Chủ nhà hàng Việt Nam ở Hamburg: Tự hào người Đức mê bánh mì

Chủ nhà hàng Việt Nam ở Hamburg: Tự hào người Đức mê bánh mì

Hơn 1 năm bán các món ăn truyền thống Việt Nam tại TP.Hamburg (Đức), chị Lam hạnh phúc khi không chỉ người Việt ở Đức mà còn cả người Đức đều mê mẩn bánh mì. Món ăn nhanh chóng trở thành món “best seller” và trở thành niềm tự hào của chị chủ.

Hương vị “rất Việt Nam” ở Đức

Hơn 1 năm qua, siêu thị Kinhdo của vợ chồng chị Nguyễn Thị Lam (36 tuổi) được nhiều khách Việt và người dân bản địa tới lui, bởi đây là một trong những cửa hàng có tiếng ở miền Bắc nước Đức chuyên phân phối các mặt hàng thực phẩm châu Á.

Bên trong siêu thị nói trên, hơn 1 năm qua, chị Lam bắt đầu mở một quầy thực phẩm chế biến, chuyên bán các món ăn truyền thống của Việt Nam như bún bò, phở, gỏi cuốn, bún thịt nướng, bánh cuốn, gỏi cuốn… và đặc biệt là bánh mì.

1 Chu Nha Hang Viet Nam O Hamburg Tu Hao Nguoi Duc Me Banh Mi

Thế nhưng, không phải ai cũng biết, chị chủ quê Hải Phòng đã cùng người thân trong gia đình sang Đức sống và làm việc được hơn 20 năm. Những ngày đầu đặt chân đến Hamburg, chị vừa đi học, vừa làm thuê cho một cửa hàng chuyên về ăn uống, thực phẩm. Cũng từ đây, tình yêu về ẩm thực, kinh doanh cũng lớn dần trong chị.

“Nhiều bạn người Việt Nam, nhất là các bạn mới sang Đức ghé chỗ mình ăn rồi đỡ nhớ quê hơn cũng khiến mình xúc động. Tôi lại càng có động lực nấu những món Việt phục vụ mọi người, bởi cộng đồng người Việt ở Hamburg, ở Đức thời điểm này cũng đông hơn trước và kết nối với nhau nhiều hơn”

Chị Lam

7 năm sau, khi có đủ điều kiện, chị Lam bắt đầu mở nhà hàng đầu tiên ở Đức để kinh doanh, tuy nhiên thời điểm đó các món mà chị bán chủ yếu là các món ăn truyền thống ở Đức để phục vụ cho người dân bản địa là chính, vì theo chị lúc này, cộng đồng người Việt ở Hamburg vẫn chưa đông như hiện nay.

Tháng 11 năm ngoái, chị quyết định kết hợp với tập đoàn Kinhdo (được thành lập bởi ông Hùng Nguyễn từ năm 2007 tại Hamburg) chuyên xuất nhập khẩu mặt hàng thực phẩm từ Việt Nam qua Châu Âu, mở 1 siêu thị trong hệ thống của công ty Kinhdo nhằm quảng bá rộng rãi thực phẩm và nhất là bánh mì Việt Nam phục vụ dân bản xứ.

2 Chu Nha Hang Viet Nam O Hamburg Tu Hao Nguoi Duc Me Banh Mi
Bánh mì là niềm tự hào của chị chủ khi có mặt trong thực đơn món của tất cả các ngày trong tuần

Cũng từ đây, với nguồn nguyên liệu Việt dồi dào mà siêu thị có thể nhập về để phân phối, chị nảy ra ý tưởng mở quầy ăn uống bán các món ăn truyền thống Việt Nam.

“Tất cả món ăn được bán tại đây, đều được chế biến theo công thức riêng của tôi, từ những ký ức về các món Việt truyền thống mà tôi từng ăn qua cũng như những gợi ý từ người thân. May mắn, các món nhận được những phản hồi tốt không chỉ của cộng đồng người Việt ở đây, mà còn cả người Đức. Ở đây, khách hàng có thể tìm thấy một hương vị rất Việt Nam tại Đức”, chị tự hào.

Điều đặc biệt đến từ bánh mì Việt Nam

Quầy ăn uống trong siêu thị phục vụ từ 11 giờ đến 19 giờ, từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần. Tuy nhiên, bánh mì Việt Nam lại là món được bán hầu hết tất cả các ngày thay vì phục vụ xen kẽ như một số món khác, bởi khách hàng rất ưa chuộng món này và trở thành một trong những món được bán chạy nhất.

3 Chu Nha Hang Viet Nam O Hamburg Tu Hao Nguoi Duc Me Banh Mi
Chị Lam (trái cùng) tự hào khi bán món Việt ở Đức

Ở đây, chị Lam bán 2 loại bánh mì, bao gồm bánh mì thịt nướng và bánh mì thập cẩm. Mỗi ổ bánh giá 5,5 euro. Bánh mì được phết pate, chả lụa được chế biến theo công thức riêng, có thêm thịt xá xíu, rau củ, đồ chua và nước xốt làm nên hương vị đặc trưng.

Theo chị, dù có những sáng tạo riêng trong ổ bánh, nhưng khi ăn, thực khách vẫn cảm nhận rõ được một hương vị “rất Việt Nam” trong đó. Chị hạnh phúc vì nhiều người Việt ở Đức suốt thời gian qua vẫn tới lui, thậm chí có người ở rất xa, có dịp vẫn ghé chỗ chị để ăn một ổ bánh mì, để cảm nhận được hương vị quê hương.

4 Chu Nha Hang Viet Nam O Hamburg Tu Hao Nguoi Duc Me Banh Mi

Đầu bếp Tim Mälzer nổi tiếng tại Đức đến siêu thị để mua và thưởng thức các món châu Á

NVCC

“Nhiều bạn người Việt Nam, nhất là các bạn mới sang Đức ghé chỗ mình ăn rồi đỡ nhớ quê hơn cũng khiến mình xúc động. Tôi lại càng có động lực nấu những món Việt phục vụ mọi người, bởi cộng đồng người Việt ở Hamburg, ở Đức thời điểm này cũng đông hơn trước và kết nối với nhau nhiều hơn”, chị nói thêm.

“Ai đến mua ăn cũng hết lời khen bánh mì Việt Nam. Họ nhận xét dù là một món ăn ngoại, song lại hết sức dễ ăn và là sự phối hợp đậm đà giữa tất cả các nguyên liệu trong. Nhiều khách Đức khẳng định bánh mì Việt Nam độc đáo không giống bất cứ loại bánh nào ở Đức bởi bên trong có thịt xíu mại, pate lạ miệng”

Chị Lam

Chị Lam tâm sự, đa phần những khách Đức đến đây mua bánh mì, là vì trước đó đã biết đến sự nổi tiếng của bánh mì Việt, hoặc có người thân là người Việt Nam và được giới thiệu. Có người vì tò mò cũng ghé ăn thử và “kết” luôn hương vị bánh mì thịt.

“Ai đến mua ăn cũng hết lời khen bánh mì Việt Nam. Họ nhận xét dù là một món ăn ngoại, song lại hết sức dễ ăn và là sự phối hợp đậm đà giữa tất cả các nguyên liệu trong. Nhiều khách Đức khẳng định bánh mì Việt Nam độc đáo không giống bất cứ loại bánh nào ở Đức bởi bên trong có thịt xíu mại, pate lạ miệng”, chị tự hào.

5 Chu Nha Hang Viet Nam O Hamburg Tu Hao Nguoi Duc Me Banh Mi

Ổ bánh mì giá 5,5 euro của bếp chị Lam

Anh Trương Văn Kiều (39 tuổi, chồng chị Lam) là người đồng hành cùng chị điều hành các hoạt động của siêu thị. Anh cho biết mình phụ trách chính trong việc phân phối thực phẩm châu Á đến các nhà hàng ở Đức và khu vực lân cận, còn vợ thì đảm nhiệm công việc ở khu vực bếp chế biến. “Được mang các món ăn Việt sang đây, gắn bó với nó mỗi ngày là niềm vui, niềm hạnh phúc của vợ chồng tôi”, anh nói.

Thời gian tới, vợ chồng chị Lam dự tính sẽ tiếp tục mở rộng thực đơn món Việt, đặc biệt là bánh mì như bán thêm bánh mì chay, để phục vụ thêm nhu cầu đa dạng của khách. Đó cũng là cách chị chủ thể hiện tình yêu với ẩm thực Việt ở thành phố xinh đẹp giữa lòng nước Đức.


© 2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC