Chính xác như người Đức

Người Đức nổi tiếng về sự đúng giờ và họ luôn tự hào về điều đó.

Chính xác như người Đức - 0

Mặc dù không phát minh ra đồng hồ, nhưng người Đức làm cho mọi thứ đáng tin cậy như đồng hồ. Tàu điện, xe bus, máy bay ở Đức luôn đúng giờ. Vì thế, người Đức thường tin tưởng chọn đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Ngay cả những dự án lớn như các sân bay quốc tế mới cũng phải hoàn thành đúng tiến độ, hoặc ít nhất… về nguyên tắc. Nếu không, chắc chắn là do lỗi của ai đó. Có thể nó bị phá hoại (ngầm).

Người ta nói rằng, “đúng giờ là sự lịch sự của các ông hoàng”. Tương đối đúng. Nhưng điều đó không có nghĩa người Đức đúng giờ bởi họ là ông hoàng, bà chúa. Triết gia người Đức Immanuel Kant sáng nào cũng ngủ dậy lúc 5h, đến trường đại học lúc 7h, làm việc với đống sách vở từ 9h – 13h, sau đó đi dạo lúc 15h30, 7 lần đi lên đi xuống Lindenallee ở TP Prussian, Konigsberg, không hơn không kém, và đi ngủ lúc 22h, chính xác như vậy. Kant là trường hợp tiêu biểu cho sự chính xác (đúng giờ) của người Đức.

Không phải người Đức nào cũng theo được tấm gương của Kant, nhưng họ đều cố gắng để làm được như vậy. Gần 85% người Đức cho biết họ thực hiện các cuộc hẹn rất nghiêm túc (đúng giờ) và hy vọng người khác cũng vậy. Với người Đức, đúng giờ là thể hiện phép lịch sự. Đến cuộc họp hay bữa ăn muộn có thể bị coi là ăn cắp thời gian quý báu của người khác. Họ không muốn lãng phí thời gian chờ đợi và cũng không muốn người khác như vậy. Người Đức có quy tắc: thà sớm 5 phút còn hơn muộn 1 phút.

Có lẽ truyền thống của người Đức là càng chính xác càng tốt. Ngay cả trong khi giao tiếp, người Đức cũng dùng câu đúng ngữ pháp và nói ngôn ngữ chuẩn, mặc dù giới trẻ cũng sử dụng tiếng lóng như ở các quốc gia khác.

Tuy nhiên, thói quen đúng giờ cũng có mặt trái. Người Đức có câu thành ngữ: đúng giờ như thợ nề, nghĩa là họ sẽ không làm việc muộn hơn 1 phút nếu không quá cần thiết. Họ luôn đánh giá cao thời gian rảnh rỗi của mình.

Khang Duy-Theo DW

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC