Có một địa chỉ hòm thư
Đây là một trong những thủ tục đầu tiên quan trọng và cần thiết nhất để bạn phải điền vào hồ sơ hoặc giấy tờ.
Theo đúng như quy định về việc được dán tên trên hòm thư thì trước tiên bạn cần phải tìm được một nơi ở và kí hợp đồng nhà, lúc đó chủ nhà mới cho phép dán tên bạn ở trên hòm thư. Như với trường hợp của mình khi mới qua Đức chưa thể tìm ngay được một chỗ ở chính thức, vì thành phố mà mình đến là một thành phố lớn và khó để có thể tìm được một phòng ở với mức giá hợp lý, vậy nên lúc đó mình đã ở nhà người thân trong vòng 2 tháng và phải xin nhờ để được có tên trên hòm thư trong thời gian mình tiếp tục đi tìm nhà, từ đó sẽ dễ dàng hơn trong việc nhận các loại thư quan trọng qua đường bưu điện.
Ở Đức, hầu như tất cả các giấy tờ hoặc kết quả thi sẽ đươc gửi và thông báo qua đường bưu điện. Nếu bạn chưa thể thuê và kí hợp đồng nhà ngay thì bạn có thể nhờ đến người thân hoặc bạn bè giúp đỡ để tránh thất lạc giấy tờ hay kết quả thi, điều này có thể ảnh hưởng lớn và gây rắc rối đến những thủ tục cần làm về sau. Nhưng trong trường hợp bạn không thể nhờ được ai để được dán tên mình tên hòm thư thì mình có một lời khuyên nho nhỏ hi vọng có thể giúp ích được cho các bạn, đó là khi đi làm giấy tờ, bạn có thể điền “C/O: TÊN NGƯỜI NHẬN”- tên của người mà bạn nhờ giúp đỡ và có thể tin tưởng vào vị trí điền địa chỉ trong các loại giấy tờ, hồ sơ mà bạn đi làm trước khi thuê được một nơi ở và chính thức có tên trên hòm thư.
Tìm và kí hợp đồng nhà
Tìm kiếm nhà ở đối với du học sinh là một qua trình khó khăn, vì bạn sẽ phải gần như hoàn toàn “tự thân vận động” để tìm được một nơi ở phù hợp tại thành phố mà bạn học tập. Tùy theo vùng và bang mà bạn ở khác nhau thì chi phí mà bạn phải trả sẽ khác nhau.
Trường Đại Học nào ở Đức cũng có khu kí túc dành cho sinh viên với mức giá hợp lý và thường là sẽ thấp hơn so với khi bạn đi thuê ở ngoài. Tuy nhiên bạn sẽ phải chờ ít nhất từ 2 đến 6 kì để có thể xin được một phòng ở trong kí túc trường, bên cạnh đó bạn có thể liên hệ với hội sinh viên của trường hoặc cộng đồng người Việt bên Đức để nhận được sự giúp đỡ.
Khi mình mới qua Đức, thành phố Frankfurt am Main- một trong những thành phố lớn và đắt đỏ nhất nước Đức là nơi mình chọn để sinh sống và học tập đầu tiên, việc tìm nhà với mình khá khó khăn và mất thời gian. Vì vậy trong gần hai tháng đầu mình đã phải xin ở nhờ nhà người thân, trong thời gian đó mình cũng cố gắng tìm nhà trên Internet và hỏi qua cộng đồng người Việt ở thành phố đó để có thêm thông tin và có thể tìm nhà một cách nhanh chóng. Và trong khoảng 1 tháng sau thì mình đã tìm thấy một phòng ở gần trường với mức giá phù hợp.
Tuy nhiên bạn cần lưu ý ở bên Đức khi mà bạn tìm nhà trên các trang Web cũng có rất nhiều trường hợp là lừa đảo mà thậm chí nhiều bạn đã học lâu bên Đức hoặc là các bạn người Đức cũng đã gặp phải. Chỉ trừ trường hợp bạn được nhận nhà ở trong kí túc xá sinh viên của trường, còn đâu khi bạn tìm được một phòng ở trên Internet hay được giới thiệu, tốt nhất bạn nên nhờ một người tiếng Đức tốt, hiểu luật mà bạn tin tưởng đi cùng để giúp đỡ bạn trong việc xem hợp đồng nhà và đóng tiền cọc, tránh được rủi ro bị lừa đảo và mất tiền, điều này sẽ gây ra tâm lý chán nản và lo lắng cho các bạn du học sinh mới đặt chân đến một đất nước xa lạ.
Đăng kí hộ khẩu tại tòa thị chính (Wohnsitz anmelden)
Sau khi kí hợp đồng nhà thì bạn phải ra tòa thị chính để đăng kí hộ khẩu trong thời gian sớm nhất vì bạn gần như không thể làm được gì ở Đức nếu không có hộ khẩu ví dụ như bạn cần hộ khẩu để gia hạn Visa, học lái xe hoặc là đi làm .
Những giấy tờ mà bạn bắt buộc phải mang theo là Passport và hợp đồng thuê nhà, bên cạnh đó thì từ tháng 11/2015 thì bạn cần thêm giấy chứng nhận của chủ nhà trong trường hợp nhà đi thuê. Trong vòng 7 ngày (có nơi quy định là 14 ngày) từ khi chuyển sang nơi ở mới thì bạn cần phải đăng kí hộ khẩu ở nơi cư trú mới. Nếu bạn đăng kí muộn hoặc không đăng kí nơi ở mới từ một năm trở lên mà không giải trình được lý do chính đáng thì số tiền mà bạn bị phạt có thể lên đến 2000Euro.
Làm hợp đồng bảo hiểm
Bảo hiểm sức khỏe là điều bắt buộc phải có khi bạn muốn du học ở Đức. Bảo hiểm và Visa có liên quan chặt chẽ đến nhau, khi bạn muốn gia hạn Visa thì bạn bắt buộc phải mang theo hợp đồng bảo hiểm.
Đối với những bạn mới sang Đức ban đầu đang học tiếng hoặc dự bị đại học thì bạn có thể mua bảo hiểm ở một số hãng bảo hiểm tư như HanseMerkur hoặc Mavista mới mức giá khoảng 33,10Euro một tháng.
Còn với những bạn học đại học (FH/Uni) thì làm hợp đồng với một hãng bảo hiểm công là một điều quy định bắt buộc, một số hãng bảo hiểm công mà các bạn du học sinh cũng như các bạn sinh viên Đức hay dùng ví dụ như AOK, TK, DAK… Và với bảo hiểm này, bạn sẽ phải trả khoảng 90Euro một tháng.
Với mỗi hãng bảo hiểm khác nhau, bạn có thể được hưởng những quyền lợi khác nhau khi bạn đi khám ở các phòng khám hay bệnh viện, bạn nên tìm hiểm kĩ và sớm làm một hợp đồng với hãng bảo hiểm thích hợp với mình để chuẩn bị cho các bước tiếp theo.
Mở tài khoản ngân hàng
Một trong những điều kiện để bạn có thể đi du học Đức là bạn phải mở một tài khoản phong tỏa của một ngân hàng tại Đức. Nhưng không phải ngân hàng nào ở Đức cũng có dịch vụ mở tài khoản phong tỏa.
Bạn có thể tìm hiểu và mở tài khoản phong tỏa của hai ngân hàng Deutsche Bank và Vietinbank. Thông thường bạn chỉ có thể được cho phép mở tài khoản của Đức ở bên Đức. Nhưng vì Deutsche Bank là một trong những ngân hàng lớn nhất của Đức có ký kết với Việt nam và Vietinbank là ngân hàng của Việt Nam nhưng có chi nhánh ở Đức nên những bạn muốn đi du học có thể mở một tài khoản của Đức ngay tại Việt Nam.
Các bạn sau khi đã mở một tài khoản phong tỏa ở Việt Nam thì khi sang Đức các bạn chỉ cần mang theo hộ chiếu và giấy chứng nhận hộ khẩu ra ngân hàng để làm thủ tục và chờ nhận thẻ.
Làm thủ tục nhập học
Mỗi trường có một thủ tục nhập trường khác nhau nên các bạn cần tìm hiểu trên trang Web của trường, hỏi các bạn sinh viên khác hoặc là nhờ đến sự giúp đỡ của các anh chị du học sinh Việt học khóa trước. Bạn mang theo những giấy tờ sau để có thể làm thủ tục nhập trường một cách thuận lợi:
Giấy chấp nhận của trường hoặc là thư giới thiệu của Giáo Sư hướng dẫn. Hộ chiếu. Ảnh hộ chiếu mới nhất trong 6 tháng trở lại. Giấy chứng nhận của bảo hiểm. Hóa đơn đã thanh toán mọi lệ phí học kì cho trường. Sau đó bạn có thể sẽ nhận được thẻ sinh viên ngay lập tức hoặc bạn sẽ phải chờ khoảng một tuần để nhận thẻ qua đường bưu điện.Thẻ sinh viên của bạn có thể dùng để đi lại trong thành phố bằng các phương tiện công cộng, mượn sách phục vụ cho việc học và ăn Mensa…
Gia hạn Visa
Sau khi lần lượt làm xong những thủ tục đã nêu ở trên, bước cuối cùng và cũng là bước quan trong nhất mà các bạn du học sinh cần làm đó là ra Sở Ngoại Kiều của thành phố mình sinh sống và học tập để gia hạn Visa. Bởi vì khi sang Đức thì tất cả Visa của các bạn đều là Visa du lịch nên thường chỉ có hạn là 3 tháng nên các bạn cần sớm tìm hiểu để đi gia hạn sớm.
Thông thường thì Sở Ngoại Kiều của thành phố chỉ làm một vài ngày cố định trong tuần, tốt nhất các bạn nên tìm thông tin về Sở Ngoại Kiều của thành phố nơi mình sinh sống trên Internet để xem những ngày họ làm việc và đến xếp hàng từ sớm vì tại các Sở Ngoại kiều rất đông các bạn từ các nước cũng đến gia hạn Visa. Để chuẩn bị cho lần gia hạn đầu tiên, các bạn chuẩn bị trước một số giấy tờ quan trọng sau với bản gốc và bản sao chép:
Giấy chứng nhận hộ khẩu. Giấy chứng nhận của bảo hiểm. Giấy chứng nhận nhập học. Giấy chứng nhận của ngân hàng với tài khoản phong tỏa cùng số tiền khoảng 8600Euro trong tài khoản. Hộ chiếu. Một ảnh thẻ trong thời gian gần. Đơn xin gia hạn Visa (khi bạn ra Sở Ngoại Kiều sẽ được phát để điền rồi nộp cùng hồ sơ xin gia hạn) 80-120Euro để làm thẻ căn cước.
Khi đi gia hạn thì tốt nhất là bạn nên xem lại xem khả năng tiếng Đức hoặc tiếng Anh của mình, vì khi mình mới sang Đức được thời gian ngắn thì mình đã ra Sở Ngoại Kiều của thành phố để gia hạn Visa. Lúc đó tiếng Đức của mình vẫn rất kém mặc dù mình đã thi đỗ B1 từ khi ở VIệt Nam, nhưng thực sự khi bước vào phòng để gia hạn thì hầu như mình không thể hiểu được người ta nói gì và mình cần phải làm gì. Lần gia hạn đầu tiên đó của mình kéo dài gần một tiếng đồng hồ vì trao đổi khá khó khăn và mình đã mất nhiều thời gian để hỏi và điền những mục ở trong “đơn xin gia hạn Visa”.
Vì vậy để tránh mất thời gian và để có thể gia hạn Visa một cách suôn sẻ nhất thì bạn nên nhờ một người tốt tiếng Đức đến và vào ngồi cùng để giúp đỡ bạn. Sau khi kiểm tra hồ sơ và giấy tờ của bạn đầy đủ, bạn sẽ được gia hạn ban đầu khoảng một đến hai năm, và sau khoảng 3 tuần bạn sẽ nhận được thư hẹn ngày đến nhận thẻ căn cước qua đường bưu điện theo địa chỉ mà bạn đã đăng kí hộ khẩu.
Trên đây là những thông tin về những điều cần làm khi mới sang Đức dành cho các bạn du học sinh. Hi vọng những thông tin và một số chia sẻ cá nhân trên của mình sẽ giúp ích được cho các bạn vẫn còn lúng túng và bỡ ngỡ khi mới đặt chân lên nước Đức
Theo ndf
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong GOCDUHOC
-
10 sự thật không ngờ về Du học Đức
Trong một vài năm trở lại đây, Du học Đức là một trong những sự lựa chọn hàng của các bạn có mong muốn được học tập trong môi trường quốc...
-
Đức: ''Luật nhập cư sửa đổi'' bắt đầu có hiệu lực nhằm thu hút lao động tay nghề
Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư của Đức nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng...
-
''Làng trong Phố'' - nơi quy tụ thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Đức
Hàng loạt sự kiện sôi nổi diễn ra liên tục trong 3 ngày của chương trình Trại Hè 2023 đã thu hút hàng trăm thanh niên, sinh viên và học...
-
Đi nước ngoài 4 năm, điều gì khiến bạn ngạc nhiên nhất khi trở về Việt Nam?
Tuần trước, mình có ngồi bia hơi với bạn cùng công ty cũ, nó đi học và làm việc ở Đức từ đầu năm 2019 đến tận hè này mới về Việt Nam do...