩa là thời gian yên tĩnh để nghỉ ngơi và tận hưởng cuộc sống riêng tư. Đây là quyền hợp pháp, có luật quy định và được pháp luật bảo vệ. Ruhezeit sẽ khác nhau một chút tùy theo thành phố:
Nachtruhe bắt đầu từ 22h tối tới 6 hoặc 7h sáng hôm sau
Ruhezeiten vào chủ nhật và ngày lễ thường là nguyên ngày. Để biết lịch của ngày chủ nhật yên tĩnh (Ruhezeit am Sonntag) và ngày lễ yên tĩnh (Ruhezeit am Feiertagen), bạn có thể xem trên lịch của Đức.
Ngoài ra, một số nơi còn có Mittagsruhe vào khoảng từ 12h tới 13h hoặc 15h.
Trong khoảng thời gian này, nếu có ai mở tiệc nhậu nhẹt gây ồn ào, những người chung quanh có quyền yêu cầu giữ trật tự. Trong trường hợp người vi phạm không chấp nhận yêu cầu, người chung quanh có quyền gọi cảnh sát đến giải tán.
Mình đã từng gọi cảnh sát đến giải tán nhóm thanh niên nhậu nhẹt nướng thịt trước cửa phòng mình vào gần 23h đêm. Việc gọi cảnh sát bên Đức khá đơn giản, không thủ tục giấy tờ. Cảnh sát chỉ đến nói lý lẽ, giải thích cho nhóm thanh niên là hành động này không đúng, vân vân.. rồi bảo họ giải tán. Bản thân mình chỉ gọi cảnh sát rồi ngồi trong nhà xem, không cần ra mặt. Vì vậy, các bạn không cần sợ hãi khi có việc cần gọi cảnh sát để bảo vệ quyền lợi của bản thân.
10. Ở Đức, có một ranh giới rõ ràng nhất định trong công việc và cuộc sống riêng
Khác với người Việt, người Đức ít khi tụ tập ra ngoài ăn uống nhậu nhẹt cùng đồng nghiệp vào buổi tối. Thay vào đó, thời gian này được dành cho gia đình, bạn bè thân hoặc cho bản thân.
Hai điều mình thích nhất trong môi trường sống ở Đức:
Hết ngày làm việc, mọi người sẽ chúc nhau «schöne Feierabend», ngầm hiểu là họ đã hoàn thành ngày làm việc, buổi tối bây giờ là dành cho cuộc sống riêng.
Sếp không bao giờ gọi điện thoại cho bạn ngoài giờ làm việc
Cuộc sống của người ở Đức rất quy củ, họ có chế độ làm việc và nghỉ ngơi rõ ràng vì với họ, hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống rất quan trọng. Và để đạt được hai điều này, họ phải sinh hoạt quy củ để có một cơ thể khỏe mạnh và đầu óc tỉnh táo. Một trong những hoạt động luôn có trong lịch sinh hoạt của phần lớn người Đức là tập luyện thể thao đều đặn và ngủ sớm.
Nguồn: DEUTSCH CAMPUS
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...