Chuyện lạ: Dù là thủ đô nhưng Berlin đang là “gánh nặng” cho nước Đức

Chuyện lạ: Dù là thủ đô nhưng Berlin đang là “gánh nặng” cho nước Đức

Nói đến Việt Nam là phải nhắc đến thủ đô Hà Nội, cũng như Anh có London, Pháp có Paris, Hàn Quốc có Seoul hay Nhật Bản có Tokyo. Thế nhưng, người Đức lại chưa chắc muốn nhắc nhiều đến thủ đô Berlin của họ. Tại sao vậy?

Năm 2018, người dân thủ đô Berlin nghe được tin tức vô cùng tốt khi họ thặng dư ngân sách tới 1,5 tỷ Euro, mức kỷ lục trong lịch sử. Điều này đồng nghĩa với việc thành phố có dư tiền để trả các khoản nợ cũng như đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng.

Trớ trêu thay, giới truyền thông của Berlin lại khá bi quan khi chính quyền thành phố sử dụng rất kém hiệu quả nguồn vốn này. Rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng đã bị chậm tiến độ hàng năm trời. Ví dụ như một cây cột đèn đỏ ở ngã tư Tegeler Forst bị hỏng sau 1 tai nạn năm 2013, đáng lẽ ra phải được sửa xong trong 4 tuần thì mãi 4 năm sau, chúng vẫn bị bỏ đấy. Câu trả lời của chính phủ là việc tính toán xem cây cột mới có bị đỏ hay không “quá tốn nhân lực và chi phí”.

Bạn nghe quen quen phải không?

Trên thực tế nhiều quốc gia đang phát triển có thủ đô cũng lâm vào tình trạng tương tự khi nguồn vốn ngân sách không được hiệu quả, nhưng việc nền kinh tế số 1 Châu Âu là Đức có tình trạng tương tự lại đang khiến nhiều chuyên gia bất ngờ.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự nghèo đói. Vâng, bạn không nghe nhầm đâu, thủ đô Berlin của Đức đang bị nghèo đói đấy.

1 1 Chuyen La Du La Thu Do Nhung Berlin Dang La Ganh Nang Cho Nuoc Duc

Báo cáo mới nhất cho thấy nếu tách thủ đô London khỏi nước Anh, GDP bình quân của nước này sẽ giảm 11,1%. Làm tương tự với thủ đô Paris của Pháp và con số giảm là 14,8%. Trớ trêu thay, nếu tách Berlin khỏi kinh tế Đức thì GDP bình quân đầu người tại đây lại tăng 0,2%.

Vậy tại sao thủ đô của nền kinh tế số 1 Châu Âu lại bị các doanh nghiệp hắt hủi như vậy?

Tất cả là tại…thua trận

Quay ngược dòng lịch sử, thủ đô Berlin của Đức vốn là trung tâm công nghiệp, kinh tế của cả nước trước Thế chiến II. Nơi đây là nhà của 4,3 triệu người vào năm 1939.

Tuy nhiên sau khi bại trận, thành phố này bị chia cắt làm 2 và các doanh nghiệp, nhà máy bỏ chạy hết về những vùng khác của nước Đức nhắm tránh cuộc xung đột Liên Xô với Phương Tây. Năm 1945, Berlin mất 35% dân số và chỉ mới phục hồi lại dần vào thập niên 1990.

Sau khi thống nhất trở lại, những công ty này chẳng có nhiều lý do để quay lại sau khi đã chi cả đống tiền đầu tư sản xuất ở nơi khác thời gian dài. Khoảng cách 30 năm là quá lâu trong khi chính phủ Đức thời đó chưa cần một thủ đô hùng mạnh làm biểu tượng do liên quan đế địa chính trị.

Hệ quả là Berlin thu hút những thành phần dân nghèo, những xưởng sản xuất bỏ hoang cho các nghệ sĩ sáng tác. Hàng loạt văn phòng tại đây bị bỏ trống thành tụ điểm cho những tầng lớp ăn chơi của giới trẻ. Dự tính Berlin mỗi năm thu hút khoảng 40.000 cư dân mới và hơn 80% trong số họ không phải người Đức gốc, đồng nghĩa không có công việc ổn định.

Trong nhiều năm, Berlin nằm ở bờ vực phá sản do những thanh thiếu niên phè phỡn trên chẳng đóng góp được nhiều thuế cho thành phố. Các doanh nghiệp thì không chịu quay lại trong khi chính sách tái thiết kinh tế vấp phải nhiều lực cản do liên quan đến địa chính trị.

May mắn thay, nhiều nhà khởi nghiệp bắt đầu quay lại Berlin, biến nơi đây thành địa điểm thu hút giới công nghệ nhiều thứ 2 sau London. Thêm vào đó, những di tích lịch sử, văn hóa đang khiến Berlin thu hút ngày càng đông du khách, qua đó gia tăng nguồn ngân sách.

Dẫu vậy, Berlin còn rất nhiều thứ phải làm. Sân bay mới tại đây chỉ có thể mở cửa vào năm 2021 sau 10 năm xây dựng chậm chạp và 7 lần trễ hẹn mở cửa. Số lượng trường học xuống cấp vẫn còn nhiều và tỷ lệ trẻ em nghèo ở Berlin còn cao.

Lực lượng an ninh của Berlin còn kém hiệu quả trong khâu xử phạt, đặc biệt là việc đối phó với những tổ chức khủng bố, tổ chức phát xít mới manh nha. Trong khi những thành phố khác như Hamburg có hệ thống hành chính công hiệu quả thì Berlin vẫn còn rườm rà với bộ ban ngành phức tạp cùng tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Thêm một yếu tố nữa khiến Berlin trở thành đứa con rơi của nước Đức là tư tưởng. Chủ nghĩa bài tư bản vẫn còn ăn sâu tại đây khiến mọi công nghệ mới hay quan điểm mới mang tính hiệu quả trở nên khó ứng dụng rộng rãi. Thay vì cải cách mạnh mẽ toàn bộ, chính quyền thành phố chỉ thay đổi từng tý một bất chấp đã bị các nơi khác vượt mặt về kinh tế.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Berlin hiện cao hơn nhiều so với bình quân toàn quốc và số tiền trợ cấp của chính phủ cho Berlin cũng cao nhất so với tất cả các khu vực khác trong nước vào năm 2015.

Mặc dù Berlin vẫn là nơi tập trung nhiều startup công nghệ cũng như là địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng thành phố Frankfurt mới là trung tâm tài chính kinh tế của Đức. Trong khi đó, những tập đoàn sản xuất, công nghiệp lớn lại đặt trụ sở tại những nơi khác chứ không phải ở Berlin. Ví dụ như hãng BMW hay Siemens đặt trụ sở tại Bavaria.

Nghe có vẻ kỳ nhưng thủ đô của nền kinh tế số 1 Châu Âu vẫn còn những tụ điểm rác thải không được dọn sạch, những đoạn đường đầy bụi thi công. Bạn muốn xin visa ư? Hãy đợi hàng tháng nhé. Việc đăng ký xe ô tô thì mất hàng tuần. Hàng loạt những thủ tục hành chính giấy tờ bị chất đống, kẹt lại không được giải quyết trong văn phòng thành phố.

Năm 2018, câu chuyện một cặp đôi phải di chuyển từ Berlin đến nơi khác để làm đám cưới đã làm mạng xã hội xôn xao. Nguyên nhân là các trung tâm đám cưới tại đây thiếu nhân viên và họ chỉ có thể thực hiện dịch vụ hôn lễ vào một số tháng cố định trong năm.

1 2 Chuyen La Du La Thu Do Nhung Berlin Dang La Ganh Nang Cho Nuoc Duc

Một thủ đô “độc nhất”

Nhắc đến thủ đô Berlin, có lẽ ngoài những di tích lịch sử, văn hóa thì còn rất nhiều cái nhất. Ví dụ đây là thủ đô duy nhất của một nền kinh tế phát triển trên thế giới có tỷ lệ nợ cao, đạt 36,9 tỷ Euro năm 2016. Tính riêng trong năm đó, trong khi thành phố Bavaria đóng góp 5,4 tỷ Euro cho ngân sách nhà nước thì Berlin lại vay thêm 3,6 tỷ Euro.

Khoảng 70% ngân sách của Berlin được dùng cho bảo trì cơ sở hạ tầng chứ đừng nói đến chuyện xây mới.

Báo cáo của Viện nghiên cứu CIER cho thấy Berlin là thủ đô duy nhất tại Châu Âu trở thành gánh nặng cho nền kinh tế toàn quốc.

Theo tờ Berliner Zeitung, khoảng 500 người nhập cư xếp hàng tại trụ sở thành phố trong cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015 mỗi ngày để xin giấy phép, nhưng chỉ có khoảng 200 người là nhận được giấy hẹn.

Thống kê chính thức năm 2015 cho thấy Berlin có tỷ lệ phạm tội cao nhất nước với 16.414 vụ án trên mỗi 100.000 người, cao hơn rất nhiều mức bình quân 7.797 vụ/100.000 người của toàn quốc.

Tốc độ tăng trưởng phạm tội của Berlin giai đoạn 2014-2015 cũng đạt tới 4,9%. Tỷ lệ cướp cửa hiệu tăng 14%, giật túi tăng 25,8% và đột nhập nhà riêng tăng 34,6%.

Cùng năm, Berlin có tỷ lệ thất nghiệp cao thứ 2 toàn quốc với 10,7%, cao hơn nhiều mức bình quân 6,4%. Trong khi những thành phố như Bavaria chỉ có 3,6% người nhận trợ cấp thất nghiệp thì con số này là 16,4% ở Berlin.

Không dừng lại ở đó, Berlin còn nổi tiếng về “chất lượng” giáo dục. Bảng xếp hạng năm 2016 của Bildungsmonitor cho thấy Berlin đứng cuối bảng về giáo dục trong khi những vùng khác như Saxony hay Thuringia đứng đầu.

Năm 2014, tỷ lệ bỏ học tại Berlin đạt 8,1%, cao hơn mức trung bình cả nước 5,5%. Khoảng 39,7% số sinh viên tại Berlin không hoàn thành kỳ thực tập so với mức bình quân 27,7% toàn quốc.

Vậy đấy, một nước Đức nổi tiếng với tính kỷ luật và hiệu quả lại đang để thủ đô của mình kém hiệu quả và tồi tàn như vậy. Tệ hơn, họ lại chẳng muốn thay đổi khi các nơi khác đang biến đổi từng ngày.

AB

Theo Nhịp Sống Kinh Tế


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC